Thuế quan phủ bóng, giá dầu mất đà hồi phục
Lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU khiến thị trường dầu thiếu động lực tăng, giá dầu giảm nhẹ trong phiên 22/7.
Giá dầu Brent giao dịch trên thị trường thế giới lúc 10h (giờ Việt Nam) ngày 22/7 ghi nhận giảm 0,78% so với tham chiếu, còn 68,67 USD/thùng; giá dầu WTI cũng giảm 0,79%, đạt 65,42 USD/thùng.

Giá dầu Brent giao dịch trên thị trường thế giới phiên 21/7. Nguồn: Investing.com

Giá dầu WTI giao dịch trên thị trường thế giới phiên 21/7. Nguồn: Investing.com
Theo Reuters, nhà đầu tư ngày càng lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh chính sách thương mại của Mỹ thay đổi. Chuyên gia phân tích thị trường Tony Sycamore của công ty IG nhận định trong một bản ghi chú: “Giá dầu giảm do lo ngại chiến tranh thương mại, làm lu mờ tác động hỗ trợ khi đồng USD suy yếu”.
Ông Tony Sycamore cũng cảnh báo khả năng leo thang tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu liên quan đến thuế quan. Reuters dẫn thông tin, theo các nhà ngoại giao EU, khối này đang xem xét một loạt các biện pháp trả đũa rộng hơn đối với Mỹ khi triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại với Washington ngày càng mờ nhạt. Mỹ đã đe dọa sẽ áp mức thuế 30% lên hàng nhập khẩu EU từ ngày 1/8 nếu hai bên không đạt được thỏa thuận.
Ngoài ra, một số dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu đang gia tăng trở lại khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh nới lỏng cắt giảm sản lượng. Lượng xuất khẩu dầu thô của Arab Saudi trong tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất trong ba tháng qua, theo dữ liệu từ Sáng kiến Dữ liệu của các Tổ chức Chung (JODI) công bố hôm 21/7.
Trong khi đó, theo trang tin Trading Economics, thị trường phần lớn phớt lờ lệnh trừng phạt mới nhất của châu Âu đối với năng lượng Nga, vốn được cho sẽ có tác động hạn chế đến nguồn cung toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 18/7 đã thông qua gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga liên quan đến xung đột ở Ukraine, bao gồm việc nhắm vào Nayara Energy của Ấn Độ – một doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm dầu được tinh chế từ dầu thô Nga.
Ở một diễn biến khác, Iran hôm 21/7 thông báo sẽ nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với các cường quốc châu Âu trong tuần này nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tránh nguy cơ bị tái áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế.
Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thue-quan-phu-bong-gia-dau-mat-da-hoi-phuc-44055.html