Thực phẩm giả, kém chất lượng hoành hành: Vì đâu nên nỗi?

Những ngày qua, dư luận xôn xao về tình trạng thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng tràn lan. Người dân cảm thấy lo lắng, bất an cho bữa ăn hằng ngày của mình. Một số người chỉ biết tặc lưỡi xem như 'sống chết có số'.

Thời gian gần đây, các vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng liên tục được các cơ quan chức năng phát hiện. Sau vụ việc rúng động: Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng lên đến gần 600 loại sữa tại Hà Nội và một số tỉnh vào trung tuần tháng 4.2025 vừa qua, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện thêm nhiều vụ sản xuất, tiêu thụ thực phẩm giả, thực phẩm bẩn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cụ thể, Bộ Công an phát hiện hơn 100 tấn thực phẩm chức năng giả; Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện, thu giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính (bột ngọt), 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả được sản xuất tại Công ty TNHH Famimoto Việt Nam; Công an tỉnh Nghệ An phát hiện 4 đối tượng ở TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) sản xuất hơn 3.500 tấn giá đỗ “ngậm” hóa chất; Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện hơn 60 tấn giá đỗ “ngậm” thuốc kích thích tăng trưởng được tiêu thụ ra thị trường…

Việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm bẩn không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế nước nhà mà còn khiến tâm lý người dân hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí gây chết người. Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 100 vụ ngộ độc thực phẩm với hàng nghìn bệnh nhân, trong đó có hàng chục người tử vong. Trong các vụ ngộ độc thực phẩm đó có nhiều thực phẩm không đạt chất lượng, thậm chí cả thực phẩm giả.

Thực tế cho thấy, hiện nay có không ít các cơ sở sản xuất thực phẩm hoạt động kín đáo, tinh vi, lợi dụng những kẽ hở trong quản lý của cơ quan chức năng để sản xuất thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả với chi phí thấp nhằm thu lợi nhuận cao.

Nói về kẽ hở trong quản lý cần nhắc đến Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự công bố sản phẩm, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm. Một số doanh nghiệp làm ăn phi pháp đã xem đây như một lá bùa “che chắn” cho hoạt động sản xuất thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.

Bà Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng thừa nhận việc sản xuất, kinh doanh hàng giả hiện nay có một phần nguyên nhân đến từ việc lợi dụng sự thông thoáng của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. “Với cơ chế tự công bố, doanh nghiệp có thể tự công bố, và sản xuất ngay mà không cần cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ. Lợi dụng sự thông thoáng này, một số doanh nghiệp tự công bố các sản phẩm dinh dưỡng y học, hoặc sản phẩm dùng cho chế độ ăn, đặc biệt là thực phẩm bổ sung. Đây là hành vi lách luật đáng bị lên án”, bà Nga nói.

Cũng bởi sự cho phép các doanh nghiệp sản xuất tự công bố sản phẩm mà Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà đã câu kết với nhau thành lập Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group (TP.Hà Nội) để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả suốt một thời gian dài mới bị lực lượng chức năng phát hiện.

Đến nay, đường dây sản xuất, kinh doanh sữa bột giả này đã sản xuất lên đến 573 loại sữa bột khác nhau, không chỉ bán ngoài thị trường mà còn vào cả trong các cơ sở y tế.

Trong khi đó, công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm hiện nay đang có những bất cập khiến cho việc phát hiện, xử lý thực phẩm bẩn gặp những khó khăn nhất định.

Thực tế cho thấy công tác kiểm tra an toàn thực phẩm hiện nay có 2 hình thức, kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất. Trong đó, kiểm tra theo kế hoạch thì phải thông báo trước cho cơ sở nhiều ngày để họ chuẩn bị. Khi có sự chuẩn bị trước, nếu có hàng giả, hàng kém chất lượng thì họ cũng giấu nhẹm, không thể nào phát hiện được; còn kiểm tra đột xuất thì đơn vị kiểm tra phải giải trình với cấp trên là vì sao chọn cơ sở đó, rất nhiều thủ tục nhiêu khê.

Ngay cả khi kiểm tra phát hiện được cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, việc xử lý cũng chưa đủ sức răn đe, chưa thể khiến các cơ sở đó lo sợ, từ bỏ hoạt động phi pháp vì lợi nhuận cao. Một khi “cái giá phải trả” không đủ sức lung lay “cái giá của lợi nhuận” thì tất nhiên họ vẫn tiếp tục sản xuất thực phẩm giả, kém chất lượng.

Như chúng ta đã biết, hiện nay khung hình phạt cao nhất đối với tội sản xuất hàng giả là thực phẩm chỉ mới tù chung thân, nhưng yêu cầu phải chứng minh thiệt hại. Đối với thực phẩm giả, hay kém chất lượng, không phải lúc nào cũng gây hậu quả tức thì mà nó kéo dài nhiều năm, thậm chí cả chục năm. Như vậy, việc chứng minh thiệt hại khi sử dụng thực phẩm giả đang là một bài toán khó. Trong khi sản xuất thực phẩm giả, nếu làm hàng loạt sẽ gây hại cho rất nhiều người. Đặc biệt, vừa qua có các vụ việc sản xuất thực phẩm chức năng giả, sữa giả ảnh hưởng đến hàng loạt người già, trẻ nhỏ, người bệnh… đều là những người yếu thế trong xã hội.

Mới đây, trong phiên họp tổ, các đại biểu quốc hội góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, khung hình phạt cao nhất đối với tội sản xuất hàng giả là thực phẩm chỉ mới tù chung thân là chưa đủ sức răn đe. “Trong chừng mực nào đó cần xem lại các khung hình phạt của tội danh này, thậm chí cần bổ sung án tử hình để tăng tính răn đe”, bà Lan đề xuất.

Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng sản xuất thực phẩm giả, kém chất lượng là tội phạm nguy hiểm, không chỉ cần một chế tài đủ mạnh để răn đe mà còn phải có một hành lang pháp lý đủ mạnh ngăn chặn những đối tượng làm ăn phi pháp, bất chấp sức khỏe của người dân.

Trước mắt, Chính phủ có thể sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng thắt chặt quản lý và khắc phục những tồn tại hiện nay; tăng khung xử phạt cao hơn nữa đối với tội sản xuất hàng giả là thực phẩm. Đây là điều giúp cho người dân thấy rằng Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc ngăn chặn loại hình tội phạm nguy hiểm này.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất phải đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu, tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của pháp luật về sản xuất, và kinh doanh thực phẩm. Sự trung thực và trách nhiệm của doanh nghiệp là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thuc-pham-gia-kem-chat-luong-hoanh-hanh-vi-dau-nen-noi-232966.html