Thuế quan sắp 'ngã ngũ', triển vọng nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế đối ứng ra sao?
Chứng khoán BSC điều chỉnh giảm kỳ vọng tăng trưởng đối với các nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp gồm từ - 13% đến -23% so với dự phóng gần nhất và duy trì dự phóng với các nhóm ngành chịu tác động gián tiếp và có độ trễ như tiêu dùng, bán lẻ...

Ảnh minh họa.
Chứng khoán BSC vừa có cập nhật triển vọng nhóm xuất khẩu, logistics, bán lẻ trước đó bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan đối ứng do Mỹ đưa ra.
Theo đó, BSC cho rằng trong bối cảnh này một số tín hiệu tích cực đến từ nội lực, Chính phủ nỗ lực đàm phán và thúc đẩy cân bằng thương mại và đàm phán giữa Mỹ - Trung đã đạt được thỏa thuận tạm thời nhằm giảm căng thẳng chiến tranh thương mại, vốn leo thang sau khi Mỹ áp thuế 145% và Trung Quốc đáp trả với mức thuế 125% lên hàng hóa của nhau.
Trước những thông tin ban đầu của chính sách thuế quan, BSC tiến hành điều chỉnh giảm kỳ vọng tăng trưởng đối với các nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp gồm từ - 13% đến -23% so với dự phóng gần nhất và duy trì dự phóng với các nhóm ngành chịu tác động gián tiếp và có độ trễ như tiêu dùng, bán lẻ.
Sau thông tin liên quan đến thuế đối ứng công bố ngày 2/4/2025 và hoãn lại vào ngày 9/4/2025; Quan hệ Mỹ - Trung đang dần hạ nhiệt nhờ những bước tiến đáng kể trong cuộc đàm phán thương mại mới nhất tại Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 11-12/5/2025 và Việt Nam đang chờ đợi các thông tin đàm phán chính thức
Do đó, hiệu suất cổ phiếu trong nhóm Xuất nhập khẩu - Logistics và Tiêu dùng bán lẻ đã và đang có sự phân hóa rõ nét gồm nhóm chịu rủi ro trực tiếp xuất khẩu giảm mạnh và nhóm chịu rủi ro gián tiếp và có câu chuyện tăng trưởng bán lẻ, vận tải biển tăng mạnh so với Vn-Index ghi nhận phục hồi lần lượt +16% sau khi hoãn thuế và - 4% so với trước khi bị áp thế.
BSC đưa ra quan điểm đầu tư tiếp tục theo hướng chọn lọc cổ phiếu có kèm theo điều kiện về mức độ e ngại rủi ro, như sau: Với nhóm ưa mạo hiểm, chiến lược đầu tư ưu tiên cổ phiếu đầu ngành xuất khẩu với giá cổ phiếu đã chiết khấu đủ hấp dẫn và chờ đợi các thông tin về đàm phán thuế quan đối ứng: TNG, MSH, VHC, PTB, GMD, PVT và thông tin về sửa đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng: PNJ.
Chiến lược đầu tư vào cổ phiếu có “ câu chuyện riêng lẻ” và chịu ảnh hưởng gián tiếp của áp lực thuế quan: Công nghệ như FPT, ELC và Bán lẻ như MWG, FRT.
Với nhóm thủy sản, BSC duy trì quan điểm trung lập chủ yếu do sản lượng xuất khẩu Q1/2025 thấp hơn kỳ vọng và ước tính lợi nhuận giảm 13% do tác động của thuế đối ứng. Tuy nhiên, định giá hiện tại của các doanh nghiệp cá tra (sau khi điều chỉnh dự phóng -13%) là không quá cao PE FW 2025 = 8 lần tương tương trung bình 5 năm.
Mức thuế thực tế sẽ thấp hơn nhiều so với mức thuế 46% công bố hồi đầu tháng tháng 4 do tình hình căng thẳng thương mại hiện tại đã phần nào hạ nhiệt đáng kể. Trong trường hợp, thuế quan cho Việt Nam từ 20% trở lên sẽ xem xét hạ khuyến nghị đối với ngành thủy sản.
BSC cho rằng kết quả kinh doanh 2025 của nhóm cá tra xuất khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu đi Mỹ sẽ đi ngang cho đến giảm trước ảnh hưởng của thuế đối ứng của Mỹ.
Với dệt may, BSC hạ khuyến nghị của nhóm may mặc từ khả quan xuống trung lập do lượng đơn hàng cuối năm 2025 còn bất định do các đối tác lo ngại về tình hình thuế quan và biên lợi nhuận giảm do các doanh nghiệp may phải chia sẻ phần thuế tăng thêm với kế hoạch từ 1-2% tùy theo kịch bản thuế đối ứng.
Tuy nhiên, định giá hiện tại của các doanh nghiệp may mặc đã được chiết khấu khá mạnh về mức PE FW 2025 = 6-7 lần (đã điều chỉnh dự phóng -15%) tương đương trung bình giai đoạn trước khi mở rộng công suất của cả TNG và MSH, thông tin thuế quan đã được phản ánh hết trong đợt giảm trước đó và tiềm năng tăng giá sẽ phụ thuộc vào mức thuế đàm phán mới của Việt Nam và Mỹ.
BSC cho rằng kết quả kinh doanh của nhóm may mặc xuất khẩu sẽ chủ yếu từ đi ngang đến giảm trong 2025 do lượng đơn hàng kỳ vọng giảm trong 2025 đặc biệt trong nửa cuối năm 2025 do nhu cầu tiêu dùng giảm khi các nhãn hàng sẽ chuyển một phần mức thuế phải chịu sang cho người tiêu dùng, chỉ số tự tin người tiêu dùng tại Mỹ tháng 4 = 52,2 cũng ghi nhận giảm mạnh 20 điểm so với thời điểm đầu năm.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đối với những doanh nghiệp có độ đa dạng khách hàng như TNG (26% Mỹ, 60% EU) sẽ ít hơn so với các doanh nghiệp có độ phụ thuộc mạnh vào thị trường Mỹ như MSH (73% Mỹ) và STK(~70% Mỹ).
Biên lợi nhuận từ đi ngang hoặc giảm so với cùng kỳ do các doanh nghiệp may mặc phải chia sẻ 1-2% phần thuế tăng thêm với khách hàng tùy theo kịch bản thuế quan. Tuy nhiên, phần thuế chia sẻ với khách hàng sẽ được bù đắp một phần bới năng suất lao động cao, tự động hóa và ứng dụng công nghệ trong quản lý, sản xuất.