'Thuế của ông Trump' có đáng ngại?
Mặc dù nằm trong số các quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách thuế quan khắc nghiệt đến từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump do thặng dư thương mại lớn, song không ít ý kiến cho rằng, Việt Nam có thể hưởng lợi nhờ chính sách này nhiều hơn là thiệt hại.

Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ trên thị trường nội địa
Thấp thỏm vì “thương chiến Trump 2.0”
Ngày 1/2/2025, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico, Canada (riêng năng lượng từ Canada chịu mức thuế 10% để giảm thiểu tác động đến giá xăng và nhiên liệu sưởi ấm) và mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Chính sách thuế nói trên có hiệu lực đối với Trung Quốc từ ngày 4/2/2025, trong khi Canada và Mexico được hoãn áp dụng 30 ngày.
Tiếp đó, ngày 10/2/2025 (theo giờ Mỹ), ông Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, áp dụng từ ngày 4/3/2025.
Việc áp mức thuế mới cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ nằm trong chiến lược “nước Mỹ trên hết” của ông chủ Nhà Trắng nhiệm kỳ 2025 - 2029, nhằm bảo hộ cho nền kinh tế nội địa.
Các chuyên gia thương mại cho rằng, mức thuế này sẽ làm đảo lộn dòng chảy thương mại, gây ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, kìm hãm tăng trưởng kinh tế, làm tăng chi phí, đẩy giá cả tăng cao và dẫn đến các biện pháp trả đũa.
Không chỉ nhắm vào Trung Quốc và hai quốc gia Bắc Mỹ nói trên, Tổng thống Trump còn tuyên bố sẽ áp thuế quan đối với Liên minh châu Âu (EU).
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đáp trả chính sách thuế quan của ông Trump khi ngày đầu tiên hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế bổ sung 10% (4/2/2025), Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo, từ ngày 10/2/2025, nước này sẽ áp mức thuế 15% đối với than, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và mức thuế 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp cùng một số xe nhập khẩu từ Mỹ.
Đồng thời, Trung Quốc thông báo sẽ mở cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào Google, sau khi đã đưa hai công ty của Mỹ vào danh sách “đen” (PVH Corp và Illumina).
Theo truyền thông thế giới, việc Trung Quốc tiến hành đáp trả thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump được xem là cột mốc xác định cuộc “thương chiến Trump 2.0” đã chính thức bắt đầu.
Ngày 11/2/2025, EU tuyên bố sẽ đáp trả mức thuế 25% mà Mỹ áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu, làm leo thang tranh chấp thương mại tiềm tàng với một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ.
TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Giám đốc Chương trình đào tạo thạc sĩ tài chính - kế toán, Đại học Bristol, Vương quốc Anh nhận định, thương chiến sẽ làm tăng lạm phát ở những nước bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp, đẩy lạm phát toàn cầu lên; gây tổn thất với lợi nhuận doanh nghiệp nếu họ không thể chuyển toàn bộ chi phí thuế quan lên người tiêu dùng; gây xáo trộn chuỗi cung ứng và việc làm ở những nước bị ảnh hưởng xấu; tác động của các chính sách đáp trả ngoài phạm vi thương mại gây tổn hại cho các công ty đa quốc gia.
Đáng lưu ý, ngày 13/2/2025, ông Trump công bố lộ trình áp dụng thuế quan đối ứng, “có đi có lại” đối với mọi quốc gia áp thuế với hàng hóa Mỹ.
Động thái này sẽ tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có châu Á. Theo số liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tính tới năm 2023, hầu hết các nền kinh tế châu Á áp mức thuế quan bình quân với hàng nhập khẩu từ Mỹ cao hơn so với thuế quan của Mỹ với hàng hóa của họ. Trong số các quốc gia có thỏa thuận đối xử tối huệ quốc (MFN) với Mỹ, Ấn Độ áp mức thuế quan cao nhất - 17%, cao hơn đáng kể so với mức bình quân 3,3% của Mỹ với các đối tác thương mại có thỏa thuận tương tự. Trong khi đó, thuế quan bình quân của Việt Nam với các nước có thỏa thuận MFN là 9,4%.
Cơ hội từ “bộ đệm” cho Việt Nam
Ngày 14/2/2025, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) công bố, trong cuộc gặp và làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Marc E.Knapper, ngài đại sứ khẳng định: “Việc áp thuế trong thời gian qua không nhắm đến Việt Nam. Hoa Kỳ mong muốn duy trì mối quan hệ song phương, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng tích cực”.
Để bảo hộ thương mại nội địa, ông Trump đang “để ý” nhiều hơn đến các quốc gia có thặng dư thương mại cao với Mỹ, bao gồm Trung Quốc, Mexico, EU và Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc, Mexico và EU đều đã nằm trong danh sách thảo luận về bị đánh thuế.
Theo dữ liệu từ WTO, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng gần 18% mỗi năm và tăng 20% trong năm 2024, tương ứng với quy mô 123,5 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico.
Tuy vậy, kể từ khi tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 đến nay, ông Trump chưa có phát biểu công khai nào về việc sẽ áp thuế quan với hàng hóa Việt Nam.
Theo ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2014 - 2018, châu Á vẫn rất quan trọng với Mỹ trong con mắt của ông Trump. Sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2017 - 2021, ông Trump đã đưa chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào thực tế, nhiều khả năng ông sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược này trong nhiệm kỳ 2025 - 2029.
Đặc biệt, trong bối cảnh đan xen câu chuyện cạnh tranh nước lớn nói chung và cạnh tranh Mỹ - Trung nói riêng, Mỹ vẫn cần tranh thủ các đối tác ở khu vực này.
Với Việt Nam, quốc gia hiện là “Đối tác Chiến lược Toàn diện” của Mỹ, suốt hơn 30 năm qua, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều ủng hộ câu chuyện xây đắp và nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ.
“Quan hệ Việt - Mỹ đem lại lợi ích song trùng cho cả hai. Doanh nghiệp Mỹ cũng rất cần làm ăn ở Việt Nam”, vị cựu đại sứ nói và cho biết, ông Trump đã hai lần thăm Việt Nam và lần nào cũng có những đánh giá cao.
Trong một báo cáo mới công bố, Bộ Công thương cho biết, về quan hệ thương mại, Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ; cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp, mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước.
Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ trên thị trường nội địa, mà ngược lại, tạo điều kiện để người tiêu dùng xứ Cờ hoa được sử dụng hàng hóa giá rẻ của Việt Nam.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, rủi ro lớn đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2025 là dòng vốn ngắn hạn gián tiếp nước ngoài có thể rút ròng trong bối cảnh Mỹ có động thái áp dụng chính sách thuế quan thắt chặt với nhiều nước. Tuy nhiên, chính sách thuế quan của Mỹ cũng mang đến cho Việt Nam cơ hội đón nhận sự dịch chuyển chuỗi sản xuất và thương mại từ Trung Quốc.
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã KBC), dù ai là Tổng thống Mỹ thì chính sách của Mỹ cũng sẽ không quá căng thẳng với Việt Nam.
“Dù Việt Nam xuất siêu sang Mỹ rất nhiều, nhưng Mỹ không có biện pháp hạn chế điều này. Trái lại, Mỹ đang coi Việt Nam là đồng minh trong chính sách ngoại giao kinh tế. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng, kinh tế nội địa Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa, doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội này”, ông Tâm nhấn mạnh.
Trong báo cáo nhận định thị trường mới đây, Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Ballad Việt Nam (do SGI Capital quản lý) cho rằng, rủi ro Việt Nam bị áp thuế nhập khẩu vào Mỹ là hiện hữu, nhưng quyết tâm và năng lực ứng phó của Chính phủ (thể hiện ở đà phục hồi kinh tế và quyết tâm đạt mức tăng trưởng trên 8% năm nay), cũng như sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp kinh tế Việt Nam vượt qua các khó khăn và tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới.
TS. Hồ Quốc Tuấn dự báo, giai đoạn đầu của “thương chiến Trump 2.0”, nhiều khả năng ông Trump sẽ “xử lý” các đối thủ cạnh tranh lớn và các đồng minh phương Tây; Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung sẽ trở thành “tấm đệm” trong quá trình đó. Việt Nam có thể hưởng lợi từ tiến trình “câu giờ” này, trước khi chịu ảnh hưởng chính thức.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, mặc dù thương chiến đang tác động mạnh mẽ lên kinh tế toàn cầu, tâm lý nhà đầu tư ít nhiều bị ảnh hưởng (thể hiện ở làn sóng chốt lời ngắn hạn vừa qua, đặc biệt đối với cổ phiếu thép), nhưng thị trường sẽ sớm khởi sắc trở lại.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank dự báo, nửa đầu năm 2025, yếu tố thuế quan và tỷ giá có thể khiến VN-Index gặp khó khăn với ngưỡng 1.300 điểm, có khả năng lặp lại kịch bản của năm 2024 khi chỉ số vượt qua 1.300 điểm trong thời gian ngắn nhưng sau đó điều chỉnh. Tuy nhiên, thị trường có thể khởi sắc sau quý III và bứt lên vào cuối năm, với nhiều yếu tố hỗ trợ như lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có triển vọng đạt mức tăng trưởng 22%. Do vậy, chiến lược thích hợp trong 6 tháng đầu năm nay là “giao dịch trong biên”, cổ phiếu chạm nền cao thì chốt lời và canh mua trở lại trong vùng điều chỉnh.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thue-cua-ong-trump-co-dang-ngai-post363472.html