Thuế quan của Mỹ đặt ECB vào thế khó

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang chuẩn bị đối mặt với những bất ổn kinh tế mới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến áp đặt một loạt thuế quan mới.

Trụ sở ECB tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở ECB tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 2/4, Mỹ dự kiến công bố đợt thuế quan đối ứng mới, một phần trong chiến lược của ông Trump nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ. Dù phạm vi và mức thuế cụ thể chưa rõ ràng, nhưng nhiều đồn đoán cho rằng Nhà Trắng có thể áp thuế lên tới 25% đối với hàng hóa châu Âu. Mức thuế này sẽ bổ sung vào các loại thuế đã có trước đó đối với ô tô và linh kiện, vốn đã khiến chi phí xuất khẩu ô tô tăng tới 50%.

Tác động tiềm tàng mạnh mẽ

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, năm 2024, EU đã xuất khẩu 382 tỷ euro (413,2 tỷ USD) hàng hóa sang Mỹ, trong đó 46,3 tỷ euro đến từ ô tô, xe máy và linh kiện.

Với việc Mỹ chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU, khối này đặc biệt dễ bị tổn thương trước căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương. Theo ước tính mà Chủ tịch ECB Christine Lagarde dẫn lại, nếu Mỹ áp thuế 25%, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể giảm 0,5 điểm phần trăm và lạm phát tăng ở mức tương tự trong năm đầu tiên, với giả định EU cũng đáp trả bằng các biện pháp tương ứng.

Bài toán khó cho ECB

Điều này đặt ra một bài toán kinh điển về chính sách: thuế quan vừa tạo ra cú sốc nguồn cung (do làm tăng giá nhập khẩu), vừa tác động đến nhu cầu (do làm giảm niềm tin và thu nhập khả dụng).

Các nhà hoạch định chính sách của ECB đang đối mặt với nghịch lý: nên hỗ trợ tăng trưởng bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ hay kiềm chế cú sốc lạm phát mà thuế quan có thể gây ra?

Theo chuyên gia Sven Jari Stehn tại ngân hàng Goldman Sachs, câu trả lời phụ thuộc vào kỳ vọng lạm phát. Ông cho rằng: “Ước tính của chúng tôi cho thấy thuế quan của Mỹ sẽ có tác động tiêu cực đáng kể đến tăng trưởng nhưng chỉ ảnh hưởng nhẹ và tạm thời đến lạm phát”.

Theo lý thuyết chính sách tiền tệ tiêu chuẩn, ECB có thể giảm lãi suất miễn là kỳ vọng lạm phát dài hạn vẫn ổn định. Các mô hình của Goldman Sachs cho thấy trong kịch bản này, ECB nên “bỏ qua” đợt tăng lạm phát ngắn hạn và tiếp tục hạ lãi suất.

Goldman Sachs dự đoán ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 4/2025, sau đó giảm tiếp xuống 2% vào tháng 6/2025.

Rủi ro lạm phát kéo dài

Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi nếu đợt tăng lạm phát ban đầu tác động đến kỳ vọng dài hạn. Nếu doanh nghiệp và người lao động bắt đầu điều chỉnh mức lương và giá cả theo dự báo lạm phát cao hơn, ECB có thể buộc phải hành động để ngăn lạm phát kéo dài.

Chuyên gia Stehn nhận định: “Nếu điều này xảy ra, chính sách tối ưu có thể phải thắt chặt tiền tệ hơn. ECB khi đó không thể lo ngại về tác động của thuế quan đối với tăng trưởng, mà cần tập trung vào kiểm soát lạm phát”.

Dù vậy, ông cũng lưu ý rằng tác động vòng hai này cần phải rất mạnh – tức là làm kỳ vọng lạm phát dài hạn tăng mạnh trên diện rộng – thì mới đủ cơ sở để ECB thay đổi hướng đi chính sách tiền tệ. Hiện tại, Goldman Sachs đánh giá rằng xu hướng tiền lương và kỳ vọng lạm phát vẫn đủ ổn định để ECB cân nhắc giảm lãi suất.

Ông Ruben Segura-Cayuela, chuyên gia kinh tế tại Bank of America, cũng dự báo ECB có thể giảm lãi suất, nhưng với tốc độ thận trọng hơn. Ông cho rằng khả năng Mỹ áp thuế 20% đối với hàng nhập khẩu từ EU là điều không thể loại trừ, như một số quan chức EU lo ngại.

Theo ước tính của ông, động thái này có thể khiến GDP của Eurozone giảm 0,25 điểm phần trăm trong một năm, với tổn thất lớn hơn nếu EU trả đũa. Chuyên gia Segura-Cayuela nhận định EU có thể sẽ đáp trả, nhưng cảnh báo rằng căng thẳng có thể leo thang ngoài phạm vi hàng hóa. Theo ông, EU có thể nhắm đến lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong các biện pháp đáp trả. Ông nói: “Nếu Mỹ đưa ra mức thuế quá cao ngay từ đầu, căng thẳng có thể lan sang cả lĩnh vực dịch vụ của Mỹ, không chỉ dừng lại ở thuế quan đối với hàng hóa”.

Việc nhắm đến lĩnh vực dịch vụ có thể là chiến lược hợp lý của EU nếu giúp bảo vệ các ngành kinh tế nhạy cảm hơn.

Bank of America giữ quan điểm rằng ECB sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu vào tháng 4/2025, sau đó đưa lãi suất tiền gửi xuống 1,5% vào tháng Chín, dù khả năng trì hoãn đến tháng 12 vẫn có thể xảy ra.

Minh Trang (Theo Euronews)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thue-quan-cua-my-dat-ecb-vao-the-kho/368335.html