Thực thi pháp luật về lĩnh vực khí gas 'chưa tới nơi tới chốn'

Tại Hội thảo Góp ý đổi mới nghị định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực khí diễn ra chiều (22/9), nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý lĩnh vực này còn nhiều bất cập, chế tài xử lý vi phạm chưa được triệt để. Chính vì vậy cần sớm đổi mới các quy định sát với tình hình thực tế sẽ tiếp tục góp phần giúp hoạt động kinh doanh khí gas nội địa hiệu quả hơn.

Khó khăn trong xử lý vi phạm

Theo ông Phan Văn Hùng, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và xuất nhập khẩu khí Gas hóa lỏng Vạn Lộc, nhiều năm qua doanh nghiệp là nạn nhân của tình trạng thu gom bình gas hoán cải, cắt tai mài vỏ hoặc đặt tên “na ná” nhằm giả mạo thương hiệu. Hành vi chiếm giữ trái phép vỏ bình gas được tố cáo đến cơ quan chức năng, song việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn và chưa tới nơi tới chốn.

Nhiều ý kiến góp ý cụ thể việc điều chỉnh sửa đổi cần tính thực tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn

Nhiều ý kiến góp ý cụ thể việc điều chỉnh sửa đổi cần tính thực tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn

Mỗi năm, Công ty CP Kinh doanh và xuất nhập khẩu khí Gas hóa lỏng Vạn Lộc đưa ra thị trường hàng trăm bình gas, nhưng một trong những vấn đề khó của ngành gas là chưa có giải pháp kiểm soát được số lượng vỏ bình. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều nhà phân phối gas tại Việt Nam.

Việc kiểm soát đang phụ thuộc vào lực lượng chức năng thông qua kiểm tra, kiểm soát của công an, quản lý thị trường… đối với hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh, phòng cháy chữa cháy và gian lận thương mại theo Nghị định 87/2018/NĐ-CP quản lý nhà nước về khí nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Ông Phan Văn Hùng nêu ý kiến: "Vừa qua ngành chức năng cũng bắt quả tang được nhiều vụ sang chiết gas lậu nhưng cơ quan quản lý nhà nước như quản lý thị trường, công an vẫn kết luận hàng là hàng thật nhưng sử dụng thương hiệu giả để kinh doanh nên chỉ xử lý hành vi gian lận thương mại. Vì không phải hàng giả nên cũng không hình sự hóa được. Đây cũng là những ách tắc lớn thời gian qua".

Công ty Cổ phần gas Thủ Đức cũng là nạn nhân của tình trạng trên. Vấn đề thường gặp là thu gom vỏ bình gas để bán sang Campuchia; sang chiết lậu; kể cả chiếm đoạt vỏ bình rồi biến thành tài sản riêng…

Ông Trần Anh Khoa, Phụ trách ban nguồn và phát triển thị trường Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas) nêu ý kiến tại hội thảo

Ông Trần Anh Khoa, Phụ trách ban nguồn và phát triển thị trường Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas) nêu ý kiến tại hội thảo

Theo ông Chu Văn Tường, đại diện của Công ty gas Thủ Đức, vừa qua doanh nghiệp đã tố cáo một công ty tại tỉnh Hòa Bình có hành vi chiếm đoạt và hủy hoại tài sản. Qua điều tra thị trường, Công ty gas Thủ Đức đã bị chiếm đoạt khoảng 20.000 chai LPG các loại, phần lớn là phân phối tại tỉnh Hòa Bình và khu vực lân cận. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt khoảng 10,6 tỷ đồng.

Theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác giá trị từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Tuy nhiên sau khi tố cáo vụ việc đến nay vẫn chưa thể xử lý triệt để.

"Nếu xét theo các điều luật của Việt Nam thì trường hợp nêu trên sai và có thể áp dụng nhiều điều luật để xử lý hình sự. Những trên thực tiễn thị trường thì chưa cơ quan nào chịu áp dụng cả. Mà doanh nghiệp nạn nhân đã lên tiếng rồi, kể cả viết đơn thưa kiện nhiều nơi cũng không thấy ai giải quyết. Nghị định thì quy định khá chặt rồi, nhưng ở đây khâu thực thi không triệt để", ông Tường nói.

Đã quản lý nguồn cung LPG chặt chẽ?

Theo ông Trần Anh Khoa, Phụ trách ban nguồn và phát triển thị trường Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas), lĩnh vực LPG là lĩnh vực mới tại Việt Nam nhưng không mới với các nước trong khu vực. Chính vì vậy khi ban hành các quy định cần phù hợp, hòa nhập được với xu thế chung. Để đảm bảo hiệu quả trong quản lý giá, bình ổn được thị trường, trong quá trình điều chỉnh, các Bộ ngành cần quy định cụ thể về sở hữu vật chất hạ tầng; quy định dung tích tối thiểu các bồn LPG…đảm bảo doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu, khí gas phải đủ năng lực, đảm bảo được nguồn cung. Ngoài ra việc cấp phép xây dựng hạ tầng gas cũng cần cụ thể chi tiết hơn.

Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí Việt Nam

Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí Việt Nam

"Trong lĩnh vực nhập khẩu, lưu thông cần quy định thêm việc đối với các doanh nghiệp kinh doanh LPG còn phải xây dựng hệ thống phân phối ở phía sau. Ngoài việc kinh doanh chung, khi bản thân có năng lực phân phối thì mới đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, an ninh năng lượng. Đặc biệt là những thời điểm khó khăn thì những doanh nghiệp lớn đủ năng lực mới đủ khả năng đảm bảo quyền lợi, nguồn cung cho các khách hàng", ông Khoa kiến nghị.

Đồng quan điểm với ông Trần Anh Khoa, ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí Việt Nam cho rằng, các quy định về quản lý nhà nước liên quan đến kiểm soát tiêu dùng, cung ứng tiêu dùng các sản phẩm gas và an toàn phòng cháy chữa cháy... còn nhiều bất cập. Đặc biệt, trong lĩnh vực lưu thông phân phối, quản lý khí gas có nơi, có lúc còn chưa chặt chẽ, dẫn đến những sự cố về PCCC cũng như liên quan đến hoạt động quản lý về thị trường, an ninh năng lượng. Nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định theo dõi số seri vỏ bình gas, bỏ tiêu chí phải có cửa hàng mới được kinh doanh gas.

"Chúng ta quy định việc bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng phải có những yêu cầu như thế nào về kho chứa để đảm bảo an toàn khi cung ứng ra thị trường. Rồi phải quy định rõ cần có đội ngũ giao hàng như thế nào để bảo an toàn cho xã hội, lợi ích người tiêu dùng", ông Loan nói.

Cũng theo ông Trần Minh Loan, việc góp ý đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khí, cần chú trọng 3 vấn đề trọng tâm. Cụ thể, việc điều chỉnh sửa đổi cần tính thực tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn; đảm bảo an toàn hiệu quả cho người tiêu dùng. Đối với quản lý nhà nước phải phù hợp với chính sách an ninh năng lượng nói chung và riêng đối LPG phải kiểm soát tốt an toàn cháy nổ.

Nguyễn Quang/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thuc-thi-phap-luat-ve-linh-vuc-khi-gas-chua-toi-noi-toi-chon-post1047803.vov