Thực trạng công tác đào tạo, sát hạch lái xe: (Bài 5) 'Những bài học kinh nghiệm từ các nước'
Tham khảo kinh nghiệm về quy định độ tuổi, quy trình, thời gian, trình tự đào tạo, sát hạch và cấp GPLX ở một số nước trên thế giới làm cơ sở để chúng ta học hỏi nhằm nâng cao chất lượng công tác này tại Việt Nam.
Thực tế, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) là một khâu quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, được Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT đặc biệt quan tâm và chỉ đạo trong những năm qua nhằm kéo giảm TNGT.
Anh: Đủ 17 tuổi mới được tham gia học lái ô tô
Công dân ở Anh muốn có được GPLX phải đủ từ 17 tuổi trở lên để có thể bắt đầu tham gia khóa học lái ô tô. Thí sinh dự thi sẽ phải trải qua các bài kiểm tra về lý thuyết lái xe, bài thi trắc nghiệm và đánh giá rủi ro trên đường và bài kiểm tra lái xe thực tế. Thi lý thuyết là bắt buộc và chứng chỉ này có thời hạn 2 năm trong thời gian bạn thi thực hành. Khi đã đỗ thực hành, các lái xe được cấp bằng chính thức. Chính vì những quy định gắt gao này nên tỷ lệ đỗ sát hạch tại Anh hiện tại chỉ ở mức 47%. Mới đây, tại kỳ thi sát hạch lái xe còn được bổ sung thêm bài lùi xe ra khỏi chỗ đỗ dọc và khả năng sử dụng bản đồ ảo.
Để nâng cao hiệu quả học lái xe, các học viên thường tìm một người dạy lái xe chuyên nghiệp để có thể thoải mái, yên tâm học lái trong quãng thời gian tối thiểu 45h. Danh sách giáo viên dạy lái xe đủ tiêu chuẩn, có giấy phép hành nghề được niêm yết công khai trên cổng thông tin của chính phủ (DVSA). Chi phí dạy kèm khoảng 20 - 25 bảng Anh mỗi giờ. Nếu học viên nhờ người thân, bạn bè hướng dẫn, pháp luật Anh quy định người hướng dẫn phải trên 21 tuổi và đã có bằng lái ít nhất 3 năm.
Nhật Bản: Người học trải nghiệm tất cả tình huống thực tế trên đường
Đất nước mặt trời mọc vốn nổi tiếng là quốc gia của kỷ luật nghiêm minh khi bạn muốn được cấp bằng lái xe tại đây. Vì vậy, tỷ lệ đỗ sát hạch lần đầu tại Nhật Bản chiếm chưa tới 35% và mặc dù chỉ là một khóa đào tạo song sẽ cho người học trải nghiệm không khác gì tình huống thực tế trên đường. Các lái xe luôn luôn phải duy trì vận tốc tối đa khoảng 30,6 km/h hoặc thấp hơn và sẽ bị đánh trượt ngay lập tức nếu lái xe lên vỉa ba-toa, không dừng trước đèn tín hiệu giao thông, các đoạn giao nhau hoặc không kiểm tra các tình huống giao thông sắp tới.
Bên cạnh đó, người thi sẽ bị đánh trượt nếu không duy trì khoảng cách theo đúng quy định khi lái xe ở làn bên trái hoặc khi xe gặp phải các chướng ngại vật như chó, mèo hay trẻ em trên đường. Đối với phần lý thuyết, các học viên sẽ được học lý thuyết trong vòng 3 buổi và 4 tiếng mỗi buổi với bài thi thử từ 150 câu. Tuy nhiên, thông thường, với phần thi lý thuyết bạn cần phải tự học vì thời gian trên lớp khá ngắn, giáo viên không thể truyền tải hết những nội dung. Bài thi lý thuyết sẽ có tất cả 50 câu và nếu đúng từ 45 câu trở lên là đạt.
Phần thi thực hành sẽ có tất cả 6 đường thi và vào ngày thi thí sinh sẽ được thông báo mình được thi ở đường nào. Ở đường thi chính thức, người dự thi sẽ phải trải qua những tình huống giao thông thường có trên đường phố và phải thực hiện đúng theo các luật lệ giao thông ở Nhật Bản. Cần chú ý việc quan sát biển báo, giữ tốc độ đúng theo quy định, xi nhan khi rẽ và xử lý nhiều tình huống khác. Trước khi tham dự thi thực hành, thí sinh sẽ có 100 điểm tối đa và ở mỗi lỗi sẽ bị trừ điểm tương ứng. Nếu sau khi hoàn thành đường chạy và phần thi còn 70 điểm là được xét duyệt đỗ nhưng nếu dưới 70 điểm sẽ phải thi lại.
Đức: Người học phải xử lý nhiều tình huống nhanh và chính xác
Sau khi vượt qua kỳ thi sát hạch và lấy được bằng lái xe, người dân nước này còn phải trải qua tiếp 2 năm thử thách. Trong khoảng thời gian này, nếu vi phạm luật giao thông mà không gây thiệt hại về người hay tài sản, họ sẽ phải tham gia các buổi tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ. Nếu nghiêm trọng hơn, họ có thể bị tước bằng lái vĩnh viễn. Đối với phần thi thực hành, không ít học viên phải "sởn gai ốc" bởi độ phức tạp khi phải lái xe ngoài đường thực tế với rất nhiều tình huống phải xử lý nhanh và chính xác.
Pháp: Phải tích lũy đủ 3.000 km mới được cấp GPLX
Chính phủ Pháp quy định, để có thể tham gia học lấy được GPLX thì người học phải đủ 16 tuổi mới được đăng ký học tại trường đào tạo lái xe và hoàn thành đủ 20 giờ thực hành trước khi thi lý thuyết. Sau đó, các thí sinh đỗ kỳ thi sát hạch sẽ được cấp bằng lái xe thời hạn 3 năm, có sự giám sát của người lớn. Bài thi thực hành chỉ được tiến hành khi thí sinh từ 18 tuổi trở lên và đã lái được 3.000 km với sự giám sát của người trưởng thành. Bên cạnh đó, tốc độ tối đa cho phép là 109 km/h trên đường cao tốc.
Australia: Trước khi được cấp GPLX chính thức thì phải có năm thử thách
Đầu tiên là giấy phép cho người học đủ 16 tuổi trở lên, tiếp đến là giấy phép giới hạn ở một số nội dung, sau đó là bằng lái xe tập sự. Bằng này có hiệu lực khoảng 2 năm trước khi thí sinh tham dự kỳ thi sát hạch chính thức. Các tay lái mới phải ghi lại số giờ học đã tham gia cùng người hướng dẫn để bảo đảm đã đạt đủ số giờ quy định. Song điều đó không có nghĩa bạn đã đủ điều kiện lái xe an toàn bởi trên thực tế số vụ TNGT tại Úc vẫn tăng cao.