Thực phẩm trên thế giới ngày càng đắt đỏ và nghèo dinh dưỡng

Trên toàn thế giới, giá thực phẩm được điều chỉnh theo lạm phát, đã tăng khoảng 50% kể từ năm 1999. Chỉ riêng tại Mỹ, giá thực phẩm đã tăng gần 21% kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.

Nếu một người của nửa thế kỷ trước xuyên không tới siêu thị Mỹ hiện nay, họ sẽ nhìn khu bày thực phẩm hiện đại trông giống như một phép màu về cả màu sắc và hương vị. Ngay cả những thực phẩm được coi là khan hiếm, là đồ xa xỉ ở vài thế hệ trước thì giờ đây có vẻ giống như những mặt hàng dồi dào, có sẵn theo yêu cầu của khách hàng: bơ, xoài, quả việt quất trái mùa nhập khẩu từ Uruguay.

Nạn đói đang đe dọa thế giới

Nhưng siêu thị cũng ngày càng trở thành một hình ảnh thu nhỏ về sự mong manh của một hệ thống — bị gián đoạn trong những năm gần đây bởi các nguy cơ: đại dịch, xung đột và ngày càng gia tăng là biến đổi khí hậu. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Gần như chắc chắn, sẽ có nhiều nguy cơ hơn, đặc biệt là đứt gãy nguồn cung, đủ để ảnh hưởng đến toàn bộ tương lai của nền thực phẩm.

Thế giới nói chung đang phải đối mặt với điều mà nhà kinh tế học nông nghiệp Chris Barrett gọi là "khủng hoảng lương thực". Ông Barrett cho biết trong thập niên qua, sau khi nạn đói được cải thiện đã lại rơi đình trệ rồi đảo ngược. Tỷ lệ suy dinh dưỡng đã tăng 21% kể từ năm 2017.

Năng suất nông nghiệp vẫn đang tăng, nhưng không nhanh như trước đây và không nhanh bằng nhu cầu đang bùng nổ. Béo phì tiếp tục gia tăng và hàm lượng vi chất dinh dưỡng trung bình của hàng chục loại rau phổ biến tiếp tục giảm. Hệ thống thực phẩm đang góp phần làm gia tăng gánh nặng của bệnh tiểu đường và bệnh tim, cũng như làm trung gian các đợt lây lan mới của các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.

Và sau đó là giá cả. Trên toàn thế giới, giá thực phẩm được điều chỉnh theo lạm phát, đã tăng khoảng 50% kể từ năm 1999. Chỉ riêng tại Mỹ, giá thực phẩm đã tăng gần 21% kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, một hiện tượng nổi bật chỉ ra rằng chi phí sinh hoạt đã tăng vọt dưới thời ông.

Từ năm 2020 đến năm 2023, giá bán buôn dầu ô liu đã tăng gấp ba lần; giá ca cao giao đến các cảng của Mỹ thậm chí còn tăng cao hơn nữa trong vòng chưa đầy hai năm. Nhà kinh tế học Isabella Weber thậm chí đã đề xuất tích trữ lượng lương thực tương đương với dự trữ dầu mỏ chiến lược, để chống lại tình trạng thiếu hụt và giảm bớt sự bùng nổ không thể tránh khỏi của tình trạng hỗn loạn thị trường.

Nạn đói đang đe dọa người dân châu Phi

Nạn đói đang đe dọa người dân châu Phi

Giá cả tăng đột biến giống như máy đo địa chấn đối với hệ thống lương thực, ghi lại những diễn biến lớn hơn nhiều ở những nơi khác và đôi khi cũng cho thấy những thay đổi lớn hơn đang diễn ra. Hơn ba phần tư dân số châu Phi, nơi đã vượt quá một tỉ người, hiện không còn đủ khả năng trang trải chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Châu Phi được dự kiến sẽ là nơi thúc đẩy gia tăng dân số toàn cầu trong thế kỷ này nhưng năng suất nông nghiệp ở đó đã tăng rất ít trong 20 năm qua. Trong cùng thời gian đó, Mỹ cũng không tăng trưởng nhiều.

Nguy cơ cao từ biến đổi khí hậu

Mặc dù toàn bộ nền nông nghiệp Mỹ tạo ra lợi nhuận khổng lồ, ông Barrett cho biết, hầu hết các trang trại tại đây lại thực sự thua lỗ và trên toàn thế giới, tình trạng khan hiếm lương thực đang thúc đẩy mức kỷ lục về tình trạng di cư.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới, 282 triệu người ở 59 quốc gia đã bị đói vào năm 2023, tăng hơn 24 triệu người so với năm 2022. Và dựa trên nghiên cứu của đồng nghiệp Ariel Ortiz-Bobea tại Viện Cornell, ông Barrett cho biết tác động của biến đổi khí hậu đã làm giảm tốc độ tăng trưởng năng suất nông nghiệp toàn cầu từ 30 đến 35%. Các mối đe dọa về khí hậu sắp tới thậm chí còn lớn hơn.

Trong thời đại của trí tưởng tượng về ngày tận thế, người ta thường dễ hình dung ra những kịch bản khí hậu tương lai tồi tệ nhất: không chỉ là năng suất nông nghiệp giảm mà còn là mất mùa hàng loạt, không chỉ là giá cả tăng đột biến mà còn là thiếu hụt lương thực, không chỉ là tình trạng đứt bữa ngày càng trầm trọng mà còn là nạn đói hàng loạt trên diện rộng.

Trong một thế giới có nhiệt độ nóng hơn nhiều, những điều đó thực sự có khả năng xảy ra cao hơn, đặc biệt là nếu đổi mới nông nghiệp không theo kịp với biến đổi khí hậu. Công ty bảo hiểm Lloyd's gần đây đã ước tính trong khoảng thời gian 30 năm tới, có 50% khả năng xảy ra kịch bản mà thế giới chịu cú sốc lương thực toàn cầu "lớn".

Nhưng sự gián đoạn chỉ là một nửa câu chuyện. Sự thích nghi và đổi mới cũng sẽ biến đổi nguồn cung cấp lương thực toàn cầu. Ít nhất ở một mức độ nào đó, các loại cây trồng như bơ hoặc ca cao, hiện thường xuyên xuất hiện trong danh sách các loại thực phẩm có nguy cơ bị đe dọa bởi khí hậu, sẽ được thay thế hoặc quy hoạch lại.

Chế độ ăn sẽ thay đổi và cùng với đó là đất nông nghiệp hiện đang sản xuất các loại cây lương thực chính như ngô, lúa mì, đậu nành, gạo... cũng thay đổi theo. Áp lực lên hệ thống lương thực hiện tại cho thấy nó phải thay đổi trước khi đi vào ngõ cụt. Ngay cả khi tiến trình đó thực sự diễn ra, một tương lai ổn định và dồi dào lương thực trên một hành tinh ấm hơn được đảm bảo, thì mọi thứ thực sự sẽ như thế nào?

Nông nghiệp thế giới chuyển mình không dễ vì quy mô quá lớn

Trong vài năm qua, khi thế giới bắt đầu cuộc chạy nước rút chậm chạp hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo, chúng ta đã có được một bức tranh khá rõ ràng về xu thế quá trình chuyển đổi năng lượng — năng lượng sạch, chủ yếu từ gió và mặt trời, sẽ rất rẻ và dồi dào đến mức các nguồn cũ bẩn không thể cạnh tranh được.

Thật khó để hình dung ra điều tương đương cho hệ thống thực phẩm: một quá trình chuyển đổi thực phẩm hợp lý, cung cấp dinh dưỡng tốt hơn một cách cân bằng hơn và giá cả phải chăng hơn cho nhiều người hơn, tất cả đều không tàn phá hệ sinh thái hoặc gây ô nhiễm môi trường địa phương hoặc đẩy hành tinh vào tình trạng hỗn loạn khí hậu hơn nữa.

Một phần là vấn đề về quy mô tuyệt đối. Hơn một nửa diện tích đất của nước Mỹ được sử dụng (cả gián tiếp) cho sản xuất nông nghiệp.

Bên ngoài nước Mỹ cũng tương tự: Hơn một phần ba diện tích đất của hành tinh được sử dụng để sản xuất thực phẩm và 70 % tổng lượng nước ngọt chúng ta tiêu thụ được sử dụng để tưới tiêu cho đất nông nghiệp. Khi đi dọc lối đi trong siêu thị, bạn có thể nghĩ rằng bất cứ thứ gì bạn mua cho bữa trưa hoặc bữa tối đều được sản xuất ở đâu đó ngoài kia chứ không hình dung quy mô nó ra sao. Nếu tính trên toàn cầu, diện tích tương đương với Nam Mỹ hiện được sử dụng để trồng trọt và diện tích tương đương với châu Phi được sử dụng để chăn thả gia súc. Kết hợp lại, bề mặt diện tích cho nuôi trồng lớn hơn diện tích rừng bao phủ và lớn hơn 10 lần so với diện tích đất tất cả các khu định cư của con người.

Và theo Viện Tài nguyên Thế giới, chúng ta có thể cần thêm gần hai Ấn Độ vào diện tích đất nông nghiệp hiện có của thế giới để đáp ứng nhu cầu lương thực trong nửa sau của thế kỷ này. Thế nhưng, việc thêm đất nông nghiệp có nghĩa là phải chặt phá rừng, vốn là bể chứa carbon tự nhiên trong khi chăn thả nhiều động vật hơn sẽ phát thải lượng khí carbon khổng lồ.

Anh Tú (theo NYT)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thuc-pham-tren-the-gioi-ngay-cang-dat-do-va-ngheo-dinh-duong-222088.html