Thực phẩm sạch, một vấn đề tiên quyết cho sự hùng cường

Nếu được đưa ra góp ý nhỏ bé mà máu thịt nhất của mình, để Việt Nam hùng cường, tôi xin bắt đầu bằng một điều thường nhật nhất, giản dị nhất: miếng ăn.

Từ 12 năm trước, tôi (Đ.D.H.) đã phối hợp lấy mẫu, đứng tên gửi đi xét nghiệm để chứng minh rượu pha cồn cực kỳ độc hại ra sao

Từ 12 năm trước, tôi (Đ.D.H.) đã phối hợp lấy mẫu, đứng tên gửi đi xét nghiệm để chứng minh rượu pha cồn cực kỳ độc hại ra sao

Khi nhà báo Nguyễn Quý Trọng, Tổng Biên tập Báo Hải Dương, nhã ý đặt tôi một bài viết theo ý tưởng: “Hoàng đi nhiều, đi nước ngoài cũng nhiều, thử ngẫm xem có bài học nào tâm đắc nhất có thể hiến kế để tham khảo, để dân tộc ta vươn mình trong kỷ nguyên mới nhé”, tôi nghĩ và viết bài này.

Buông lỏng quản lý đồ ăn thức uống là tự sát tập thể

Càng ngẫm, tôi và nhiều trí thức, lúc trà dư tửu hậu, càng không sao lý giải nổi: ở một đất nước nhiệt đới gió mùa ẩm, rau cỏ cứ để tự nhiên cũng mọc lên, xanh tốt như rừng ấy. Thế mà, đời tôi, ba chục năm qua chưa từng thấy vui khi ăn một cọng rau đi mua ngoài chợ hoặc mua ở nhà hàng xóm.

Vào nhà hàng, ra siêu thị, xuống chợ vỉa hè, mua cái gì, đắt đỏ bằng nào, về nhà cũng vừa ăn vừa băn khoăn. Vấn đề là tôi không bị tự kỷ ám thị hay bịa ra điều lo sợ đó, chẳng có lý do gì để tôi phóng đại nỗi sợ hãi trên.

Những con số sau đây (đều của năm 2024), có thể làm rùng mình bất cứ ai: tại tỉnh Sóc Trăng, tiệm bánh mỳ Thu Hà gây ra vụ 150 người phải nhập viện do vi sinh vật nguy hiểm có trong thịt nguội; 2 tháng sau, tại quán Cơm gà Trâm Anh ở tỉnh Khánh Hòa, 369 người ngộ độc do nhiễm vi sinh vật Salmonella. Tháng 4/2024, cùng lúc 547 người “thập tử nhất sinh” vì ăn ở tiệm Bánh mì Cô Băng (tỉnh Đồng Nai). “Bếp ăn tập thể” làm 95 người của công ty TNHH Dechang Việt Nam (tỉnh Đồng Nai) vật vã hãi hùng trong bệnh viện. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, 438 người nhập viện sau bữa ăn tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam…

Rau củ quả, thịt thà cá mú, những thứ ăn vào miệng để sống, để khỏe, để phụng thờ tổ tiên, để báo hiếu bố mẹ, để chăm sóc con cái - thứ mình quý hơn cả tính mạng mình - thế mà ta lại không thể tin về sự an toàn của chúng. Thế thì ăn vàng ăn bạc cũng chẳng thể nào thấy ngon nổi. Ai cũng có thể nuôi, trồng, rồi thu hái, giết mổ, đem ra bán tràn lan túa xua ở bất cứ cái sạp, cái chợ nào. Siêu thị cũng nhập nhèm hàng “bôn tẩu” từ ngoài chợ vào...

Bằng chứng cho điều này là những lần tôi và người thân của mình bị ngộ độc tập thể. Liên tục người uống rượu pha cồn công nghiệp bị chết dù chục năm trước tôi đã tố cáo trên các báo, các kênh truyền hình lớn nhất Việt Nam hiểm họa này.

Tôi bỏ tiền đi xét nghiệm rượu độc để những mong kêu cứu cho cộng đồng. Chúng tôi đã điều tra, tố cáo, dẫn cơ quan chức năng tới bắt giữ, xử lý hàng loạt các tệ nạn bỏ hóa chất, đem đủ thứ bẩn thỉu vào thức ăn của cộng đồng. Tôi gọi đó là hành động đầu độc người tiêu dùng, làm suy giảm giống nòi Việt, là tội ác chống lại loài người.

Chỉ một lần chúng tôi tố cáo ở Cao Bằng, cơ quan chức năng đã tịch thu xử lý gần 10 tấn thịt lợn thối rữa từng được thu gom về, ngâm hóa chất, tẩm gia vị làm đặc sản hun khói

Chỉ một lần chúng tôi tố cáo ở Cao Bằng, cơ quan chức năng đã tịch thu xử lý gần 10 tấn thịt lợn thối rữa từng được thu gom về, ngâm hóa chất, tẩm gia vị làm đặc sản hun khói

Chỉ tính riêng trên VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam (và nhiều tờ báo lớn), tôi đã mời phóng viên cùng tham gia các vụ tày trời: dùng thịt lợn chết thối rữa làm đặc sản lạp xường, xúc xích, thịt hun khói (ở Cao Bằng); biến thịt chuột cống thành đủ thứ đặc sản trong nhà hàng và ship bán tơi tới (ở Bắc Ninh); dùng nhiều thứ hóa chất và chất bảo quản đáng sợ, tống vào mắm tôm, bán mỗi tháng nhiều tấn từ Thanh Hóa ra Hà Nội phục vụ đặc sản bún đậu mắm tôm; hoặc món “đâu có đó, thịt chó có mắm tôm”; vô số hộ gia đình “nấu rượu truyền thống” mà không nổi lửa, nhất tề dùng cồn công nghiệp trộn vào nước lã, khuấy đều đem vứt lăn lóc từng thùng phuy vài trăm lít ra ngoài đê sông Cầu… bán. Họ đã chính thức gieo nỗi đau kinh hoàng, âm thầm giết hoặc làm chết tươi thực khách.

Tại sao sức khỏe của người tiêu dùng bị rơi vào thảm họa như trên, suốt mấy thập niên qua? Tại sao “án tử” ung thư tràn lan và các bệnh viện và các khoa ung bướu khắp cả nước luôn là “chuyên ngành” quá tải bậc nhất?

Do buông lỏng quản lý.

Nếu quản lý đầu vào cho sức khỏe tính mạng của mỗi người như quản lý ma túy bán lẻ, quản lý vũ khí vật liệu nổ, quản lý thông tin xấu độc bôi nhọ lãnh đạo, tôi nghĩ sẽ “không đến nỗi”. Đằng này, nhà nhà làm ra sản phẩm, lương tâm tùy mạng mỡ, mạnh ai nấy bán, bán cả đời chưa thấy ai xét nghiệm thử xem sản phẩm tốt hay xấu, ăn vào chết tươi hay chết dần.

Quê tôi làm chè từ năm 1960, thuốc trừ sâu phun tới mức chú tôi chết tại sân giếng nhà tôi vì ngộ độc và cảm nắng.

Năm nay tôi 50 tuổi, chưa thấy ai xét nghiệm xem trà mạn chúng tôi bán ra sạch hay bẩn, phun thuốc trừ sâu vô tội vạ, phun xong hái ngay trong ngày cũng chưa thấy ai “bẩu” gì. Người ta về cắm biển trồng chè VietGAP, nhưng cứ cắm thôi, chè vẫn trồng, tưới phun và thu hái y như cũ. Tôi điều tra ở Hà Nội, hãng rau sạch nọ làm quy trình truy xuất nguồn gốc rau họ bán, xem rau trồng ở nhà ai, ruộng nào. Chả ai tham gia, họ nhập rau trôi nổi về đóng gói, đính thương hiệu rau “Đạo Đức” với “Trung Thành” (ví dụ thế, toàn cái tên hay ho, các thương hiệu này đã hơn một lần bị tố cáo làm ăn gian dối) vào rồi đem bán cho các trường học danh tiếng, các siêu thị lớn.

Vậy, cơ chế quản lý nên thế nào?

Tôi hỏi các bạn nước ngoài: họ quản lý chặt chẽ từ nông trại tới bàn ăn.

Họ quản lý các chuỗi cung ứng: ai cung cấp rau và thịt cá, địa chỉ thế nào, quy trình sản xuất ra sao. Đơn vị nào mua và bán ra. Khi có sự cố thì phạt cực nặng, ngừng cho phép sản xuất, khởi tố hình sự, cấm vĩnh viễn việc tham gia nguy hiểm của họ vào lĩnh vực quan trọng này. Và bảo đảm không một sản phẩm nào không bị giám sát, bảo đảm không ai dám làm sai, không muốn làm sai, và cũng không thể làm sai. Bởi họ làm bậy là họ giết chính họ và người thân của họ, sau đó mới giết cộng đồng vô tội.

Thờ ơ, im lặng cho sai phạm ở lĩnh vực này, đều là độc ác, phản nhân văn (chứ chưa nói bảo kê hay trục lợi chính sách).

Tự các câu chuyện đã cho thấy lời giải “thực phẩm sạch”

Chúng tôi đi trắng đêm với đối tượng bắt chuột cống ở bệnh viện, cống rãnh, ao mương quanh Hà Nội, rồi chứng kiến họ chế biến thành "đặc sản" thú rừng, chuột đồng bán cho khách

Chúng tôi đi trắng đêm với đối tượng bắt chuột cống ở bệnh viện, cống rãnh, ao mương quanh Hà Nội, rồi chứng kiến họ chế biến thành "đặc sản" thú rừng, chuột đồng bán cho khách

Tôi hỏi một đầu bếp quản lý cả chuỗi nhà hàng của người Việt ở Đức: liệu có mua rau hay thịt rẻ hơn, qua loa hơn để giảm giá thành xuống không?

- Không!

Hàng có tiêu chuẩn cả rồi, anh muốn mua rau hay thịt “bẩn” cũng không có mà mua. Họ kiểm tra nhà hàng, họ dùng tay miết chít chít, kìn kịn vào cái bếp ga, vào sàn chế biến thức ăn, dơ bẩn là bị phạt. Nguồn cung ứng nguyên liệu không rõ ràng là bị phạt (chứ chưa nói ôi thiu hay nhiễm độc). Thậm chí bị cấm kinh doanh.

Anh nuôi con gà, con vịt, anh muốn giết mổ phải đúng quy trình ở lò mổ chuyên nghiệp. Chứ không phải dốc cổ nó lên cắt tiết rồi oánh tiết canh, vứt lông ruột ra bãi rác hay thùng rác, nước bẩn xả vào cống của làng của nước đâu. Tốt nhất bán cho họ đi giết mổ. Mình ra siêu thị mua con gà làm sẵn, đáp ứng mọi tiêu chuẩn an toàn mà ăn.

Tôi hỏi anh bạn ở Nhật: táo trong vườn, không phun không tưới, hái mà ăn thì quá an toàn (ở ta ai cũng nghĩ vậy). Mua ngoài chợ biết sạch bẩn thế nào? Tôi phản biện. Bất ngờ anh ta bảo: Táo ngoài siêu thị được kiểm định, được công bố quy trình trồng và thu hái, bảo quản, vận chuyển; anh ăn, có vấn đề gì người ta xử lý cực kỳ nghiêm khắc và dứt điểm.

Món chuột ở bệnh viện, cống rãnh, ao mương quanh Hà Nội được "hô biến" thành đặc sản

Món chuột ở bệnh viện, cống rãnh, ao mương quanh Hà Nội được "hô biến" thành đặc sản

“Táo ở vườn nhà tôi, có thể độc, do chim di cư, do rắn nó ăn, nó liếm, do các chất tích tụ trong không khí và chưa được xử lý sạch”.

Gần đây, tôi có thời gian lưu trú không ngắn ở Singapore, ở châu Âu và vừa rồi (cuối năm 2024) là ở Úc khá dài, lần đầu sau hơn 20 năm, tôi dám ăn đủ loại hoa quả mà không cần ngâm nước muối, rửa sạch, gọt vỏ - như cách ta vẫn làm ở Việt Nam. Tôi ăn rau ráu các loại rau sống, khi ngồi bên nồi lẩu trong tiết lạnh, tôi “dũng cảm” ăn cả các loại thực phẩm đông lạnh đã nghiền và nặn rồi cho cả phẩm màu. Một điều siêu giản dị, ăn rồi không thấy bị ngộ độc. Tôi vui lắm, tâm sự với bạn bè, họ cười mỉa: điều đương nhiên thế cũng làm quý ngài thấy vui, là sao nhỉ?

Người ta được hạnh phúc vì đi mua ở siêu thị rau củ quả về và tự tin ăn, bởi quy trình kiểm định, nhập khẩu, cơ bản là được làm chặt chẽ. Thế mới có chuyện, ở Mỹ, Nhật, châu Âu và các nước phát triển, họ dùng nhiều máy quay giám sát trong nhiều tháng ròng một loại hoa quả trồng ở cách họ nửa vòng trái đất trước khi nhập về. Họ còn dùng quy trình kiểm định sản phẩm nhập khẩu, nghiêm ngặt tới mức: nhiều quốc gia, xuất khẩu được cân cá, vài thứ hoa quả sang xứ Mỹ, Nhật, châu Âu… cảm thấy rất tự hào. Họ có thể tuyên bố về đẳng cấp nông sản, thủy hải sản xứ họ đã được vinh danh!

Có lần, trả lời VTV3, tôi tố cáo việc cứ để mặc thực phẩm tràn lan sống chết mặc bay, trong khi lãnh đạo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cứ lên tivi nói (lần nào cũng nói!): người tiêu dùng phải biết tự thông thái. Sau đó, tôi nghe Phó Thủ tướng đề nghị chấn chỉnh và đừng giở cái “giọng” không làm gì cho ra làm, mà bảo người ta tự thông thái đi nhé.

Chung quy, với vấn đề an toàn thực phẩm – thứ liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng con người, chỉ cần giám sát chặt, quản lý minh bạch, xử phạt nặng cái tội làm suy giảm giống nòi, gieo rắc tai họa không kém gì tội ác chống lại loài người kia… Thế là xong. Các nước họ làm được, tại sao chúng ta còn chần chừ?! Hãy cấm các hành vi sai ở lĩnh vực này như ta đã “cấm pháo”, xử phạt “vi phạm nồng độ cồn”, như tuyên án tử với các trùm ma túy, là xong.

Nhân loại tiến bộ đã làm như thế từ lâu, bằng chứng là họ đã hùng cường.

ĐỖ DOÃN HOÀNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/thuc-pham-sach-mot-van-de-tien-quyet-cho-su-hung-cuong-401441.html