Thực phẩm Sao Ta (FMC): Chủ động đối phó các rủi ro, dự kiến chia cổ tức 2024 - 2025 ở mức 20%

Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) đặt mục tiêu năm nay sẽ tiêu thụ 22.000 tấn tôm và cho biết đã có chiến lược chủ động ứng phó rủi ro từ các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp tại thị trường Mỹ.

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) dự kiến sẽ trình cổ đông xem xét kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu đạt 25.000 tấn tôm chế biến, 22.000 tấn tôm tiêu thụ, 1.300 tấn nông sản tiêu thụ.

Theo đó, công ty kỳ vọng doanh thu hợp nhất đạt 255 triệu USD, tăng khoảng 2% so với mức thực hiện của năm 2024. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến sẽ đi ngang, đạt 420 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta đánh giá việc gia tăng xung đột thương mại sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn, mở ra cơ hội cho công ty thâm nhập các thị trường. Bên cạnh đó, công ty đang có lợi thế về việc sở hữu vùng nuôi đạt chứng nhận quốc tế ASC với diện tích lớn, giúp đáp ứng nguồn cung cho các đối tác lớn. Trong năm nay, công ty sẽ tập trung chuyên môn hóa sản phẩm ở từng nhà máy nhằm giảm chi phí và tăng năng suất.

Thực phẩm Sao Ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm tôm chế biến sang thị trường Nhật Bản và EU.

Thực phẩm Sao Ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm tôm chế biến sang thị trường Nhật Bản và EU.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cũng đề cập đến một số thách thức lớn, gồm rủi ro bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và sự cạnh tranh gay gắt từ tôm Ecuador, Ấn Độ.

Trong đó, tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ đang phải đối mặt với 2 vụ kiện chống bán phá giá và vụ kiện chống trợ cấp. Về vấn đề này, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết công ty đã kế hoạch chủ động đối phó với việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ để trở thành bị đơn bắt buộc, tránh bị lệ thuộc vào mức thuế bình quân từ mức thuế của các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc khác. Hiện Thực phẩm Sao Ta thuộc top 5 nhà xuất khẩu tôm lớn nhất của cả nước.

Với sự chuẩn bị tài liệu chu đáo, Thực phẩm Sao Ta kỳ vọng có lợi thế hơn trong việc chứng minh tôm Việt Nam không bán phá giá với Bộ Thương mại Mỹ, từ đó có thể nhận được mức thuế thấp nhất như đã từng xảy ra. Điều này không chỉ giúp công ty chủ động, tự tin bán hàng vào Mỹ mà còn giúp cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ có mức thuế thấp nhất. Qua đó giữ vững thị trường lớn này, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta nhấn mạnh.

Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, Khang An Foods - công ty con của Thực phẩm Sao Ta, đã nhận đơn hàng rất lớn từ Costco (Mỹ) - chuỗi bán lẻ lớn thứ 3 thế giới. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp Thực phẩm Sao Ta đạt lợi thế trong các vụ kiện được Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng, cũng như thúc đẩy kết quả kinh doanh thời gian tới.

Kết thúc 2 tháng đầu năm nay, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số đạt 46,9 triệu USD, tương ứng hoàn thành hơn 18% kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, Thực phẩm Sao Ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm tôm chế biến sang thị trường Nhật Bản và EU nhằm tận dụng các hiệp định thương mại tự do sẵn có của Việt Nam, cũng như giảm thiểu rủi ro từ việc tập trung vào một thị trường.

Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cũng cho biết nhu cầu thị trường toàn cầu đang có xu hướng phục hồi và giá tôm nhập khẩu đã tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2024. Về tình hình nuôi tôm, công ty đã hoàn tất thu hoạch tôm ở khu nuôi mới, đang thu hoạch tôm ở khu nuôi cũ. Tôm thu hoạch kịp bổ sung cho các nhà máy chế biến của công ty, tạo sự yên tâm trong việc lên kế hoạch tăng tốc chế biến và tăng tính hiệu quả hơn.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Thực phẩm Sao Ta dự kiến sẽ trình cổ đông xem xét phương án trả cổ tức năm 2024 và 2025 với cùng tỷ lệ 20%.

Lan Anh

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/thuc-pham-sao-ta--fmc-chu-dong-doi-pho-cac-rui-ro--du-kien-chia-co-tuc-2024-2025-o-muc-20-138849.htm