Thực thi hiệu quả các FTA: thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế
Thông qua việc đàm phán, ký kết và thực thi hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế sâu rộng, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu, cũng như nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Chủ động hợp tác kinh tế quốc tế
Trong năm 2024, công tác đàm phán, ký kết các FTA mới là điểm sáng trong bức tranh hội nhập kinh tế quốc tế của ngành Công Thương và của cả nước nói chung.
Nổi bật nhất là ngày 28/10/2024, sau hơn 1 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã được ký kết. Hiệp định đã lập dấu mốc mới, thể hiện sự chủ động, đi đầu của Bộ Công Thương trong kết nối hợp tác kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA); Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tham dự đàm phán nâng cấp và đàm phán mới các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ ASEAN.
Không những vậy, trong năm qua, Bộ Công Thương cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các FTA, tiếp nhận các câu hỏi từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân liên quan đến các FTA trên và trực tiếp trả lời hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan trả lời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Để tăng hiệu quả thực thi các FTA, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã nhiều lần tổ chức tham vấn các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và báo cáo Chính phủ về một số khuyến nghị chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các FTA, từ đó nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp, ngành hàng và sản phẩm trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Với việc tham gia nhiều các FTA, thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ngày càng được mở rộng theo hướng đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ kinh tế. Hiện, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, châu Á vẫn là khu vực thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam với tỷ trọng kim ngạch chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Cùng với Mỹ, 3 nước (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) là các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm. Năm 2024, xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới với gần 800 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt hơn 400 tỷ USD. Xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD.
Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) Trịnh Minh Anh cho biết, Việt Nam hiện đã ký kết 17 FTA và đang đàm phán 2 FTA. Qua đó, Việt Nam có trên 60 đối tác FTA, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu, nâng tầm vị thế của Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới quan hệ đối tác của các quốc gia trên thế giới.
Tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA mới
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Công Thương cũng đánh giá một số khó khăn nhất định. Đó là, hoạt động xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, chủ yếu là với các quốc gia Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, Mỹ, ASEAN, EU...
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn vẫn phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Không những vậy, mức độ tự do hóa thương mại và ký kết các FTA có xu hướng tăng nhưng còn hạn chế trong phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới, chưa đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu. Nhiều ngành hàng chủ lực như nông, thủy sản, dệt may, da giầy, điện tử vẫn chiếm tỷ trong lớn, chưa phát triển các sản phẩm công nghệ cao.
Đưa ra giải pháp thúc đẩy hội nhập kinh tế và hoạt động xuất khẩu hàng hóa bền vững trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: năm 2025, Bộ sẽ tập trung khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng.
Trong đó, chú trọng tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.
Song song đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để thực hiện đồng bộ giữa công tác hội nhập kinh tế ngoài nước và hội nhập kinh tế trong nước. Đặc biệt chú trọng gắn việc thực thi đầy đủ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình rà soát, bổ sung và hoàn thiện pháp luật và thể chế trong nước, hài hòa hóa pháp luật của Việt Nam với các cam kết quốc tế để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Mặt khác, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát huy tính chủ động của Việt Nam trong đề xuất, thực thi các sáng kiến nhằm hiện thực hóa các mục tiêu hợp tác đã được các nhà lãnh đạo thống nhất trong các khuôn khổ hợp tác, các tổ chức đa phương và khu vực như WTO, ASEAN, APEC...
Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo nghĩa vụ và quyền lợi thành viên của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác, tạo các cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các cơ hội phát triển kinh doanh, thương mại, đầu tư.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thuc-thi-hieu-qua-cac-fta-thuc-day-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te.html