Thực thi hiệu quả EVFTA

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tận dụng tối đa các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu - EU (EVFTA), Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng nhiều biện pháp hỗ trợ DN thực thi hiệu quả hiệp định này.

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tận dụng tối đa các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu - EU (EVFTA), Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng nhiều biện pháp hỗ trợ DN thực thi hiệu quả hiệp định này.

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp

EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 sau gần 10 năm đàm phán. Hai tháng qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã có sự tăng trưởng rõ rệt, trong đó, mặt hàng nông, thủy sản đã có mức tăng trưởng khá.

Ngày 18-9-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/NÐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện EVFTA giai đoạn 2020 - 2022. Ðây được xem là cơ hội để DN nắm bắt chính sách tốt nhất cho việc tăng cường xuất, nhập khẩu hàng hóa với các nước châu Âu.

TP Hồ Chí Minh là thành phố năng động nhất cả nước và đứng thứ ba ở Ðông - Nam Á (theo đánh giá xếp hạng của JLL) với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ qua các năm, hội tụ đầy đủ các yếu tố và tiềm năng phát triển. EU hiện có 909 dự án được cấp phép chứng nhận đầu tư với tổng vốn 3,17 tỷ USD. EU là thị trường xuất siêu truyền thống của TP Hồ Chí Minh, là đối tác xuất khẩu thứ ba và là đối tác nhập khẩu thứ hai của thành phố với kim ngạch song phương đạt 15,44 tỷ USD. Do đó, EVFTA sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn hơn cho hàng hóa từ TP Hồ Chí Minh tiếp cận thị trường hơn 500 triệu dân của EU. Ngược lại, người dân thành phố có thể tiếp cận những sản phẩm cao cấp từ châu Âu với mức giá hợp lý hơn trước.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Công ty Liên Thái Bình Dương (IPP) cho rằng, với EVFTA, cộng đồng DN và người dân cùng thắng, cùng hưởng lợi. Trước đây, cứ nhập 100 triệu USD hàng thời trang xa xỉ về Việt Nam, nếu bán được 50 triệu USD thì phần còn lại, công ty phải tìm cách xuất ngược vì thuế suất cao quá; nếu xuất hàng ra, sẽ được hoàn thuế lại. Hàng thời trang châu Âu vào Việt Nam phải chịu mức thuế ít nhất là 30%, chưa kể 10% VAT. Trong khi những quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực như Xin-ga-po hay Hồng Công (Trung Quốc) và ngay tại Pháp, thuế là 0%. Ðiều này khiến du khách đều sang các nước khác để mua sắm.

"Dự kiến trong ba năm tới, Việt Nam sẽ có ba khu mua sắm phi thuế quan - Factory Outlet. Những khu mua sắm này có ý nghĩa rất quan trọng, hằng năm có thể thu hút cả trăm triệu khách du lịch. Ðây là cơ hội cho người tiêu dùng Việt mua sắm hàng cao cấp của châu Âu ngay tại Việt Nam. Trong khi đó, hàng châu Âu vào Việt Nam nhiều hơn sẽ giúp tăng khả năng cân bằng cán cân xuất, nhập khẩu giữa hai bên", ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết thêm.

Sẻ chia, hỗ trợ doanh nghiệp

Ðể EVFTA thật sự phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho DN tận dụng tối đa các ưu đãi, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng nhiều biện pháp hỗ trợ DN trước và sau khi hiệp định này có hiệu lực. Theo đó, Cục Hải quan thành phố tập trung tuyên truyền, tập huấn, truyền đạt cho cộng đồng DN các nội dung liên quan đến EVFTA. Tổ chức thành công hai hội nghị đối thoại trực tiếp với Cộng đồng DN Anh quốc và Hiệp hội DN châu Âu. Mới đây, tổ chức thành công buổi tọa đàm giữa cơ quan hải quan thành phố với các hiệp hội DN và gần 200 DN xuất, nhập khẩu.

Cục Hải quan thành phố cũng chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, hiện đại hóa hải quan, nâng cao năng lực cán bộ, công chức hải quan theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác nghiệp vụ. Khi EVFTA được thực thi, Cục Hải quan thành phố tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, an toàn, tạo thuận lợi thương mại.

Cục trưởng Hải quan TP Hồ Chí Minh Ðinh Ngọc Thắng cho biết: "Chúng tôi nghiên cứu sâu hơn các nội dung liên quan đến EVFTA để đào tạo nguồn nhân lực cán bộ, công chức tại Cục Hải quan thành phố. Cùng với đó là tổ chức đào tạo, tập huấn cho khoảng 1.500 DN trong nước và 200 DN châu Âu. Tuyên truyền về EVFTA, Cục Hải quan thành phố đã đăng tải 81 bài viết về vấn đề này. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ cùng cộng đồng DN nhằm kịp thời nắm bắt, tiếp thu các ý kiến của DN liên quan đến các chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách
thuế và thủ tục hải quan… Từ đó, kiến nghị, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn, tiếp tục giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DN, góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch và bình đẳng".

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm ghi nhận sự cố gắng, hỗ trợ kịp thời của Cục Hải quan thành phố đối với cộng đồng DN. Ðồng chí Lê Thanh Liêm cũng yêu cầu, trong thời gian tới, Cục Hải quan thành phố tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm, tham vấn, tập huấn chuyên sâu về EVFTA; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tập hợp, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, giúp cộng đồng DN nắm bắt và hiểu rõ hơn các chính sách thuế và lộ trình của Việt Nam khi thực hiện EVFTA nhằm tận dụng các lợi thế, nâng cao chất lượng sản xuất, thương mại, thực thi có hiệu quả EVFTA.

Bài, ảnh: ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/thuc-thi-hieu-qua-evfta-619648/