Thuế đang chiếm gần 30% trong cơ cấu giá xăng dầu

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, khi 'mổ xẻ' các yếu tố cấu thành giá thì giá xăng dầu thế giới hiện nay chiếm khoảng 65-77% so với giá trong nước, còn yếu tố chi phí, thuế chiếm khoảng 12-29% trong giá xăng dầu.

Kỳ vọng bước chuyển trong hoạt động kinh doanh xăng dầu

Hiện nay Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Tài chính, đang xây dựng dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014 và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 đã được ban hành trước đó nhằm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách cho sự phát triển ổn định, hiệu quả của thị trường xăng dầu.

Tại tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả" ngày 30/7, phân tích những nguyên nhân tác động giá xăng dầu, ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chỉ ra có nhiều nguyên nhân. Trong đó, giá xăng dầu thế giới hiện nay chiếm khoảng 65-77%.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Phạm Văn Bình (Ảnh: VGP).

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Phạm Văn Bình (Ảnh: VGP).

"Khi mổ xẻ các yếu tố cấu thành giá, ta thấy giá xăng dầu thế giới hiện nay chiếm khoảng 65-77% so với giá xăng dầu trong nước, tùy theo mặt hàng xăng dầu. Về yếu tố chi phí, thuế chiếm khoảng 12-29% trong giá xăng dầu.

Đối với chi phí kinh doanh định mức được xác định trên cơ sở báo cáo kiểm toán kinh doanh xăng dầu cũng như các báo cáo thống kê chi phí thực tế tại doanh nghiệp. Hiện nay, chi phí định mức dao động từ 7,5-11% của giá xăng dầu", ông Bình nêu.

"Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng một nghị định để thay thế cho nghị định xăng dầu hiện nay. Với nội dung đang nghiên cứu và chúng tôi hy vọng sẽ có những bước chuyển biến trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, hướng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu phù hợp điều kiện thực tế hiện nay", ông Bình chia sẻ.

Cần sử dụng công cụ "sức mạnh" của thị trường

Trong buổi tọa đàm, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội cho rằng, xăng dầu là một mặt hàng mang tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sản xuất.

Đây cũng là mặt hàng rất nhạy cảm, thường xuyên biến động. Nhạy cảm vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Chính trị thế giới biến động, chiến tranh, mâu thuẫn địa chính trị xảy ra, diễn biến kinh tế thế giới, thậm chí cả vấn đề thiên tai cũng có thể ảnh hưởng đến giá dầu.

ĐBQH Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội (Ảnh: VGP).

ĐBQH Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội (Ảnh: VGP).

Ở Việt Nam, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để điều hành và bình ổn giá xăng dầu. Công cụ đầu tiên là điều hành thông qua giá cơ sở, giá bán ra trên thị trường phải dựa trên mức giá cơ sở và do Nhà nước điều hành. Công cụ thứ hai là thuế và công cụ thứ ba là bình ổn giá bằng việc trích lập Quỹ bình ổn.

Đánh giá về việc điều hành giá xăng dầu, ông Hoàng Văn Cường nhận xét Nhà nước có vai trò lớn trong việc điều hành giá xăng dầu, những chính sách mang lại kết quả tích cực, không tạo ra bất thường về giá xăng dầu.

Tuy nhiên, cũng đánh giá về mặt hạn chế, ông Cường cho rằng mặc dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá nhưng giá vẫn phải theo những biến động bất thường của thế giới.

Điểm thứ hai là vẫn mang tính chất mệnh lệnh hành chính khi doanh nghiệp phải bán mức giá Nhà nước áp. Điều này không bảo đảm về mặt lợi nhuận do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều này dẫn đến doanh nghiệp sẽ tìm biện pháp để lảng tránh, ví dụ như thông báo hết xăng dầu, không bán được.

"Đối với công cụ về thuế hay sử dụng công cụ trích Quỹ bình ổn, thực chất chúng ta dùng chính nguồn lực của ngân sách hoặc nguồn lực của người dân để tạo ra bình ổn giá chứ chúng ta chưa sử dụng công cụ sức mạnh của thị trường", ông Cường nói thêm.

Công cụ thị trường có thể sử dụng để tạo ra bình ổn giá kể cả khi giá thế giới biến động bất thường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc sửa đổi chính sách quản lý trong thời gian tới phải hướng vào thay đổi cơ chế quản lý hành chính Nhà nước sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết.

Công cụ thị trường có thể sử dụng để tạo ra bình ổn giá kể cả khi giá thế giới biến động bất thường. Xăng dầu sản xuất trong nước có nguồn khá lớn (chiếm 70%), không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và không hoàn toàn bị động.

"Từ việc dựa vào công cụ thị trường, giá kinh doanh như thế nào cũng phải để cho các doanh nghiệp tự do xác định giá để có tính cạnh tranh. Nhà nước không nên can thiệp nhưng có thể điều tiết bằng hai công cụ thuế là thuế nhập khẩu và thuế thu nhập", ông Cường nói.

Thanh Loan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thue-dang-chiem-gan-30-trong-co-cau-gia-xang-dau-204240730152210336.htm