Thực trạng đường cao tốc Việt Nam- Kỳ 3: Mang thói quen đi 'đường làng' lưu thông cao tốc

Việc người tham gia giao thông ý thức chấp hành pháp luật giao thông chưa cao, vẫn giữ thói quen cũ khi điều khiển phương tiện đang là những nguy cơ tiềm ẩn ùn tắc, TNGT, giảm hiệu quả khai thác các tuyến cao tốc hiện nay.

Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương những ngày cao điểm có hơn 53.000 lượt xe lưu thông

Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương những ngày cao điểm có hơn 53.000 lượt xe lưu thông

Xe to "ôm" làn xe nhỏ, cản trở lưu thông

Sáng 6/7, trực tiếp lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cao Bồ, PV Tạp chí GTVT ghi nhận tình trạng nhiều tài xế thích lưu thông ở làn trong cùng bên trái (thường là làn xe dành cho xe con) có tốc độ cao nhất dùng để vượt xe. Một số trường hợp sau khi nháy đèn xin vượt không được đành phải vượt bên phải.

Đơn cử như tại đoạn Km225 - Km227 (địa phận huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), xe con BKS 30E-695.xx liên tục nháy đèn và bấm còi để xin vượt nhưng xe khách BKS 99B-019.xx (xe hợp đồng) vẫn chạy tà tà "ôm" làn trong cùng, không nhường đường dù phía trước không có chướng ngại vật. Sau quãng đường bám phía sau gần 1 km, xe con BKS 30E-695.xx buộc phải bật tín hiệu để vượt phải.

Quá trình lưu thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cao Bồ, PV Tạp chí GTVT không khó để bắt gặp những trường hợp xe vượt phải, bên cạnh đó là tình trạng các xe không giữ khoảng cách. Chẳng hạn như trước khi đến Km227+000, PV ghi nhận 4 xe ô tô bám đuôi nhau với khoảng cách chỉ gần 10 m. Theo đó, xe con BKS 30F-678.xx bám đuôi xe khách BKS 20B-023.xx ở làn trong cùng, trong khi đó xe con BKS 30E-695.xx bám đuôi xe khách 99B-019.xx (lúc này đã chuyển sang làn bên phải).

Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Tuần tra đường bộ cao tốc số 3 (Cục CSGT, Bộ Công an) thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cao Bồ - Mai Sơn - QL45, đơn vị đã lập biên bản xử lý 3.137 trường hợp vi phạm giao thông, trong đó đáng chú ý có 1.382 trường hợp vi phạm tốc độ, 367 trường hợp đi vào đường cấm, 55 trường hợp chạy xe vào làn dừng khẩn cấp, 14 trường hợp dừng, đỗ sai quy định, 12 trường hợp quay đầu, lùi xe, đi ngược chiều đường cao tốc, 42 trường hợp chuyển làn không có tín hiệu.

"Những vi phạm nêu trên cho thấy, dù lưu thông trên cao tốc nhưng một bộ phận tài xế ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, thậm chí vẫn còn thói quen tùy tiện dừng, đỗ, chuyển làn không báo trước, lùi xe hoặc chạy ngược chiều... Đây là những nguy cơ làm tăng TNGT và khi đã xảy ra TNGT trên cao tốc thì hậu quả rất lớn", Thượng tá Thắng chia sẻ.

Tình trạng xe vượt phải và không giữ khoảng cách an toàn diễn ra phổ biến trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cao Bồ - Mai Sơn - QL45

Tình trạng xe vượt phải và không giữ khoảng cách an toàn diễn ra phổ biến trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cao Bồ - Mai Sơn - QL45

Lái mới bỡ ngỡ, tài quen bất chấp

Anh Hoàng Khánh Việt (sinh năm 1983) quê ở Thanh Hóa nhưng sinh ra, lớn lên và sinh sống, làm việc ở tỉnh Đắk Nông. Mỗi dịp về quê, anh cùng người thân trong gia đình tự lái ô tô từ Đắk Nông về Thanh Hóa. Sau khi tuyến La Sơn - Hòa Liên và cao tốc Cam Lộ - La Sơn đưa vào khai thác, thông tuyến Đà Nẵng - Quảng Trị, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, lần đầu tiên anh Việt có trải nghiệm lái xe trên cao tốc. Tuy nhiên, từ sau lần trải nghiệm đầy "cam go" đó, đến nay anh Việt không dám lái ô tô đi lại trên tuyến lần nào nữa.

Anh Việt cho hay, không chỉ riêng bản thân anh mà nhiều người ở Đắk Nông hay các tỉnh vùng Tây Nguyên chưa từng lái xe lưu thông trên cao tốc, khái niệm "đường cao tốc" chỉ nghe trên đài báo, chứ việc đi lại trên cao tốc còn hết sức mới lạ, bỡ ngỡ. Trong suy nghĩ về đường cao tốc thì có nhiều làn xe, có dải phân cách cứng, mặt đường to rộng, khi lái xe phải chạy với vận tốc cao. Nhưng trên thực tế, khi điều khiển xe lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên không phải như vậy, hoàn toàn không như suy nghĩ, hình dung ban đầu.

"Từ biển báo, biển chỉ dẫn, vạch sơn, hệ thống ATGT đến việc lưu thông vào, ra các nút giao, nhập làn, chuyển làn... đều rất khác so với trên quốc lộ, tỉnh lộ thường đi. Đáng lo, khi lưu thông trên tuyến Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên, tình trạng người điều khiển ô tô không tuân thủ theo biển chỉ dẫn, chạy quá tốc độ cho phép, chạy lấn làn, vượt ẩu... diễn ra phổ biến, tăng nguy cơ xảy ra TNGT", anh Việt chia sẻ.

Nỗi lo sợ của anh Việt cũng là tâm lý chung của nhiều người khi lái xe lưu thông trên tuyến cao tốc 2 làn xe Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên. Điển hình như vụ TNGT xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận giữa xã Phong Mỹ và Phong Xuân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào ngày 18/2/2024 khiến 3 người đi trên ô tô 7 chỗ BKS 36A-485.67 tử vong. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ TNGT. Tuy nhiên, theo Cục CSGT (Bộ Công an), nguyên nhân ban đầu được xác định là do tài xế ô tô 7 chỗ vượt bên phải rồi tạt sang trái va vào xe đầu kéo, gây ra tai nạn. Đáng chú ý, tài xế ô tô 7 chỗ là người sinh sống và làm việc ở địa bàn Tây Nguyên, chưa có kinh nghiệm lái xe trên cao tốc.

Thường xuyên lưu thông trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết, anh Huỳnh Xuân Thiện (45 tuổi, ngụ tại TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Cao tốc dài gần 200 km nên lần nào đi cũng phải mang theo đồ ăn trên xe, dừng ăn ở dải khẩn cấp cũng thấy mất an toàn mà vừa đi vừa ăn uống lại càng mất an toàn hơn".

Trung tá Hoàng Xuân Ân, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6, Phòng 8 (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết, tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có dải dừng khẩn cấp quá nhỏ, khi xe container gặp sự cố dừng vào làn sẽ bị lố ra phần đường của xe chạy gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông. "Hầu như các vụ tai nạn xảy ra trên tuyến cao tốc là do tài xế buồn ngủ và không giữ khoảng cách an toàn. Chúng tôi khuyến cáo tài xế phải giữ khoảng cách an toàn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc, không sử dụng rượu, bia, chất kích thích, chạy đúng tốc độ và không vượt ẩu... Doanh nghiệp đã trúng thầu cần sớm triển khai đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ để lái xe có địa điểm dừng phương tiện khi có dấu hiệu buồn ngủ", Trung tá Ân chia sẻ.

Với tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, sau 14 năm đưa vào khai thác, tình trạng đáng báo động hiện nay là những ngày cao điểm tuyến có hơn 53.000 lượt xe lưu thông. Lượng xe đông nên nhiều lái xe điều khiển phương tiện bất chấp, theo kiểu "điền vào chỗ trống", kể cả ở làn dừng khẩn cấp. Điều này dẫn đến tình trạng lộn xộn, ùn ứ cục bộ, va chạm và TNGT liên hoàn khiến người dân vô cùng bức xúc.

Với tuyến cao tốc Pháp Vân - Cao Bồ - Mai Sơn - QL45, một số đoạn tuyến chưa có làn dừng khẩn cấp, hiện Đội CSGT Đường cao tốc số 3 (Cục CSGT, Bộ Công an) bố trí 3 xe mô tô tuần tra (đảm bảo tính cơ động) để sẵn sàng xử lý các trường hợp gặp sự cố trên tuyến có thể dẫn đến va chạm, ùn tắc; đồng thời kiến nghị đơn vị quản lý tuyến cao tốc và địa phương bố trí lắp đặt hệ thống camera tại một số vị trí cầu vượt, lối giao cắt nơi có tình trạng người dân phá rào vào cao tốc nhận hàng, đón xe khách... để phạt "nguội". Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đề nghị Ban QLDA Thăng Long cắt cử các nhân viên trực 24/24h tại các nút giao vào, ra cao tốc để hướng dẫn giao thông và chỉ dẫn cho các phương tiện mô tô, xe gắn máy không đi vào đường cao tốc.

Nhóm PV

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/thuc-trang-duong-cao-toc-viet-nam-ky-3-mang-thoi-quen-di-duong-lang-luu-thong-cao-toc-183240717093416082.htm