Thuế đối ứng Mỹ - Trung cắt giảm sâu trong 90 ngày tới

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jermieson Greer ngày 12.5 họp báo công bố, cuộc đàm phán Mỹ - Trung Quốc tại Thụy Sĩ hai ngày cuối tuần qua đã có tín hiệu tích cực ban đầu.

Ông Jamieson Greer, Đại diện Thương mại Mỹ (trái) và ông Scott Bessent, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, tại họp báo ngày 12.5. Ảnh: Reuters

Ông Jamieson Greer, Đại diện Thương mại Mỹ (trái) và ông Scott Bessent, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, tại họp báo ngày 12.5. Ảnh: Reuters

Một trong những thỏa thuận đạt được tại cuộc họp ở Geneva là “Hai phía sẽ cùng cắt giảm 115% mức thuế (đang áp trên hàng hóa của nhau – PV) trong 90 ngày tới”, ông Scott Bessent nói.

Cụ thể Mỹ cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống 30% trong 90 ngày. Ngược lại, Trung Quốc giảm thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ từ 125% xuống 10% trong 90 ngày.

Ngay sau khi các thông báo trên được công bố, thị trường toàn cầu có phản ứng tích cực khi cổ phiếu toàn cầu tiếp tục tăng, trong khi đồng USD cũng tăng 0,7% so với các đồng tiền tệ khác trong rổ, còn vàng - một tài sản trú ẩn an toàn - giảm 2,3%.

Cả hai phía Mỹ và Trung Quốc đã dấn sâu vào một cuộc thương chiến leo thang kể từ đầu tháng 4.2025 khi tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh cũng áp dụng các biện pháp tăng thuế với hàng của Mỹ để trả đũa.

Việc áp thuế này đã gây thiệt hại khá nghiêm trọng cho thương mại của cả hai bên, và các quan chức Mỹ cũng thừa nhận tình trạng trả đũa thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn thứ nhất thứ hai thế giới sẽ không thể kéo dài.

Vì vậy việc đạt được những thỏa thuận tại Geneva mới chỉ đánh dấu những bước đầu tiên của nỗ lực đàm phán giữa cả hai phía trước khi những thỏa thuận lâu dài được đưa ra, nhưng đây được cho là tín hiệu cho thấy căng thẳg về kinh tế có dấu hiệu hạ nhiệt giữa hai nước.

Ông Scott Bessent nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi muốn có thương mại cân bằng hơn và tôi nghĩ cả hai bên đều cam kết đạt được điều đó. Không bên nào muốn tách bị tách rời”.

Trước cuộc đàm phán, ông Bessent từng cảnh cáo, mức độ đánh thuế qua lại giữa hai nước đã được tính như một cuộc “cấm vận” thương mại hiệu quả. Đại diện các doanh nghiệp của Mỹ gần đây đã thúc giục cả hai phía nên ngồi vào bàn đàm phán, vì đã có nhiều dấu hiệu cho thấy có những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Nhưng cho đến trước khi đại diện hai nước gặp nhau tại Geneva, chưa thấy có dấu hiệu phía nào sẵn sàng thương lượng, trong khi các quan chức Bắc Kinh còn cáo buộc phía Mỹ bắt nạt và thề không đầu hàng.

Các container tại cảng Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc vào ngày 1 5. Ảnh: AFP/Getty Images

Các container tại cảng Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc vào ngày 1 5. Ảnh: AFP/Getty Images

Cuối tuần qua, phía Mỹ đã cử Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jermieson Greer đàm phán với đại diện của phía Trung Quốc do Phó Thủ tướng He Lifeng (Hà Lập Phong) dẫn đầu đến Thụy Sĩ để đàm phán.

Gần đây, Washington đã nhiều lần thúc giục các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc kích thích tiêu dùng trong nước thay vì dựa vào mô hình tăng trưởng do xuất khẩu. Bắc Kinh thì bác bỏ hầu hết những chỉ trích về tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của mình.

Ông Craig Singleton, Giám đốc cấp cao của Chương trình Trung Quốc tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, một nhóm nghiên cứu bảo thủ ở Washington, nhận định: "Sự cạnh tranh vẫn chưa được giải quyết về cơ bản, với cả hai bên đều tìm cách giành lợi thế trong khi tránh né hình ảnh phía mình là nước đầu hàng. Cả hai bên vẫn đang thăm dò tình hình, mỗi bên đều yêu cầu bên kia hành động trước".

Trước đó, hàng loạt các chuyên gia và tổ chức quốc tế đều lo ngại nền kinh tế thế giới sẽ bị sốc nếu Mỹ và Trung Quốc không thỏa đạt được thỏa thuận ngừng thương chiến. Tổ chức Thương mại Thế giới đã cảnh báo vào tháng 4 vừa qua rằng lệnh cấm vận thương mại có hiệu lực giữa Trung Quốc và Mỹ nếu kéo dài, có thể làm giảm thương mại hàng hóa toàn cầu tới 1,5%. Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới xuống còn 2,8% trong năm nay, giảm so với ước tính 3,3% của tháng 1.

Trong khi người tiêu dùng Mỹ có thể phải đối mặt với tình trạng khan hiếm hàng hóa và giá cả tăng cao, thì tại Trung Quốc, lượng hàng hóa dư thừa cần phải được hấp thụ tại Trung Quốc hoặc các nước khác. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm áp lực giảm phát đã ám ảnh nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm.

Ngoài ra, căng thẳng còn gây khó khăn cho nhiều nước có dính líu sâu trong hoạt động thương mại giữa hai cường quốc này.

Lan Chi (tổng hợp từ Nikkei AsiaFinancial Times)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/thue-doi-ung-my-trung-cat-giam-sau-trong-90-ngay-toi-48196.html