Thuế quan đối ứng của Mỹ: Cách tính và lý lẽ

Thuế quan về cơ bản là một loại thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Thông thường, nó được tính bằng một tỷ lệ phần trăm trên giá trị sản phẩm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng, ngày 2/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng, ngày 2/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Rạng sáng ngày 3/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố áp dụng mức thuế quan đối ứng mới, trong đó có mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ. Một số quốc gia bị áp thuế cao hơn, lên đến 50%, tùy thuộc vào mức độ thâm hụt thương mại của Mỹ với nước đó.

Cùng tìm hiểu cách thức đánh thuế, lý do đằng sau và phản ứng của thế giới đối với động thái thuế quan mới nhất này của Mỹ.

Các loại thuế mới được Mỹ áp dụng

Thuế quan về cơ bản là một loại thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Thông thường, nó được tính bằng một tỷ lệ phần trăm trên giá trị sản phẩm. Ví dụ, mức thuế 25% trên một sản phẩm trị giá 10 USD sẽ làm tăng giá sản phẩm thêm 2,5 USD. Công ty nhập khẩu hàng hóa phải nộp khoản thuế này cho chính phủ, và họ có thể chuyển một phần hoặc toàn bộ chi phí này sang người tiêu dùng.

Trong đợt công bố thuế quan mới nhất, ông Trump đã đưa ra:

1.Thuế cơ bản 10%: Mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ chịu mức thuế tối thiểu 10%, có hiệu lực từ ngày 5/4/2025.

2. Thuế đối ứng: Mức thuế này nhắm vào các quốc gia cụ thể, được cho là để đáp trả những rào cản thương mại mà các nước này áp lên hàng Mỹ. Cụ thể: Vương quốc Anh, Brazil, Singapore sẽ chịu mức thuế 10%. Liên minh châu Âu (EU), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu mức thuế 20-26%. Mức thuế đối với Trung Quốc và Việt Nam lần lượt là 34% và 46%. Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan bị áp thuế 36%, tiếp theo là Indonesia 32%, Philippines 17%. Các mức thuế cao hơn này bắt đầu có hiệu lực từ 00 giờ 01 phút ngày 9/4 (giờ địa phương).

3. Thuế 25% đối với ô tô: Áp dụng cho tất cả ô tô sản xuất ở nước ngoài nhập vào Mỹ, có hiệu lực từ nửa đêm ngày 3/4 (giờ địa phương). Thuế đối với linh kiện ô tô dự kiến sẽ áp dụng sau, có thể vào tháng 5/2025.

4. Các thuế khác đã công bố trước đó: Bao gồm thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, tăng thuế lên 20% đối với hàng Trung Quốc, 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada, và 10% đối với năng lượng nhập khẩu từ Canada.

Quang cảnh cảng hàng hóa tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Quang cảnh cảng hàng hóa tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cách tính thuế đối ứng của Mỹ như thế nào?

Ban đầu, ông Trump tuyên bố mức thuế đối ứng cho mỗi quốc gia sẽ dựa trên "tỷ lệ kết hợp của tất cả các loại thuế quan, rào cản phi tiền tệ và các hình thức gian lận khác" của quốc gia đó. Tuy nhiên, các rào cản phi tiền tệ (như luật lệ, chính sách khó định lượng), do đó rất khó để tính toán chính xác.

Sau đó, một phương pháp tính toán cụ thể hơn đã được hé lộ và xác nhận bởi Nhà Trắng: Lấy thâm hụt thương mại mà Mỹ có với một quốc gia, chia con số đó cho tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia đó vào Mỹ. Kết quả thu được sau đó sẽ được chia đôi và đó sẽ là mức thuế được áp dụng.

Công thức này về cơ bản dựa trên mức độ mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và đối tác. Nhà Trắng cho rằng thâm hụt thương mại là tổng hợp của các hành vi thương mại không công bằng và "gian lận" của quốc gia đối tác. Các chuyên gia nhận định rằng đây là một cách "ước tính gần đúng", phù hợp với mục tiêu chính sách và cho phép chính quyền nhanh chóng đưa ra các mức thuế.

Lý do Mỹ áp thuế

Chính quyền Tổng thống Trump đưa ra ba lý do chính cho chính sách thuế quan mới:

-Bảo vệ ngành sản xuất trong nước: Tổng thống Trump khẳng định chính sách này giúp thúc đẩy tiêu dùng hàng nội địa, bảo vệ việc làm và giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.

-Giảm thâm hụt thương mại: Mỹ muốn thu hẹp khoảng cách giữa giá trị hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu. Ông Trump coi thâm hụt thương mại lớn (ví dụ, 213 tỷ USD với EU năm 2024) là bằng chứng cho thấy Mỹ đang bị các quốc gia khác "lợi dụng". Ông cho rằng mức thuế Mỹ áp đặt chỉ là để đáp trả lại các loại thuế và rào cản mà những nước khác đã dựng lên đối với hàng hóa Mỹ, dù ông lập luận rằng thuế của Mỹ còn thấp hơn.

-Tạo đòn bẩy trong các vấn đề khác: Ông cũng sử dụng thuế quan như một công cụ để gây áp lực buộc Trung Quốc, Mexico và Canada phải hành động nhiều hơn trong việc ngăn chặn dòng người di cư và ma túy vào Mỹ.

Bia được bày bán tại siêu thị ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Bia được bày bán tại siêu thị ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Phản ứng từ các quốc gia

Các đối tác thương mại lớn của Mỹ đã có những phản ứng mạnh mẽ trước quyết định áp thuế mới. Trung Quốc đã ngay lập tức đáp trả bằng cách áp thuế từ 10-15% đối với hàng nông sản Mỹ, đồng thời nhắm vào các ngành hàng không, quốc phòng và công nghệ.

EU cũng không đứng ngoài cuộc, áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ trị giá 26 tỷ euro, trong đó bao gồm thép, nhôm, xe máy và rượu bourbon. Canada đã công bố mức thuế 25% đối với thép, nhôm và một số hàng hóa khác nhập khẩu từ Mỹ, trong khi Mexico vẫn đang trì hoãn áp thuế trả đũa để tiếp tục đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump. Những động thái này làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu, có thể gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới.

Tại Mỹ, các nhà phân tích cảnh báo thuế quan mới có thể khiến giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng. Đặc biệt, ngành công nghiệp ô tô có thể chịu tác động nặng nề khi giá xe nhập khẩu có nguy cơ tăng từ 4.000-10.000 USD do chi phí linh kiện và thuế nhập khẩu cao hơn. Ngoài ra, hàng điện tử cũng có thể trở nên đắt đỏ hơn khi linh kiện nhập khẩu từ châu Á bị đánh thuế.

Người tiêu dùng Mỹ cũng có thể phải trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm, bao gồm rượu, xi-rô phong, trái cây và nhiên liệu, do các đối tác thương mại như Canada và Mexico áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến sức mua của người dân và tạo ra các tác động không mong muốn đối với nền kinh tế trong nước.

Những diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào khả năng đàm phán giữa Mỹ và các đối tác để tránh leo thang căng thẳng.

Minh Trang (Theo BBC, New York Times)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thue-quan-doi-ung-cua-my-cach-tinh-va-ly-le/368715.html