Thực trạng sử dụng súng trên phim trường Hollywood
Vụ tử vong trên phim trường 'Rust' hôm 21/10 phản ánh sự thiếu sót của các đoàn phim Hollywood trong khâu quản lý và sử dụng súng đạo cụ.
Ngày 21/10, Variety đưa tin tai nạn đã xảy ra trên phim trường tác phẩm Rust ở bang New Mexico, Mỹ. Khẩu súng đạo cụ nam diễn viên Alec Baldwin sử dụng trong một cảnh quay đã bất ngờ xả đạn, làm bị thương hai nhân viên đoàn phim.
Các nạn nhân gồm đạo diễn Joel Souza và đạo diễn hình ảnh Halyna Hutchins. Souza được đưa tới cấp cứu tại Trung tâm Y tế khu vực Christus St. Vincent. Hutchins được chở bằng trực thăng đến Bệnh viện Đại học New Mexico ở Albuquerque. Do vết thương quá nặng, cô đã tử vong trên đường cấp cứu.
Theo Sky News, Halyna Hutchins không phải nạn nhân đầu tiên, và có thể chưa là cuối cùng, thiệt mạng vì tai nạn trên phim trường. Vụ việc thương tâm đặt ra câu hỏi Hollywood đang làm gì để đảm bảo an toàn cho diễn viên cũng như nhân viên đoàn phim trên trường quay.
Cách Hollywood quay phim với súng
Christopher Gist và Sarah Mayberry là chỉ đạo sản xuất kiêm biên kịch hiện làm việc tại Hollywood. Trả lời The Conversation, hai nhà làm phim cho biết phim trường luôn phải có sự xuất hiện của một chuyên gia vũ khí, một chuyên gia về an toàn và điều phối viên đóng thế khi quay các cảnh bắn súng.
Gist và Mayberry cho hay khi ghi hình tác phẩm tâm lý, giật gân Darklands, họ đã dùng súng thật làm đạo cụ. Tuy nhiên, các khẩu súng này chứa băng đạn giả. Khi bóp cò, nó vẫn phát ra tiếng nổ, tia lửa ở nòng và có độ giật như bắn đạn thật nhưng không mang sức sát thương.
Đạn trong băng được làm từ giấy, nhựa, vải vụn hay bông. Tuy nhiên, nếu bắn ở cự ly gần hay vận hành sai cách, món đạo cụ vẫn có thể gây thương tích nghiêm trọng cho đối phương. Hai nhà làm phim chia sẻ các pha đấu súng trong tác phẩm của họ được “dàn dựng trong các bối cảnh được kiểm soát nghiêm ngặt, với sự tham gia của ê-kíp giàu kinh nghiệm”.
Gist và Mayberry cho hay súng, dù là đồ giả hay bản mô phỏng, đều được cung cấp bởi chuyên gia vũ khí. Họ chia sẻ: “Giao thức liên quan đến việc sử dụng súng được xây dựng kỹ lưỡng. Mọi hoạt động liên quan đến súng trên phim trường đều phải diễn ra với sự cảnh giác cao độ. Ê-kíp và diễn viên phải được nhắc nhở nhiều lần về an toàn sử dụng súng. Cảnh sát cũng luôn để mắt tới diễn biến trên phim trường, tương tự cư dân sống xung quanh khu vực quay phim”.
Hai nhà làm phim cũng đề cập khả năng tái hiện các màn đấu súng bằng công nghệ đồ họa vi tính. Đây được xem là bện pháp thay thế an toàn hơn bắn đạn thật hay dùng băng đạn giả khi ghi hình.
Yêu cầu an toàn trên phim trường
Mỗi đoàn phim sẽ có một nhân viên an toàn chuyên làm nhiệm vụ đánh giá rủi ro như chất lượng đường xá hay nguy hiểm trong quá trình di chuyển tới các địa điểm được chọn làm bối cảnh - Christopher Gist và Sarah Mayberry chia sẻ.
Để được phép ghi hình tại các địa điểm công cộng, nhà sản xuất sẽ phải cung cấp cho chính quyền sở tại một bản đánh giá rủi ro. Văn bản này cần liệt kê thông tin chi tiết về địa điểm đoàn phim lưu đỗ phương tiện, vị trí đặt khu vệ sinh, nơi cất giữ thiết bị. Đoàn phim cũng cần liệt kê các nguy cơ phát sinh như sự cố trên phim trường và hướng giải quyết.
No Film School, cộng đồng nhà làm phim và sản xuất video quy mô toàn thế giới, gợi ý thành viên “tuân thủ các chỉ dẫn cứu hỏa”, phổ biến tới từng nhân viên đoàn phim vị trí cũng như hướng dẫn thoát hiểm khỏi khu vực ghi hình trong trường hợp có sự cố. Tổ chức này cũng đưa ra các gợi ý đơn giản như bố trí hệ thống dây nối, dây điện trên phim trường một cách khoa học để phòng tránh tai nạn do vấp, ngã.
Các tai nạn thương tâm trên phim trường
Năm 1993, trên phim trường tác phẩm The Crow, diễn viên Lý Quốc Hào, con trai của Lý Tiểu Long, đã qua đời trong một tai nạn liên quan đến súng. Anh bị một viên đạn giả từ khẩu súng đạo cụ bắn trúng ổ bụng với lực sát thương như đạn thật. Lý Quốc Hào qua đời trên đường đi cấp cứu.
Sau vụ tai nạn trên phim trường Rust, em gái của Lý Quốc Hào, Lý Hương Ngưng, đã có lời chia buồn với thân nhân của Hutchins trên Twitter. Cô viết: “Xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân của Halyna Hutchins, lời hỏi thăm Joel Souza và những người liên quan đến tai nạn trên phim trường Rust. Không ai đáng phải mất mạng vì súng đạn trên phim trường”.
Trước đó, năm 1984, diễn viên Jon-Erik Hexum đã bỏ mạng trên phim trường TV series Cover Up khi đang quay cảnh nhân vật mình thủ vai chơi trò cò quay Nga. Nam diễn viên không được cảnh báo trước về nguy hiểm có thể đối mặt.
Ngoài súng đạn, an toàn lao động bị lơ là cũng gây ra nhiều tai nạn thương tâm khác trên phim trường. Năm 1982, ba diễn viên - gồm một người lớn và hai trẻ em - đã thiệt mạng khi quay Twilight Zone: The Movie sau một vụ nổ dẫn đến rơi trực thăng. Năm 1985, phi công đóng thế Art Scholl đã tử vong trên phim trường Top Gun vì rơi máy bay giữa Thái Bình Dương. Cả phi công xấu số và phương tiện đều không được tìm thấy.
Hồi tháng 8/2017, nữ diễn viên đóng thế Joi Harris đã thiệt mạng sau tai nạn xe phân khối lớn trên phim trường Deadpool 2. Chiếc xe mất lái khiến Harris ngã văng khỏi xe và đâm vào cửa sổ kính của tòa nhà gần đó.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuc-trang-su-dung-sung-tren-phim-truong-hollywood-post1272509.html