Thực trạng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ở Na Rì

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, quy mô sản xuất và quy trình hợp tác liên kết còn một số khó khăn, hạn chế.

Khai thác tiềm năng thế mạnh

Việc xây dựng, phát triển sản phẩm hàng hóa năng suất, chất lượng, thương hiệu đang dần được các tổ chức kinh tế, hộ cá thể hướng đến. Ông Đinh Duy Lý- Giám đốc HTX Khuổi Nằn 2, thị trấn Yến Lạc (Na Rì) đã tận dụng diện tích đất đồi của gia đình đầu tư vườn cây ăn quả có múi rộng trên 7ha. Để xây dựng được sản phẩm sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, ông đã học hỏi, đúc kết kinh nghiệm thực tế sử dụng phân chuồng ủ hoai mục; tự pha chế tỏi, ớt ngâm rượu để diệt trừ sâu bệnh. Sử dụng phân bón hữu cơ vừa giúp cải tạo đất được tơi xốp, tăng sức đề kháng, chống chịu bệnh của cây, vừa cải thiện môi trường, giúp cân bằng hệ sinh thái và tiết kiệm được chi phí khác... Từ vườn cây ăn quả, mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 400 triệu đồng.

Xã Văn Lang có nguồn đất đai, khí hậu phù hợp để trồng cây dược liệu. Hiện nay bà con đã chủ động khai thác một số cây dược liệu quý để nhân rộng phát triển kinh tế. Anh Hoàng Văn Luân- Giám đốc HTX dược liệu Bảo Châu cho biết: "Đến nay HTX đã trồng, chế biến thành công nhiều loại dược liệu quý như: Sâm trâu, ba kích tím, cà gai leo, khôi nhung… Các sản phẩm đã chế biến, chiết xuất được từ cây dược liệu là cà gai leo dạng túi lọc; cà gai chiết xuất thành cao và cao cà gai kết hợp lá cây bàn tay ma đỏ và cây cỏ ngọt... Trong đó, sản phẩm cà gai và giảo cổ lam đã đạt sản phẩm OCOP, các sản phẩm còn lại đang tham gia dự thi. Hiện nay, chúng tôi phối hợp với HTX Văn Lang HT ươm được khoảng 20 vạn cây xạ đen, cà gai, hà thủ ô, kim ngân hoa... để trồng chế biến, chiết xuất và cung cấp nguồn nguyên liệu cho thị trường".

Ở xã Trần Phú có HTX Trần Phú chuyên chăn nuôi gà đồi, lợn đen bản địa, hoạt động khá thành công, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Các quy trình chăn nuôi tại đây được thực hiện quy củ. Chuồng trại khô ráo, thoáng; con giống xuất xứ nguồn gốc rõ ràng của các công ty, trang trại có uy tín, nguồn gen bản địa, tiêm vắc-xin đúng quy trình, có sổ theo dõi nghiêm ngặt; thành phẩm bán ra thị trường đảm bảo đủ nguồn gốc xuất xứ, tem, mã vạch…

"Nút thắt" trong thực hiện liên kết

Thúc đẩy sản xuất gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản đang được các cấp, ngành quan tâm, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, khâu liên kết còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Một số sản phẩm được chọn là cây chủ lực nhưng sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, giá trị thấp do chưa có doanh nghiệp, HTX thực hiện liên kết theo chuỗi; một số sản phẩm có đơn vị hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng còn tình trạng người dân khi được thương lái trả giá cao hơn là tự ý phá hợp đồng…

Năm 2022, HTX Tài Hoan cung cấp phân vi sinh được ủ từ bã dong cho người trồng dong riềng ở các xã thực hiện liên kết tiêu thụ.

Năm 2022, HTX Tài Hoan cung cấp phân vi sinh được ủ từ bã dong cho người trồng dong riềng ở các xã thực hiện liên kết tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Hoan- Giám đốc HTX Tài Hoan cho biết: "Chúng tôi đã nhiều năm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để bà con trồng, cung cấp đủ nguồn nguyên liệu phục vụ HTX lâu dài. Trước đây HTX cung cấp giống, ủ bã dong riềng phát cho hộ trồng dong làm phân bón. Những khu vực nào chăm sóc cây dong tốt, HTX thanh toán thêm 400.000 đồng/1.000m2. Có năm HTX bỏ ra trên 30 triệu đồng để động viên bà con tiếp tục làm tốt hơn. Năm 2022, HTX ký hợp đồng với 03 xã gồm: Côn Minh, Đổng Xá và Quang Phong; ước tính sẽ tiêu thụ sản phẩm cho khoảng 600 hộ. Ngoài ra, các địa phương khác không hợp đồng ký kết từ đầu vụ nhưng có nhu cầu tiêu thụ, HTX vẫn sẵn sàng thu mua theo giá chung của thị trường. Hiện nay, HTX đã cung cấp cho bà con khoảng 10 tấn phân vi sinh được ủ từ bã dong; tổ chức tập huấn cho bà con tại các địa phương ký kết hợp đồng"...

Sản phẩm của HTX Tài Hoan đã không còn xa lạ với thị trường, đặc biệt là từ khi sản phẩm được xuất khẩu sang châu Âu. Nhu cầu hàng hóa phục vụ cho thị trường rất lớn, do đó HTX sản xuất quanh năm. Giám đốc HTX Tài Hoan chia sẻ thêm: "Mặc dù việc liên kết được thực hiện nhiều năm, song vùng trồng nguyên liệu rộng, hộ trồng dong riềng phân tán, địa hình đồi núi đi lại khó khăn, vận chuyển nguyên liệu về xưởng chế biến mất nhiều công sức; một bộ phận hộ dân liên kết hợp đồng nhưng chưa chia sẻ khó khăn cùng HTX, còn tình trạng gặp ai phát giá cao hơn là bán... Liên kết nhưng không cộng đồng chia sẻ trách nhiệm thì khó trụ vững trong cơ chế thị trường hiện nay".

Cây dược liệu ở xã Văn Lang rất cần đơn vị liên kết sản xuất, tiêu thụ để phát triển bền vững.

Cây dược liệu ở xã Văn Lang rất cần đơn vị liên kết sản xuất, tiêu thụ để phát triển bền vững.

Anh Hoàng Văn Luân- Giám đốc HTX dược liệu Bảo Châu cho biết: Hiện tại, đã có nhiều đơn vị, cá nhân liên kết tiêu thụ sản phẩm với HTX nhưng còn ít doanh nghiệp lớn. Ngoài hai công ty hiện nay đang ký kết là Công ty Cổ phần Dược liệu TH - Chi nhánh Nghệ An và Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Trường Phát Hà Nội, số còn lại phần lớn mức tiêu thụ và nhu cầu sản phẩm không thường xuyên. Cái khó nữa của HTX là nguồn lực còn nhiều hạn chế, chưa có vốn quay vòng khi phía tiêu thụ chưa kịp thanh toán...

Đồng chí Hoàng Văn Thiên- Bí thư Huyện ủy Na Rì cho biết: Trên địa bàn huyện có nhiều sản phẩm tiềm năng. Sản xuất nông nghiệp sạch đang là xu hướng. Trên cơ sở đó, huyện đã quy hoạch các vùng phát triển sản phẩm chủ lực như: Vùng trồng, chế biến dong riềng tập trung ở các xã: Côn Minh, Trần Phú, Văn Lang, Cư Lễ, Quang Phong...; cây ăn quả có múi ở các xã Văn Minh, Kim Lư, Liêm Thủy, thị trấn Yến Lạc...; cây dược liệu ở các xã Văn Lang, Văn Vũ, Kim Lư...; tiếp tục quan tâm việc giúp kết nối, giới thiệu quảng bá sản phẩm; áp dụng các chính sách còn hiệu lực của Nhà nước; đưa thông tin đến các tập thể, hộ sản xuất, kinh doanh tiếp cận nguồn lực hỗ trợ, phát triển... Bên cạnh thành công của sản phẩm miến dong Tài Hoan, hiện nay huyện Na Rì đang tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục để liên kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thạch đen xuất khẩu sang Trung Quốc, đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp mã vùng trồng tại xã Văn Vũ. Tăng cường sự tham gia của “4 nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học) vào quá trình liên kết thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững./.

Tùng Vân

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202203/thuc-trang-lien-ket-san-xuat-gan-voi-tieu-thu-san-pham-o-na-ri-15c25a6/