Thực phẩm Halal nhiều tiềm năng hướng đến thị trường quy mô 2.000 tỷ USD

Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu trị giá 2.000 tỷ USD, nhưng hiện vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, khi có chưa đến 10% nhu cầu được thỏa mãn.

Ngành thực phẩm Halal của Việt Nam đang sở hữu nguồn nguyên liệu thô tiềm năng dồi dào, cùng khả năng lớn trong việc sản xuất các sản phẩm cuối cùng cho xuất khẩu. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã được công nhận là một trong những điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu, càng cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú, bao gồm nhà hàng Halal và dịch vụ ăn uống.

Đáp ứng chưa đến 10% nhu cầu

Nhấn mạnh về tiềm năng cũng như cơ hội phát triển các sản phẩm Halal, ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trung bình từ 6% - 7% mỗi năm, cho thấy nền kinh tế nội địa vững mạnh với tiềm năng cao. Trong khi đó, Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, trị giá 2.000 tỷ USD nhưng hiện vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, với chưa đến 10% nhu cầu được thỏa mãn.

Sản phẩm Halal được cấp chứng nhận tại thị trường Indonesia

Sản phẩm Halal được cấp chứng nhận tại thị trường Indonesia

Khẳng định thị trường Halal nhận được sự quan tâm lớn của các Hiệp hội, ngành hàng, ông Trần Văn Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, trong năm 2024, ngành điều đã xuất khẩu được 700.000 tấn hạt điều nhân, trị giá 3,8 tỷ USD, trong đó chứng nhận Halal cũng như các chứng nhận khác về quản lý, kiểm soát chất lượng là rất quan trọng.

“Những năm qua, hiệp hội đã chú trọng tới thị trường Halal khi tất cả các sản phẩm điều xuất khẩu đều có chứng nhận Halal, cũng như các chứng nhận khác về chất lượng. Hiện nay, thị trường lớn nhất vẫn là thị trường Mỹ, đi kèm với yêu cầu có chứng nhận Halal nhiều nhất, chiếm 30% toàn bộ sản lượng xuất khẩu, tiếp đến là các thị trường châu Âu, Australia, các quốc gia Trung Đông…”, ông Hiệp chia sẻ thông tin.

Nhận thấy vẫn còn những thách thức, rào cản các DN xuất khẩu gặp phải khi xâm nhập vào thị trường Halal, ông Lê Phú Cường, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia khẳng định, nhu cầu sản phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo là rất lớn, tuy nhiên để đạt được chứng thực Halal tiêu chuẩn cho xuất khẩu lại là một vấn đề khác.

“Chứng nhận Halal không phải là yêu cầu bắt buộc đối với hàng nhập khẩu vào Malaysia, tuy nhiên nhiều nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ ưu tiên lựa chọn sản phẩm có Chứng nhận này để đáp ứng phần đông người tiêu dùng sở tại, khi dân số Hồi giáo ở quốc gia này chiếm tới 60% nên đa số sản phẩm được ưu tiên lựa chọn phải có Chứng nhận Halal”, ông Cường lưu ý.

Nêu thực tế tại Indonesia, quốc gia có nhu cầu nhập khẩu lớn về sản phẩm Halal, ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia thông tin, Chứng nhận Halal của Indonesia cũng được coi là một rào cản phi thuế quan, khi thủ tục và thời gian cấp phép kéo dài, chi phí cao, hiệu lực lại ngắn gây khó khăn cho DN vừa và nhỏ.

Trong khi đó, số lượng các đơn vị được Indonesia ủy quyền cấp chứng nhận lại rất hạn chế, chỉ có duy nhất 1 đơn vị và cũng mới chỉ áp dụng cho thực phẩm, trong khi quy trình cấp chứng nhận khá phức tạp, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng chứ không chỉ đầu vào. Bên cạnh đó, sự quan tâm của DN đến các quy trình cấp phép Halal vẫn còn hạn chế, thiếu bài bản cùng với cạnh tranh từ các nước khác…

Thị trường Halal toàn cầu trị giá 2.000 tỷ USD mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Thị trường Halal toàn cầu trị giá 2.000 tỷ USD mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Halal quan trọng trong chiến lược mở rộng xuất khẩu

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, thị trường Halal toàn cầu trị giá 2.000 tỷ USD mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nếu phấn đấu trong vòng 5 năm với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm tỷ trọng cao trong thị trường Halal toàn cầu.

Đáng chú ý, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có công văn 4169/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc "Mở rộng xuất khẩu vào thị trường Halal". Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu thông tin tại Báo cáo số 388/2025/TTĐT ngày 8/5/2025 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, để xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal.

Với những tiềm năng và cơ hội rộng mở, thị trường Halal đang trở thành một hướng đi quan trọng cho DN Việt Nam trong chiến lược mở rộng xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, DN và các tổ chức chứng nhận nhằm xây dựng một hệ sinh thái Halal bài bản, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Trong đó, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, bao gồm ưu tiên nguồn lực ngân sách cho sản xuất và cấp chứng nhận, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đào tạo nhân lực chuyên trách về Halal. Đồng thời, cần có các tổ chức trung gian uy tín giúp DN trong quá trình chứng nhận và tuân thủ quy định tại các thị trường xuất khẩu.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thuc-pham-halal-nhieu-tiem-nang-huong-den-thi-truong-quy-mo-2000-ty-usd-post1200170.vov