Thực tế phũ phàng đối với châu Âu trong hành trình 'cai nghiện' khí đốt Nga

Việc loại bỏ phân tử năng lượng cuối cùng của Nga khỏi EU không phải là không thể, nhưng để điều này xảy ra, châu Âu sẽ phải vượt qua những thách thức nghiêm trọng.

Châu Âu hiện đã an toàn trải qua 2 mùa đông với lượng dự trữ khí đốt dồi dào mặc dù đã cắt giảm đáng kể lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga. Các kho dự trữ khí đốt trên "lục địa già" vẫn còn gần 60% khí đốt vào tháng 4 năm nay khi mùa sưởi ấm chấm dứt – một mức cao kỷ lục so với các mùa đông trước.

Thoạt nhìn, thành tích trên có vẻ ấn tượng. Tuy nhiên, điều đó cũng phơi bày thực tế phũ phàng là châu Âu nói chung đã đạt được rất ít tiến triển trong việc giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga trong hơn 2 năm qua, bất chấp việc một số quốc gia EU kêu gọi "đoạn tuyệt" với các mặt hàng năng lượng của gã khổng lồ Á-Âu.

Thực tế trên được các nhà phân tích về năng lượng tại Standard Chartered thừa nhận. Theo họ, không những châu Âu không đạt được tiến triển nào trong việc giảm nhập khẩu kể từ khi dòng chảy qua hệ thống đường ống Nord Stream bị gián đoạn; ngược lại, lượng khí đốt Nga chảy về phía Tây đã tăng 50% kể từ quý I/2023.

Những hoạt động quân sự gần đây của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga đã làm dấy lên mối lo ngại của thị trường về dòng chảy qua Ukraine. Nhưng các chuyên gia tại Standard Chartered cho rằng lo lắng này là hơi "thái quá".

Dòng khí đốt vẫn chảy về phía Tây

Trong khi hầu hết các nước châu Âu đã tìm kiếm giải pháp thay thế cho khí đốt đường ống từ Nga kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, vẫn có một số quốc gia ngoại lệ, ví dụ Áo, Slovakia và Moldova vẫn tiếp tục nhận nguồn cung từ gã khổng lồ năng lượng quốc doanh Gazprom qua Ukraine.

Gazprom tiếp tục gửi khí đốt đến điểm Sudzha, với lưu lượng hàng ngày ổn định trong phạm vi 37-42 triệu m3. Trong vài ngày đầu kể từ khi Ukraine lần đầu tiên tiến vào vùng Kursk của Nga hôm 6/8, lưu lượng hàng ngày đã giảm nhẹ, nhưng là sự phản ánh nhu cầu thấp hơn từ khách hàng châu Âu.

Trước xung đột, cụ thể vào năm 2019, Kiev và Moscow đã ký một thỏa thuận có thời hạn 5 năm, theo đó Nga vận chuyển một lượng khí đốt nhất định qua hệ thống đường ống của Ukraine – được xây dựng từ thời Liên Xô – đến châu Âu.

Nhưng Kiev đã ra tín hiệu rằng họ sẽ không gia hạn thỏa thuận khi nó hết hạn vào ngày 31/12 năm nay, trong khi Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson đã chỉ ra rằng Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành EU "không quan tâm" đến việc thúc đẩy khôi phục thỏa thuận.

Khí đốt Nga quá cảnh qua Ukraine chiếm 5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Bà Aura Sabadus, một nhà phân tích cấp cao tại công ty tình báo thị trường ICIS, nói với Politico rằng Áo, Hungary và Slovakia có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi lượng nhập khẩu này bị cắt giảm.

Bà Armida van Rijd, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia ở London, nhận định, những nỗ lực của châu Âu nhằm giảm việc sử dụng khí đốt Nga cho đến nay là "ấn tượng" nhưng "thực tế là châu Âu rất khó đa dạng hóa hoàn toàn nguồn cung năng lượng của mình khi nhiều nước vẫn đang phải vật lộn với lạm phát cao và cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí".

Chuyên gia cho biết châu Âu rất khó đa dạng hóa hoàn toàn nguồn cung năng lượng khi nhiều nước vẫn đang phải vật lộn với lạm phát cao và cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí. Ảnh: Free Network

Chuyên gia cho biết châu Âu rất khó đa dạng hóa hoàn toàn nguồn cung năng lượng khi nhiều nước vẫn đang phải vật lộn với lạm phát cao và cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí. Ảnh: Free Network

Standard Chartered cho biết, dòng khí đốt Nga qua Ukraine không phải là không thể thay thế. Theo các nhà phân tích của cơ quan tư vấn này, việc loại bỏ phân tử năng lượng cuối cùng của Nga khỏi EU chủ yếu là vấn đề về ý chí chính trị.

Quan điểm của Standard Chartered nhận được sự đồng tình từ Bruegel, một tổ chức nghiên cứu kinh tế có trụ sở tại Bỉ, nhưng có một số cảnh báo quan trọng. Bruegel đã xem xét sâu sắc về cách EU sẽ hoạt động nếu dòng chảy khí đốt Nga đến châu Âu bị gián đoạn.

Theo Bruegel, EU không chỉ có thể vượt qua mùa đông tới mà không cần khí đốt Nga, mà còn có thể làm như vậy mà không phải trải qua thảm họa kinh tế. Tuy nhiên, để điều này xảy ra, châu Âu sẽ phải vượt qua những thách thức nghiêm trọng về mặt kỹ thuật và quy định, đồng thời cắt giảm nhu cầu khí đốt hàng năm của mình xuống 10-15% vì không có lượng nhập khẩu nào từ nước ngoài đủ để lấp đầy các kho dự trữ trước mùa đông tới.

"Đòn giáng" đầu tiên vào khí đốt Nga

Trong hơn 2 năm qua, châu Âu đã nhanh chóng "xa lánh" các mặt hàng năng lượng của Moscow để phản ứng với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

EU lần đầu tiên áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu thô bằng đường biển từ Nga vào tháng 12/2022, sau đó là lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm từ dầu (bao gồm xăng và dầu diesel) vào tháng 2/2023.

Trong khi đó, lượng khí đốt tự nhiên mà khối này nhập khẩu từ Nga đã giảm từ khoảng 450 triệu m3/ngày vào cuối năm 2021 xuống còn khoảng 150 triệu m3/ngày hiện tại.

Lượng khí đốt còn lại được chia đều giữa LNG vận chuyển bằng tàu biển, dòng chảy bằng đường ống quá cảnh Ukraine và các tuyến đường ống khác (chủ yếu là dòng chảy qua Thổ Nhĩ Kỳ vào Bulgaria cũng như một dòng chảy nhỏ qua Belarus vào Litva).

Nhưng phải đến tháng 6 năm nay, EU mới chính thức phê duyệt lệnh trừng phạt đầu tiên đối với khí đốt Nga.

Theo Bỉ – quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU vào thời điểm đó, EU sẽ áp dụng lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ đối với ngành khí đốt béo bở của Nga – một động thái có khả năng ngăn hàng trăm triệu USD chảy vào "hòm chiến tranh" của Moscow.

Tuy nhiên, trên thực tế, "đòn giáng" đầu tiên này vẫn sẽ không ảnh hưởng đến phần lớn lượng LNG xuất khẩu của Nga sang EU, thay vào đó nó chỉ ngăn các nước sử dụng cảng, tài chính và dịch vụ của EU để tái xuất LNG của Nga sang các nước thứ 3 và cấm các thực thể ở EU tham gia vào các dự án LNG sắp tới của Moscow.

Điều này về cơ bản có nghĩa là Nga sẽ phải đại tu mô hình xuất khẩu LNG của mình. Hiện tại, Nga cung cấp LNG cho châu Á thông qua châu Âu, với Bỉ, Tây Ban Nha và Pháp là những trung tâm tái xuất khẩu chính.

"Nếu họ không thể trung chuyển LNG qua châu Âu, họ có thể phải đưa các tàu chở LNG có khả năng phá băng của mình đi những hành trình dài hơn", bà Laura Page, một chuyên gia về khí đốt tại công ty phân tích dữ liệu Kpler, nói với Politico hồi đầu năm nay, đồng thời cho biết thêm rằng điều này khiến Nga "không thể xuất nhiều hàng từ dự án Yamal vì tàu của họ không thể quay trở lại bốc hàng nhanh chóng".

Na Uy và Mỹ đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu: Năm ngoái, Na Uy đã cung cấp 87,8 tỷ m3 khí đốt cho lục địa này, chiếm 30,3% tổng lượng nhập khẩu, trong khi Mỹ cung cấp 56,2 tỷ m3, chiếm 19,4% tổng lượng.

Minh Đức (Theo Oil Price, Bloomberg, Yahoo!News)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thuc-te-phu-phang-doi-voi-chau-au-trong-hanh-trinh-cai-nghien-khi-dot-nga-204240819144938655.htm