Thuế môi trường giảm mạnh, vì sao xăng dầu chỉ giảm hơn 1.000 đồng/lít?

Từ ngày 1/4, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ được giảm 2.000 đồng/lít/kg. Tuy nhiên, giá xăng dầu thế giới tăng cao khiến giá bán lẻ mặt hàng này trong nước chỉ giảm được hơn 1.000 đồng/lít.

Xăng giảm nhưng dầu tăng mạnh

Theo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn chính thức có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/4, 18/2022/UBTVQH15, thuế bảo vệ môi trường đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giảm từ 700-2.000 đồng/lít/kg (tùy loại) do đó trong kỳ điều chỉnh xăng dầu theo chu kỳ, thay vì 15h00 như thông thường, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh từ 0 giờ ngày hôm nay 1/4.

Cụ thể, trong kỳ điều chỉnh này, nhà điều hành đã giảm giá xăng E5RON92 1.021 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 1.039 đồng/lít. Tuy nhiên trong chiều ngược lại, dầu diesel 0.05S tăng 1.447 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.519 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 506 đồng/kg.

Biến động giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới 21/3/2022 – 1/4/2022.

Cũng trong kỳ điều hành này, nhà điều hành đã trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít và RON95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel ở mức 100 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazut không trích lập. Cùng với đó là thực hiện chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu hỏa ở mức 500 đồng/lít (kỳ trước không chi) và không chi Quỹ BOG xăng dầu đối các mặt hàng xăng dầu khác.

Nhiều doanh nghiệp thất vọng

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, tỏ ra khá thất vọng khi “giá xăng giảm nhỏ giọt mà giá dầu tăng phi mã”.

“Doanh nghiệp vận tải như chúng tôi hy vọng giá xăng, dầu sẽ giảm mạnh sau khi giảm thuế môi trường. Với mức giảm chỉ hơn 1.000 đồng một lít với xăng nhưng lại tăng tới 1.447 đồng với dầu diesel thì áp lực vẫn đè nặng, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn sẽ tiếp tục khó khăn”, ông Hải nói.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, cũng lo lắng không kém khi giá xăng dầu vẫn ở mức cao. “Xe nằm bãi nhiều hơn xe chạy. Tới đây nếu như giá xăng, dầu vẫn giữ mức cao như hiện nay thì chúng tôi sẽ tiếp tục phải cắt giảm chuyến, tuyến hoặc phải tạm dừng hoạt động. Doanh nghiệp không đủ sức mà cầm cự nữa” ông Bằng nói.

Giá xăng dầu đang ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi của các doanh nghiệp vận tải.

Ngành hàng không cũng lâm vào tình trạng khó khăn vì giá nhiên liệu leo thang. Vietnam Airlines tính toán nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí của hãng ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng; nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỷ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến trong năm 2022.

Với vận tải biển, giá cước vận tải biển đi các chặng Mỹ, châu Âu tăng lại từ đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới (hiện tăng từ 800-1.000 USD cho mỗi container 20 feet) khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam loay hoay chống đỡ.

Chia sẻ tại chương trình “cà phê sáng cùng HLA” mới đây, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã bày tỏ những khó khăn, đề ra các giải pháp để thích ứng biến động giá nhiên liệu. Theo ông Dương Ngọc Trung, Phó Tổng giám đốc SDS - MP Logistics, giá xăng dầu đã tăng 30% so với năm ngoái, mặt bằng chung cước vận chuyển tăng 5 - 10% khiến doanh nghiệp kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Vì sao xăng dầu khó giảm sâu?

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá việc giá xăng dầu đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, giúp giảm áp lực lạm phát và hỗ trợ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp.

"Tuy nhiên, với việc giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu ở mức cố định chưa thực sự linh hoạt bởi thị trường xăng dầu thế giới vẫn còn nhiều bất ổn như áp lực lạm phát thế giới tăng, cuộc chiến ở Ukraine có khả năng kéo dài với những biện pháp trừng phạt và đối phó của Nga thì giá dầu vẫn có khả năng tăng cao", ông nói.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu ở mức cố định chưa thực sự linh hoạt bởi thị trường xăng dầu thế giới vẫn còn nhiều bất ổn.

Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).

Trong điều kiện đó, chuyên gia này cho rằng nếu giảm thêm 10% thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ thể hiện tính linh hoạt hơn so với mức giảm cố định 2.000 đồng/lít xăng và phản ánh đúng sự biến động giá cả của thị trường xăng dầu thế giới.

Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh cơ quan Nhà nước vẫn cần ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc giảm áp lực lạm phát năm nay mặc dù chỉ số lạm phát 3 tháng đầu năm không quá tạo ra áp lực, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong nước chưa cao.

"Với kết quả kinh tế quý I có thể tạm yên tâm về áp lực lạm phát cuối năm nhưng nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn. Nếu Chính phủ không quyết tâm và có các giải pháp linh hoạt trong việc điều tiết các mặt hàng chiến lược ảnh hưởng đến chi phí đầu vào sản xuất có thể gây áp lực lên lạm phát", ông nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường từng đề nghị Chính phủ cân nhắc khả năng điều hành giảm thuế nhập khẩu (MFN) của mặt hàng xăng như một biện pháp bổ sung để can thiệp trong trường hợp giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục có biến động.

Trên cơ sở đánh giá tình hình nhập khẩu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc, Singapore, khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước và biến động về giá trên thị trường thế giới, Chính phủ tính toán mức độ giảm thuế nhập khẩu MFN một cách phù hợp để có thể điều chỉnh trong trường hợp cần thiết nhằm đa dạng hóa nguồn cung.

Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, nếu giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng thì sẽ phải tính giảm thêm các công cụ thuế, phí khác và kết hợp các chính sách an sinh, xã hội...

Theo dữ liệu từ Trading Economics, thời điểm 11h giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc vì Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh xả hàng dự trữ 1 triệu thùng dầu. Hiện giá hai loại dầu WTI đã xuống dưới mức 100 USD/thùng. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 0,6% còn 99,7 USD/thùng. Dầu Brent giảm 104,4 USD/thùng, tương đương 3,57%.

Hà Lan

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thue-moi-truong-giam-manh-vi-sao-xang-dau-chi-giam-hon-1000-donglit-65688.html