Thực tiễn áp dụng và những bất cập cần tháo gỡ trong tố tụng dân sự

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định về toàn bộ hoạt động tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân theo các quy định của BLTTDS, tạo hành lang pháp lý tốt cho quá trình tiến hành tố tụng. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng, thực thi còn có một số vấn đề bất cập, cần sửa đổi, bổ sung hoặc thống nhất trong văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn để luật được thực thi một cách đúng đắn, bảo đảm sự công bằng, khách quan.

Về vấn đề người được ủy quyền có quyền ký đơn kiện thay cho người ủy quyền không, theo Điều 186 BLTTDS 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Tuy nhiên, tại Điều 189 của Bộ luật này quy định về hình thức, nội dung đơn khởi kiện thì lại có quy định khác: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện. Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau: Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ”.

Với quy định này thì người khác chỉ có viết hộ đơn khởi kiện, còn người đi kiện phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn. Như vậy, nội dung Điều 186 và Điều 189 mâu thuẫn với nhau và không phù hợp với chế định về ủy quyền. Theo đó, cá nhân có thể ủy quyền cho người khác nhiều nội dung, kể cả quyết định toàn quyền trong việc giải quyết nội dung vụ kiện thì không có lý do gì lại hạn chế người được ủy quyền không được ký vào đơn khởi kiện mà chỉ có người đi kiện ký vào đơn mới hợp lệ.

Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337, Quân khu 4 phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tuyên truyền pháp luật cho cán bộ và nhân dân địa phương nơi đứng chân, tháng 11-2023. Ảnh: VÕ DUY ĐÔNG

Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337, Quân khu 4 phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tuyên truyền pháp luật cho cán bộ và nhân dân địa phương nơi đứng chân, tháng 11-2023. Ảnh: VÕ DUY ĐÔNG

Về thời hạn xét xử, theo quy định tại Khoản 1 Điều 203 BLTTDS thì thời hạn xét xử vụ án dân sự là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, nếu gia hạn thì không quá 2 tháng. Tuy nhiên, thực tế có nhiều vụ án quá hạn xét xử mà không ai chịu trách nhiệm, có rất nhiều vụ án kéo dài rất nhiều năm, thậm chí 15, 20 năm vẫn chưa đưa ra xét xử. Cần nghiên cứu khắc phục tình trạng trong luật sao cho bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn áp dụng.

Về thời hạn yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện yêu cầu của tòa án, đối với các trường hợp tòa án ra quyết định tạm đình chỉ theo quy định tại Điểm d, đ Khoản 1 Điều 214; Khoản 4 Điều 215, BLTTDS chưa quy định thời hạn cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện theo yêu cầu của tòa án về ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ, cung cấp tài liệu chứng cứ... dẫn đến kéo dài thời hạn giải quyết án, làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Về vấn đề giao nộp và thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ, Khoản 5 Điều 96 BLTTDS quy định: “Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác”. Song thực tế cho thấy chưa có trường hợp nào đương sự thực hiện và quan trọng hơn là không có chế tài nào để buộc thực hiện nên dẫn đến việc đương sự không thực hiện nhưng tòa án không xử lý được và tính khả thi trong thực tế của chế định này không cao.

Khoản 4 Điều 96 BLTTDS quy định: “Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”. Như vậy, đương sự phải nộp tài liệu chứng cứ cho tòa án tối đa là 2 tháng hoặc 4 tháng tùy theo từng loại án được quy định tại Điều 203 BLTTDS về thời hạn chuẩn bị xét xử. Điều này đã giới hạn quyền cung cấp tài liệu chứng cứ của đương sự mà không hề giới hạn thời hạn thu thập chứng cứ của tòa án (cụ thể là thẩm phán phân công xét xử). Do đó, có thể dẫn đến khả năng có sự tùy tiện của thẩm phán trong việc áp dụng chế định này.

Khoản 3 Điều 106 BLTTDS quy định: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; hết thời hạn này mà không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự...”. Điều luật quy định khá rõ nhưng việc thực hiện trong thực tế hết sức khó khăn vì có rất nhiều vụ việc phải tạm đình chỉ nhiều tháng, nhiều năm với lý do cơ quan lưu giữ tài liệu, chứng cứ không cung cấp theo yêu cầu của tòa án, viện kiểm sát nhưng vẫn chưa có quy định về chế tài áp dụng đối với việc không hoặc chậm cung cấp chứng cứ.

Về sự có mặt của kiểm sát viên, Khoản 2 Điều 21 BLTTDS năm 2015 quy định: “Viện kiểm sát (VKS) tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên...”. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 232 BLTTDS năm 2015 quy định về việc có mặt của kiểm sát viên: “Kiểm sát viên được Viện trưởng VKS cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa; nếu kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa”. Mặt khác, theo quy định tại Điều 233 BLTTDS thì các trường hợp luật quy định hoãn phiên tòa lại không có liệt kê trường hợp vắng kiểm sát viên. Như vậy, trong trường hợp kiểm sát viên vắng mặt thì hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử mà không hoãn phiên tòa, điều này ảnh hưởng đến việc phát hiện những vi phạm, sai sót của hội đồng xét xử và của những người tham gia tố tụng khác, gây khó khăn cho công tác kiến nghị, kháng nghị của VKS...

Về việc tống đạt văn bản tố tụng, theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 171 BLTTDS thì thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời... của VKS, các văn bản của cơ quan thi hành án dân sự là văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt cho đương sự. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 172 về việc người thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng lại không quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tống đạt văn bản tố tụng của VKS, của cơ quan thi hành án dân sự. Do điều luật quy định chưa chặt chẽ nên trong thực tế việc cấp, tống đạt văn bản tố tụng của VKS, cơ quan thi hành án dân sự không nhận được sự phối hợp của UBND cấp xã, cơ quan chủ quản nơi đương sự cư trú, làm việc.

Luật sư ĐĂNG TÂM

* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/thuc-tien-ap-dung-va-nhung-bat-cap-can-thao-go-trong-to-tung-dan-su-788761