Thực phẩm chức năng giả đe dọa sức khỏe người tiêu dùng
Thực phẩm chức năng (TPCN) không có tác dụng chữa bệnh, chỉ là sản phẩm hỗ trợ sức khỏe nhưng có hàng chục ngàn chủng loại trên thị trường với nhu cầu tiêu thụ lớn. Sự dễ dãi trong quy trình sản xuất, buông lỏng trong quản lý khiến TPCN giả, kém chất lượng trà trộn làm người dùng lo ngại.
“Con mồi” của thực phẩm chức năng giả
Mới đây, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ TPCN giả và thu giữ hơn 100 tấn sản phẩm. Theo kết quả điều tra, từ năm 2016, Nguyễn Năng Mạnh (Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MediUSA) và đồng phạm đã thành lập, điều hành nhiều công ty để hợp thức hành vi sản xuất, buôn bán TPCN giả, từ khâu nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, đóng gói, tiêu thụ.
Với vỏ bọc “nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu”, có tem chống hàng giả nhưng thực tế, nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc mua trôi nổi trên thị trường. Về chỉ tiêu chất lượng, nhiều thành phần chỉ đạt dưới 30% so với công bố.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận phương thức tiêu thụ là đi gặp trực tiếp các trình dược viên, nhà thuốc ở các tỉnh, các công ty dược phân phối ở tỉnh để chào hàng, giới thiệu sản phẩm.
Kết quả điều tra cho thấy, 5 cán bộ của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế có hành vi nhận hối lộ để sản phẩm giả trót lọt ra thị trường. Các đối tượng đã chi tiền “lobby” trong việc thẩm định, hậu kiểm và cấp phép công bố sản phẩm, chi cho đoàn kiểm tra thẩm định 2 nhà máy sản xuất hơn 1 tỷ đồng để giảm số lỗi. Gần 10 năm qua, đường dây TPCN giả đã hoành hành, trục lợi từ “con mồi” là đối tượng yếu thế như người già, trẻ nhỏ.

Người dân mua thuốc và các sản phẩm bảo vệ sức khỏe tại chuỗi nhà thuốc Pharmacity
Trước đó, cơ quan điều tra phát hiện 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe BABY SHARK và Medi Kid Calcium K2 dành cho trẻ em của Công ty TNHH Công nghệ Herbitech là hàng giả. Một số sản phẩm do công ty này sản xuất còn xuất hiện công khai trên hệ thống nhà thuốc lớn khiến người tiêu dùng lo ngại.
Ngày 13-5, đại diện nhà thuốc Pharmacity khẳng định đã thu hồi 4 sản phẩm do Công ty Herbitech sản xuất, bao gồm: PMC Hoạt Huyết, PMC Gingko Biloba, PMC Joint Care, PMC Liver Support. Các sản phẩm trên do Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Giang Sài Gòn đăng ký, công bố và phân phối.
Dễ dãi trong sản xuất, kiểm định, tiêu thụ
Theo Bộ Y tế, từ năm 2021 đến nay, thị trường có hơn 54.549 sản phẩm TPCN với 80,4% là sản phẩm sản xuất trong nước của 201 cơ sở sản xuất. Trong đó, có 29.779 thực phẩm bảo vệ sức khỏe, 350 thực phẩm dinh dưỡng y học, 1.287 thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, 23.133 thực phẩm bổ sung. Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam nhận định, thị trường TPCN trong nước tăng trưởng 15%/năm và ngày càng tăng do nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Để tạo lòng tin với người tiêu dùng, nhiều công ty sản xuất TPCN đặt tên chứa cụm từ “dược quốc tế”, “dược phẩm” nhưng thực tế, TPCN được quản lý theo Luật ATTP và các văn bản liên quan. Trong đó, nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt cần phải được Cục ATTP cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TPHCM, nhận định, Việt Nam đi sau thế giới về TPCN nhưng lại đi quá nhanh nên gặp nhiều vấn đề trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, quảng cáo TPCN. Kéo theo đó là nguy cơ sản phẩm giả, kém chất lượng len lỏi, trà trộn trên thị trường.
Bà Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần có luật hoặc chương trình riêng về TPCN để người dân không nhầm lẫn với thuốc; đồng thời phải mạnh tay xử lý hơn với quảng cáo TPCN trên mạng xã hội.
Ngày 14-5, Sở ATTP TPHCM cho biết vừa phát hiện Công ty TNHH GodwayPharma (147 Bùi Công Trừng, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) sử dụng nguyên liệu quá hạn để sản xuất 2 sản phẩm bột đạm, tổng khối lượng 1.296kg; 3.804kg nguyên liệu bột đạm Prozymax hương sôcôla tự nhiên đã hết hạn sử dụng, đang tồn kho.
Ngay sau đó, UBND TPHCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH GodwayPharma số tiền 2,9 tỷ đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ nguyên liệu và thực phẩm vi phạm.