Thực phẩm dịp Tết: Đến hẹn lại… lo!
Những vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm tại những thương hiệu sản xuất nổi tiếng mới đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo bất an cho sức khỏe cộng đồng
Đến hẹn lại lên, càng đến gần Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm càng tăng cao. Cùng với đó là nguy cơ thực phẩm bẩn, mất an toàn len lỏi vào thị trường.
Sản xuất bên xác chuột chết
Cuộc kiểm tra trong khuôn khổ chiến dịch bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Nguyên đán 2025 của TP Hà Nội những ngày qua đã phát hiện và tạm dừng hoạt động nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm do vi phạm. Một trong những vụ việc gây xôn xao là cơ sở sản xuất bánh cốm truyền thống Nguyên Ninh (phố Hàng Than, Hà Nội) bị tạm dừng hoạt động và xử phạt 40 triệu đồng do không đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh ATTP. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện khu vực sản xuất không bảo đảm vệ sinh, nền nhà ẩm mốc, có cống rãnh hở, ứ đọng rác; nhà vệ sinh nằm ngay trong khu vực sơ chế thực phẩm; nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc với thực phẩm cũng không được chứng minh rõ ràng…
Chỉ ít ngày sau đó, đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của TP Hà Nội tiếp tục phát hiện sai phạm nghiêm trọng tại xưởng sản xuất bim bim của Công ty Cổ phần Thương mại và Công nghệ thực phẩm Đức Vinh (xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội) - một trong những "thủ phủ" sản xuất bánh kẹo. Kết quả kiểm tra ghi nhận nhiều vi phạm về vệ sinh ATTP. Điều kiện vệ sinh tại đây khiến nhiều thành viên trong đoàn kiểm tra phải rùng mình khi các loại bim bim được đổ trực tiếp xuống sàn nhà bẩn, công nhân dùng tay không bốc và đóng gói sản phẩm.
Nghiêm trọng hơn, đoàn kiểm tra phát hiện xác chuột chết đang bốc mùi hôi ngay trong khu vực sản xuất. Cơ sở này cũng không xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc của một số loại phụ gia và nguyên liệu sử dụng để sản xuất bim bim - một trong những đồ ăn được nhiều trẻ nhỏ yêu thích.
Chưa hết, mới đây, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP Hà Nội) cũng đã phát hiện gần 3 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc tại một cơ sở sơ chế, kinh doanh thực phẩm đông ở huyện Thạch Thất. Số hàng hóa gồm: nầm, tràng, chân gà, thịt, đuôi trâu, bò các loại... Theo cơ sở kinh doanh, số thực phẩm này chuẩn bị đem ra tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Một ngày sau đó, đoàn kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh (tại xã Tựu Liệt, huyện Thanh Trì) và phát hiện hơn 2,1 tấn thực phẩm gồm nầm lợn, tràng trứng, tràng lợn, kê gà, mề gà... không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm định chất lượng. Toàn bộ số hàng hóa bị tạm giữ và xử lý theo quy định.
Thủ đoạn tinh vi, nguy cơ rình rập
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP Hà Nội), cho biết theo thông lệ cứ đến thời điểm giáp Tết, thị trường thực phẩm lại sôi động, kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cùng với đó, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia không rõ nguồn gốc được tiêu thụ nhiều trong dịp này.
Tại Hà Nội, các cơ quan chức năng đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như thịt, bia, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả, đồ uống có cồn và các sản phẩm phục vụ cho các lễ hội. Đáng chú ý, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 kiểm tra 7 cơ sở thì yêu cầu tạm dừng hoạt động 6 cơ sở. "Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh sản phẩm ngay tại chỗ. Khi phát hiện vi phạm, đoàn yêu cầu chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm, giám sát việc khắc phục và thẩm định đến khi nào đạt yêu cầu mới cho hoạt động trở lại" - ông Phong nói.
Theo Cục ATTP (Bộ Y tế), năm 2024, cả nước ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm khiến gần 5.000 người mắc và 21 trường hợp tử vong. Đặc biệt, ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố có xu hướng gia tăng khiến các cơ quan chức năng càng phải siết chặt quản lý trong dịp Tết Nguyên đán. Bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục ATTP, cho biết kiểm tra và xử lý các vi phạm ATTP là một phần quan trọng trong chiến lược bảo vệ sức khỏe cộng đồng của Bộ Y tế, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. "Chúng tôi khuyến cáo các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh ATTP, từ khâu sản xuất đến phân phối, để không gây nguy hiểm cho người tiêu dùng" - bà Nga cảnh báo.
Trước tình hình ATTP trong dịp Tết đang trở thành vấn đề đáng lo ngại, Cục ATTP khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại các siêu thị và cửa hàng uy tín, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có nhãn mác, có thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng. Hiện nay, hàng hóa cung ứng Tết rất đa dạng, đầy đủ, do đó người dân không nên tích trữ thực phẩm để tránh việc sử dụng thực phẩm bị quá hạn, ôi thiu... dễ gây ngộ độc.
Các loại giỏ quà Tết dễ bị trộn hàng hết hạn, hàng giả là điều đáng báo động.
Tăng cường kiểm tra tối đa
Tại TP HCM, trong năm 2024, số lượng cơ sở được kiểm tra tăng 10% so năm 2023. Sở ATTP đã kiểm tra 15.769 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, xử lý vi phạm 64 cơ sở với tổng số tiền hơn 812 triệu đồng; buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp 2 cơ sở; buộc thu hồi sản phẩm bánh kem, cà phê đóng bình; tịch thu 102 kg thịt heo; buộc tiêu hủy sản phẩm bánh kem, cà phê đóng bình, trái cây, 230 gói hàng hóa thực phẩm, 1.533 kg thực phẩm các loại; buộc thực hiện kiểm dịch lại 349 con heo, 1.310 kg thịt heo…
Sở ATTP cũng đã tiến hành lấy 5.312 mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh đối với sản phẩm thủy sản sống, tươi, ướp đá, bảo quản lạnh; thịt dạng tươi, ướp đá, giữ mát, đông lạnh (pha lọc, cắt lát); nước đá dùng liền; rượu trắng sản xuất tại Việt Nam; bột, tinh bột; nước uống đóng chai; nước giải khát đóng hộp và nước giải khát đóng hộp thiếc; rau, củ, quả và trái cây tươi kinh doanh tại chợ đầu mối, chợ truyền thống. Các mặt hàng có kết quả không đạt, sẽ tập trung kiểm tra nhiều hơn trong năm 2025 là các loại nước uống đóng chai (10%), nước đá (10% mẫu nhiễm khuẩn), thủy hải sản tươi sống (20% bị nhiễm khuẩn)... Cũng trong năm qua, thành phố có 5 vụ ngộ độc thực phẩm. Trong đó, 2 vụ tại bữa ăn gia đình, 2 vụ do hàng rong trước cổng trường, 1 vụ tại công ty.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP HCM, cho biết trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại việc kinh doanh không phép (hàng rong, buôn bán tự phát, lấn chiếm lòng lề đường), đặc biệt là xung quanh trường học, bệnh viện, chợ đầu mối, chợ truyền thống, khu vực tập trung đông người; các đối tượng kinh doanh đối phó với các đoàn kiểm tra khi được kiểm tra. Tới đây, sở phối hợp UBND TP Thủ Đức và quận, huyện tăng cường công tác bảo đảm ATTP. Cụ thể: Tập trung công tác kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống, các điểm tập kết, vận chuyển, mua bán nông, thủy sản, thực phẩm tự phát lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, vi phạm trật tự an toàn giao thông, không bảo đảm ATTP, gây ô nhiễm môi trường tại khu vực xung quanh chợ đầu mối, điểm kinh doanh thực phẩm tự phát, hàng rong trước cổng trường…; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình điểm bảo đảm ATTP (chợ thực phẩm an toàn, thức ăn đường phố trước cổng trường...). Tăng cường phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan trong công tác kiểm tra: Các cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc), cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc cổ truyền có kinh doanh thực phẩm chức năng… Kiểm tra, kiểm soát chặt việc kinh doanh thực phẩm trên môi trường mạng (website, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…), hàng gian, hàng giả. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP và công tác hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm.
Theo bà Lan, công tác kiểm tra ATTP đặc biệt dịp Tết sắp tới cũng đang được sở tăng cường tối đa. Không chỉ có những cơ sở nhỏ mà ngay cả những thương hiệu lớn cũng có thể vi phạm ATTP. "Ngoài các thực phẩm sống như thịt, rau củ, hải sản, lo lắng nhất là an toàn của các loại thực phẩm đóng gói sẵn trong dịp Tết. Ngoài những bất cập về điều kiện sản xuất và nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra vào các loại thực phẩm đóng gói sẵn" - lãnh đạo Sở ATTP nhấn mạnh.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thuc-pham-dip-tet-den-hen-lai-lo-196250113204446145.htm