Thực phẩm giúp giảm đau bụng ngày 'đèn đỏ'
Khoảng 85% nữ giới bị đầy hơi chướng bụng, chuột rút và đau bụng trong kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Thậm chí đối với một số người, tình trạng này có thể kéo dài nhiều năm.
Tiến sĩ Stephanie Faubion, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ Mayo Clinic, cho biết: “Đau bụng kinh là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em gái nghỉ học. Do đó, điều quan trọng là phải tìm ra các phương án có thể giảm thiểu cơn đau”.
“Thay đổi chế độ ăn uống là giải pháp tương đối đơn giản có thể giúp họ giảm đau đáng kể”, tiến sĩ Faubion nói thêm.
Tác giả chính của nghiên cứu Serah Sannoh bắt đầu quan tâm đến chủ đề này do chứng đau bụng kinh của mình từ khi còn niên thiếu.
Bà Sannoh cho biết: “Chế độ ăn nhiều thực phẩm gây viêm nhiễm như thịt động vật, dầu, đường, muối và cà phê góp phần làm tăng nguy cơ đau bụng trong thời kỳ kinh nguyệt”.
“Giới trẻ thường thích ăn các thực phẩm có khả năng gây viêm cao như thịt chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo chuyển hóa. Nhưng nếu tuân thủ theo chế độ ăn nhiều trái cây, rau, dầu ô liu, như chế độ ăn Địa Trung Hải, bạn sẽ ít bị đau bụng hơn”, tiến sĩ Monica Christmas, thành viên hội đồng quản trị NAMS, phó giáo sư Sản phụ khoa tại Đại học Chicago, chia sẻ.
Các bằng chứng khoa học đã chỉ ra ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và tập thể dục là những biện pháp hiệu quả trong việc giảm mức độ đau bụng kinh. Nhưng tiến sĩ Christmas lưu ý phụ nữ nên đến gặp chuyên gia sức khỏe để đảm bảo không có bệnh lý nào góp phần gây ra các triệu chứng.
Nguyên nhân gây ra cơn đau
Khi cơ thể chuẩn bị đến kỳ kinh nguyệt, các tế bào nội mạc tử cung hình thành lớp niêm mạc trong tử cung để chuẩn bị cho trứng đã thụ tinh vào làm tổ.
Trong quá trình hoạt động, những tế bào này giải phóng lượng lớn axit béo được gọi là prostaglandin làm lớp tử cung co lại và đào thải các mô không được sử dụng ra ngoài.
Cơ thể cũng tiết ra prostaglandin một cách tự nhiên trong quá trình chuyển dạ để mở cổ tử cung cho quá trình sinh nở. Prostaglandin hoạt động giống như hormone, khiến các mạch máu và cơ trơn co lại, gây ra co thắt và đau đớn.
Theo Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Mỹ (AAFP), các nhà nghiên cứu phát hiện những người đau bụng kinh có mức độ prostaglandin cao hơn và các cơn co thắt tử cung mạnh, thường xuyên hơn so với những người đau ít hoặc không đau.
Các nghiên cứu cho thấy ăn thực phẩm gây viêm làm tăng thêm sự khó chịu. Thực phẩm siêu chế biến, nhiều đường cũng như thực phẩm béo, nhiều dầu mỡ là thủ phạm phổ biến.
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy sinh viên đại học ăn nhiều đồ vặt bị đau nhiều hơn trong kỳ kinh nguyệt.
Một nghiên cứu khác của các sinh viên đại học Tây Ban Nha năm 2018 phát hiện phụ nữ uống nước có ga và ăn thịt có nhiều khả năng bị đau bụng trong chu kỳ hơn những người ăn nhiều rau, trái cây.
Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2020 cho thấy những phụ nữ ăn ít hơn hai phần trái cây mỗi ngày dễ bị đau bụng kinh hơn.
Nhà nghiên cứu Sannoh nhận thấy một phần của vấn đề là sự mất cân bằng giữa axit béo omega-3 và omega-6. Axit béo omega-3 tìm thấy trong các loại thực phẩm như cá hồi, cá ngừ, cá mòi, hàu, quả óc chó, hạt chia, hạt lanh, có tác dụng chống viêm.
Các nghiên cứu tìm ra mối liên kết của axit béo này với việc giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính do viêm gây ra.
Ngoài vai trò trong hệ thống sinh sản, axit béo omega-6 giúp cho da, tóc và xương khỏe mạnh và điều chỉnh sự trao đổi chất. Nhưng hàm lượng axit béo này quá cao có thể gây viêm chúng được phân hủy thành axit arachidonic, làm giảm ngưỡng chịu đau của cơ thể.
“Từ nghiên cứu của mình, tôi phát hiện những người có chế độ ăn giàu axit béo omega-6, đặc biệt từ các sản phẩm có nguồn gốc động vật, có hàm lượng axit arachidonic cao hơn trong cơ thể. Điều này làm tăng lượng prostaglandin gây viêm, khiến tử cung co thắt”, bà Sannoh nói.
Bà nói thêm chế độ ăn uống cân bằng axit béo omega-3 và omega-6, đồng thời giảm lượng thức ăn gây viêm nhiễm vào cơ thể sẽ làm giảm đau bụng kinh.
Hai nghiên cứu riêng biệt từ năm 2011 và 2012 cho thấy việc bổ sung axit béo omega-3 giúp phụ nữ đỡ khó chịu trong kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, một nghiên cứu năm 1996 đã phát hiện mối quan hệ có ý nghĩa lớn giữa axit béo omega-3 và các triệu chứng kinh nguyệt nhẹ hơn ở thanh thiếu niên.
Các giải pháp khác
Thay đổi chế độ ăn uống không phải là cách duy nhất để chống lại cơn đau bụng kinh. Tiến sĩ Christmas cho biết thuốc chống viêm không steroid (NSAID) làm cơ thể giảm sản xuất prostaglandin. Vì vậy, chúng thường được dùng để điều trị đau bụng kinh.
Tuy nhiên, các loại thuốc giảm đau này cũng có tác dụng phụ. Theo một đánh giá của Cochrane Library năm 2015, NSAID có thể gây đầy hơi, tiêu chảy, chóng mặt, khó tiêu, nhức đầu, ợ chua, huyết áp cao, buồn nôn và thậm chí làm tăng men gan.
Một số loại thuốc tránh thai cũng làm giảm hoạt động sản xuất prostaglandin trong niêm mạc tử cung, từ đó làm giảm cả lưu lượng máu và những cơn co thắt. Theo một đánh giá của Cochrane Library năm 2009, sử dụng liều lượng dưới 35 microgram mang lại hiệu quả giảm đau ngày “đèn đỏ”.
Nhưng nếu bạn không thích sử dụng các phương pháp trên, hãy thử áp dụng chế độ ăn uống chống viêm. Bà Sannoh đã đưa nghiên cứu của mình vào thực tế bằng cách giảm ăn thịt đỏ và các thực phẩm gây viêm nhiễm khác như đường và cà phê. Nhà nghiên cứu Sannoh tiết lộ với CNN việc này đã giúp bà đỡ đau trong kỳ kinh nguyệt.
Tiến sĩ Christmas cho biết còn có một lợi ích khác khi áp dụng chế độ ăn này. Theo đó, nó còn có thể giúp giảm tỷ lệ cao huyết áp, nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường, giảm các vấn đề về khớp, đồng thời giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong, đặc biệt sau khi mãn kinh.
“Vì vậy, nếu những người trẻ ăn uống khoa học hơn, tập thể dục và sống một lối sống lành mạnh, họ sẽ duy trì được sức khỏe khi có tuổi”, tiến sĩ Christmas nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuc-pham-giup-giam-dau-bung-ngay-den-do-post1365695.html