Thực tâm phụng sự doanh nghiệp, đưa nền kinh tế vượt khó

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, một doanh nghiệp khi đã ra thị trường thì không còn là của một cá nhân cụ thể nữa, mà là của xã hội, là tài sản quốc gia. Trách nhiệm của chính quyền, của cán bộ, công chức là phụng sự doanh nghiệp.

Thời điểm khó khăn như hiện nay, tiếng nói của báo chí càng quan trọng để tạo nên sức mạnh lan tỏa, phụng sự người dân và doanh nghiệp tốt hơn

Thời điểm khó khăn như hiện nay, tiếng nói của báo chí càng quan trọng để tạo nên sức mạnh lan tỏa, phụng sự người dân và doanh nghiệp tốt hơn

Phụng sự là quan hệ hai chiều

Quốc hội khóa XV đang ở tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ năm - một kỳ họp mà những khó khăn của doanh nghiệp được nhấn mạnh từ phiên khai mạc cho đến nhiều phiên thảo luận, chất vấn sau đó. Có điều “lạ” gì ở đây không, thưa ông?

Việt Nam có cái lạ là nhiều người tâm rất tốt, tình cảm dạt dào, nhưng trong ứng xử thì cứ hay “nước đến đến chân mới nhảy”. Thứ nữa là khi có việc gì đó xảy ra ngoài mong muốn thì rối, lúc đó mới nhìn lại xem mình đã làm đúng chưa, ứng xử phải đạo chưa.

Cái lạ này cũng “lan” sang quản lý, điều hành nền kinh tế. Nếu cơ quan quản lý nhà nước làm đúng, làm hết trách nhiệm, đúng chức trách công vụ, thì nhiều doanh nghiệp không cần phải kêu một cách thảm thiết như sắp chết đến nơi (mà có nhiều doanh nghiệp đã “chết” thật) và không đến nỗi nhiều đại biểu phải nói căng như vậy về khó khăn của doanh nghiệp và những yếu kém trong thực thi công vụ.

Thực ra, những khó khăn ở thời điểm này không ai muốn cả, nhưng tích tụ từ bên trong và tác động từ bên ngoài như một cơn sóng thần ập đến với doanh nghiệp. Sau Covid-19, lại đến những khó khăn hiện nay, đó là thiếu hụt về đơn hàng, tắc nghẽn dòng vốn; thể chế không đẩy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có đến 11 cụm từ “cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng”. Đặc biệt, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra nhận định rằng, “nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn”.

Vì thế, đại biểu cảm thấy rất sốt ruột về những giải pháp cứu nền kinh tế. Nếu không nói căng ở thời điểm này, thì chả còn thời điểm nào khác, vì khi đó chúng ta sẽ không còn cơ hội để nói nữa, đến lúc nền kinh tế khó khăn hơn, kinh tế vĩ mô đã bất ổn, có nói cũng không còn nhiều cơ hội để “cứu” nữa.

Chính vì vậy, khi tham gia thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, ông cho rằng, chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ “phụng sự doanh nghiệp”, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó?

Chữ “phụng sự” ở đây là quan hệ hai chiều. Doanh nghiệp khi đã ra thị trường thì không còn là của một cá nhân cụ thể nữa, mà là của xã hội, là tài sản quốc gia. Trách nhiệm của chính quyền, của cán bộ công chức là phải lo cho tài sản đó được giữ gìn và phát huy.

Doanh nghiệp không cần Nhà nước phải cho tiền, mà cần thể chế, nền tảng pháp lý, cần sự yên tâm. Tâm trạng băn khoăn và lo lắng cần được giải tỏa. Khi doanh nghiệp và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng, thì chứng tỏ chính sách có vấn đề, nên nhìn nhận phải hết sức trực diện để có giải pháp phù hợp.

Phụng sự là tận tâm và tận lực, vì khi xác định phụng sự không chỉ là làm theo quy định của pháp luật, mà từ tấm lòng, thì sẽ dẫn đến chất lượng công việc cao nhất. Có tinh thần phụng sự mới thấu hiểu, mới cảm thông được với doanh nghiệp, từ đó mới đưa ra được quyết sách phù hợp. Hiện nay, có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức làm cho có, đối phó là tôi làm hết trách nhiệm đây, nhưng không xuất phát hoàn toàn từ cái tâm, nên cứ nửa vời, đó là điều dở.

Nếu không thay đổi văn hóa ứng xử, cứ để doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy, bôi trơn, chi phí không chính thức là cách nói hoa mỹ thôi, chứ gọi đúng là nhũng nhiễu, phiền hà…, thì sẽ không giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, trách nhiệm, cái tầm của người quản lý càng cần được thể hiện, vì khi khó, người ta mới cần. Như thế, trong thời điểm này, hai từ phụng sự trở nên ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên, để được phụng sự, doanh nghiệp phải là “doanh nghiệp sạch”, doanh nghiệp càng lớn, thì trách nhiệm với xã hội và nền kinh tế càng phải cao. Còn với doanh nghiệp cố tình vi phạm, thì phải xử nghiêm.

Như vậy, phụng sự ở đây là hai chiều. Được hoạt động trong môi trường ổn định về thể chế, được Nhà nước tạo điều kiện, thì doanh nghiệp cũng phải làm giàu trên quê hương mình, có tinh thần phụng sự đất nước. Như thế, mới tạo sự cân bằng, cân đối trong phát triển.

Tấn công vào bảo thủ, trì trệ

Vậy theo ông, những việc cần làm ngay để thể hiện tinh thần phụng sự doanh nghiệp là gì?

Những việc gì cần làm để doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ, ngành, đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp đã “gần đất xa trời”.

Đối với những dự án pháp lý đầy đủ, làm đúng quy trình, thì các địa phương cần ký đồng ý để triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi mà cả năm không ra đời được dự án nào. Thời gian qua, có nhiều dự án mà bản thân tôi biết rất rõ là chả có gì vướng, nhưng liên quan đến đất công, thì chủ tịch đang tại vị không dám ký, nhưng chủ tịch khác về ký ngay. Đó là một nỗi sợ vô hình.

Trong bối cảnh khó khăn, cần bớt các nội dung kiểm tra, thanh tra làm khó doanh nghiệp để tránh tình trạng doanh nghiệp phải lao đao giải trình lên xuống. Với tinh thần đó, các biện pháp gỡ khó cho doanh nghiệp cần thúc đẩy thị trường cả trong và ngoài nước, phải đồng bộ, thống nhất các chính sách tiền tệ và tài khóa, chủ trương xử lý là “nghẽn ở đâu thông ở đó, vướng ở đâu gỡ ở đó”.

Tinh thần phụng sự còn ở chỗ xử lý dứt điểm các vướng mắc về thể chế để không gây ảnh hưởng dây chuyền sang các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Trong quản lý, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành, làm rõ vai trò chủ trì, chủ động xử lý và hạn chế việc đẩy trách nhiệm lên cho cấp trên, người đứng đầu, không phải nội dung gì cũng phải để Thủ tướng ra công điện đôn đốc hoặc Chính phủ phải ra Nghị quyết gỡ khó. Có những lúc cơ quan nhà nước phải tự nhận phần khó về mình để vất vả một chút, nhưng xử lý được ngay vấn đề cho người dân và doanh nghiệp.

Và như thế có nghĩa là phải tấn công, phải đương đầu với sự bảo thủ, trì trệ, nên cuối cùng vẫn là vấn đề con người.

Ở kỳ họp này, các đại biểu nói đi nói lại, tranh luận đi tranh luận lại về bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, đấu tranh với bộ phận sợ sai, né trách nhiệm trong thực thi công vụ. Nhưng theo tôi, không cần phân tích nguyên nhân nữa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nói rất rõ về nguyên nhân rồi. Vấn đề là giải pháp, cần phải dùng “bàn tay sắt”, bên cạnh kỷ luật, cũng phải khen thưởng xứng đáng cho người làm tốt. Cứ thử nghiệm đuổi vài ông không chịu làm việc là tình hình sẽ khác ngay.

Nhưng vừa rồi, không cần phải đuổi, cũng có nhiều người tự xin đi khỏi cơ quan nhà nước, vì lương thì thấp mà nguy cơ rủi ro về mặt pháp lý không phải là không có, thưa đại biểu?

Đồng ý là thể chế phải rõ và chế độ đãi ngộ cần phải được cải thiện, nhưng vừa rồi có hiện tượng không làm vì những nỗi sợ rất vô hình, như tôi đã nói ở trên. Tất nhiên, quy định pháp luật có những cái chưa tường minh, cũng không thể đòi hỏi mọi thứ đều phải tường minh được, nhưng sức ì hệ thống của ta lâu quá, nên cần áp dụng “bàn tay sắt”.

Giải pháp căn cơ là cần áp dụng cách thức quản trị như của doanh nghiệp, đó là khoán sản phẩm, giao định mức, chỉ tiêu, doanh số để các cấp, cán bộ, công chức phải triển khai thực hiện, tránh đùn đẩy. Cùng với đó, cần triệt để áp dụng cơ chế khoán chi, ai làm nhiều hưởng nhiều, xây dựng cơ chế thưởng cho người làm việc hiệu quả.

Nói về hai chữ “phụng sự”, báo chí cũng có sứ mệnh phụng sự đất nước, nhân dân. Là độc giả thường xuyên của Báo Đầu tư, ông có góp ý gì để Báo làm tốt hơn sứ mệnh này?

Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, tiếng nói của báo chí càng quan trọng để tạo nên sức mạnh lan tỏa, phụng sự người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Thời gian qua, Báo Đầu tư đã rất thẳng thắn khi phản ánh về những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, về hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều bài viết có hàm lượng phản biện chính sách cao, được đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là mặt mạnh cần phát huy.

Cá nhân tôi cho rằng, Báo Đầu tư cần có nhiều hơn những con số biết nói trong một bức tranh nhiều màu sắc. Đại biểu Quốc hội không cần Báo Đầu tư nêu nhiều con số đẹp, không cần nhiều nụ cười, có thể có màu xám, có các con số “tối”, nhưng đó là thông tin trung thực, sẽ giúp cho đại biểu có được đánh giá khách quan, toàn diện, làm điểm tựa để đưa ra những quyết sách đúng đắn.

Khi doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, trách nhiệm, cái tầm của người quản lý càng cần được thể hiện, vì khi khó, người ta mới cần. Như thế, trong thời điểm này, hai từ phụng sự trở nên ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên, để được phụng sự, doanh nghiệp phải là “doanh nghiệp sạch”, doanh nghiệp càng lớn, thì trách nhiệm với xã hội và nền kinh tế càng phải cao. Còn với doanh nghiệp cố tình vi phạm, thì phải xử nghiêm.

Nguyên An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuc-tam-phung-su-doanh-nghiep-dua-nen-kinh-te-vuot-kho-d192269.html