Thuế đối ứng và sự khẩn trương của các ông lớn

Nhằm tăng khả năng ứng phó tác động từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, các ông lớn kinh tế đang khẩn trương mở rộng mạng lưới đối tác, tìm kiếm thị trường.

Đã gần hai tuần kể từ khi Tổng thống Donald Trump thông báo tạm hoãn thực thi các mức thuế đối ứng cao hơn mức cơ bản 10% trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia đối tác thương mại không trả đũa Mỹ, dành thời gian cho những cuộc đàm phán.

Riêng Trung Quốc hiện chịu mức thuế lên tới 245%, bao gồm 125% thuế đối ứng, 20% thuế chính quyền ông Trump áp lên Bắc Kinh từ đầu nhiệm kỳ hai, và tối đa 100% thuế (tùy mặt hàng) từ trước đó.

Thời gian đàm phán đang dần trôi, bên cạnh tích cực đàm phán và cân nhắc các tín hiệu từ Mỹ, các nền kinh tế thế giới đang chạy đua tìm kiếm giải pháp ứng phó với tác động từ thuế đối ứng của Mỹ.

 Một tàu container ngoài khơi quận Manhattan, TP New York (Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES

Một tàu container ngoài khơi quận Manhattan, TP New York (Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES

Thuế đã hoãn, nhưng lo ngại vẫn còn

Trong bình luận mới nhất về thuế đối ứng, ông Trump nói rằng các nước muốn đạt thỏa thuận “nhiều hơn cả tôi”. “Chúng tôi đang làm rất tốt trong các cuộc đàm phán với tất cả các quốc gia. Có rất nhiều quốc gia muốn đạt được thỏa thuận. Thẳng thắn mà nói, họ còn muốn có thỏa thuận hơn cả tôi” - ông Trump nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Thủ tướng Ý Giorgia Meloni hôm 17-4.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng lặp lại quan điểm của ông Trump, nhấn mạnh rằng Mỹ gần đây đã có các cuộc trao đổi với Nhật, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và Ấn Độ. “Chúng tôi đang làm việc với 15 nền kinh tế lớn. Trước hết, chúng tôi đã có một cuộc họp tuyệt vời với Nhật vào ngày 16-4. Tôi tin rằng đã có các cuộc điện đàm với EU, rồi Hàn Quốc sẽ đến vào tuần tới, và tôi tin rằng Ấn Độ cũng đang tham gia đàm phán. Mọi việc đang tiến triển rất nhanh” - ông Bessent nói.

Bất chấp sự trấn an từ chính quyền Mỹ, giới quan sát và các tổ chức quốc tế vẫn bày tỏ lo ngại về tác động của thuế đối ứng, Ngày 19-4, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo thuế quan của Mỹ có thể sẽ làm gia tăng lạm phát và giảm tốc tăng trưởng của các nền kinh tế trên toàn cầu trong năm nay.

“Các dự báo tăng trưởng mới của chúng tôi sẽ bao gồm những mức điều chỉnh giảm đáng kể, nhưng không rơi vào suy thoái. Chúng tôi cũng sẽ điều chỉnh tăng dự báo lạm phát đối với một số quốc gia. Chúng tôi cảnh báo rằng tình trạng bất ổn kéo dài ở mức cao làm gia tăng nguy cơ căng thẳng trên thị trường tài chính” - hãng Bloomberg dẫn lời bà Georgieva.

Theo Bloomberg, những đám mây bao phủ nền kinh tế toàn cầu khó có thể tan trong thời gian ngắn. Hiện các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn đang chờ đợi các diễn biến tiếp theo từ thị trường để điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 16-4 nói rằng những thay đổi chính sách lớn của ông Trump, đặc biệt về thuế quan, là điều chưa từng chứng kiến trong lịch sử hiện đại và đang đẩy Fed vào tình thế chưa từng đối mặt. “Đây là những thay đổi chính sách mang tính nền tảng. Chúng ta không có kinh nghiệm hiện đại nào để tham khảo khi đối mặt với điều này” - ông Powell nói.

Giám đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde cũng cho biết bà không thể nói liệu sự không chắc chắn trên thị trường đã đạt đến đỉnh điểm hay chưa. “Bất kỳ tác động giá nào đối với thị trường sẽ chỉ trở nên rõ ràng hơn theo thời gian” - bà Lagarde nói vào tuần trước.

Ngày 21-4, Tổng thống Trump đã gặp gỡ các nhà bán lẻ lớn của Mỹ, gồm Walmart, Home Depot, Lowe's và Target để thảo luận về nguy cơ thuế đối ứng làm tăng chi phí cho hàng hóa mà các công ty này nhập khẩu, theo hãng tin Reuters.

Các ông lớn rục rịch ứng phó

Trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng trên thị trường, các nền kinh lớn đã bắt đầu rục rịch tìm giải pháp ứng phó nếu các mức thuế đối ứng cao của Mỹ có hiệu lực.

Trung Quốc - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 125% thuế đối ứng, nâng tổng số thuế mà Washington áp lên Trung Quốc lên đến 245% (tùy mặt hàng) - đã có những bước đi để mở rộng thị trường sau khi căng thẳng thuế quan leo thang.

Ngày 10-4, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Trung Quốc và EU đã trao đổi quan điểm về việc tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại để ứng phó với thuế quan của Mỹ, theo trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc (mofcom.gov.cn).

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào ngày 9-4 đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Thương mại và An ninh Kinh tế châu Âu Maros Sefcovic. Tại cuộc gọi, hai bên nhất trí nối lại đàm phán về giảm căng thẳng thương mại và bắt đầu trao đổi về vấn đề giá xe điện – lĩnh vực đang gây căng thẳng giữa Bắc Kinh và EU.

Ông Vương nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với EU trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và công nghiệp. Vị bộ trưởng cũng kêu gọi hai bên cùng bảo vệ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và thúc đẩy tự do hóa thương mại, nhằm mang lại sự ổn định cho kinh tế toàn cầu.

 Trung Quốc tìm cách đa dạng hóa mạng lưới đối tác để giảm thiểu tác động của thuế đối ứng từ Mỹ. Ảnh: EPA

Trung Quốc tìm cách đa dạng hóa mạng lưới đối tác để giảm thiểu tác động của thuế đối ứng từ Mỹ. Ảnh: EPA

Ngày 9-4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường quan hệ chiến lược với các nước láng giềng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “quản lý thích hợp” các khác biệt và đẩy mạnh hợp tác trong chuỗi cung ứng, tờ South China Morning Post đưa tin.

Trung Quốc cũng kêu gọi Ấn Độ sát cánh để cùng vượt qua những khó khăn do thuế đối ứng. Các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng đã liên lạc với các quan chức ở Nhật và Hàn Quốc về vấn đề này.

Về phía EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hiện nay nhiều quốc gia đang tìm đến EU như một đối tác đáng tin cậy, không “sáng nắng chiều mưa”. “Trong một môi trường toàn cầu ngày càng khó đoán định, các quốc gia đang xếp hàng để hợp tác với chúng tôi” - bà von der Leyen nói với tờ POLITICO hôm 18-4.

Bộ trưởng Thương mại Thụy Điển Benjamin Dousa cho biết các quốc gia thành viên EU đang có cảm giác cấp bách “phải mở ra các tuyến thương mại mới, phải ký kết các hiệp định thương mại tự do mới”.

Theo POLITICO, trong thời gian qua, EU đã đạt được thỏa thuận thương mại với nhiều đối tác. Brussels đã hoàn tất các cuộc đàm phán kéo dài hàng thập niên với khối thương mại Mercosur (Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay), cũng như với Mexico và Thụy Sĩ. EU cũng đã nối lại đàm phán với Malaysia và mở các cuộc thảo luận với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Bà von der Leyen cam kết sẽ hoàn tất hiệp định thương mại tự do (FTA) khó đạt được với Ấn Độ trong năm nay, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường “hợp tác chặt chẽ hơn” với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

“Chính sách của ông Trump sẽ khiến mọi người đi đến đồng thuận rằng cần phát triển các mối quan hệ thương mại với phần còn lại của thế giới, từ đó gia tăng thêm số lượng các hiệp định thương mại tự do” - theo ông Jean-Luc Demarty, cựu Tổng Giám đốc thương mại của EU.

Mỹ, Trung ra cảnh báo với các nước về thương mại

Ngày 21-4, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố “kiên quyết phản đối” việc các quốc gia khác ký kết thỏa thuận thương mại với Mỹ mà gây tổn hại đến lợi ích của Bắc Kinh, đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả.

Bình luận thông tin rằng chính quyền Tổng thống Trump đang chuẩn bị gây sức ép buộc các nước hạn chế thương mại với Trung Quốc để đổi lấy việc được miễn trừ thuế từ Mỹ, Bắc Kinh cho biết sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả theo cách “kiên quyết và có đi có lại” nếu bất kỳ quốc gia nào theo đuổi những thỏa thuận như vậy.

“Nhượng bộ sẽ không mang lại hòa bình, và sự thỏa hiệp chỉ khiến người khác xem thường” - người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nói.

“Chạy theo lợi ích riêng bằng cách làm tổn hại nước khác chẳng khác nào tìm cách lột da hổ” - người phát ngôn nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 9-4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo sẽ “phản tác dụng” nếu các nước muốn đàm phán thuế đối ứng với Mỹ nhưng có các động thái liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc, theo Reuters.

Đề cập bình luận từ một quan chức cấp cao của chính phủ Tây Ban Nha rằng châu Âu nên liên kết chặt chẽ hơn với Bắc Kinh, ông Bessent nói: “Điều đó chẳng khác nào tự cắt cổ mình”.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/thue-doi-ung-va-su-khan-truong-cua-cac-ong-lon-post845882.html