Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/5
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/5 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu NKG
CTCK BIDV (BSC)
Kết thúc quý I/2025, Thép Nam Kim (NKG – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.090 tỷ đồng (giảm 23% so với cùng kỳ, giảm 8% so với quý trước), lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số đạt 65 tỷ đồng (giảm 56% so với cùng kỳ, giảm 64% so với quý trước).
Điểm đáng chú ý, sản lượng xuất khẩu giảm mạnh hơn so với kỳ vọng của BSC (giảm 19% so với quý trước) và sản lượng tiêu thụ nội địa không thể bù đắp cho sản lượng xuất khẩu thiếu hụt. Sản lượng xuất khẩu bắt đầu gặp khó từ quý III/2024 và có thể vẫn tiếp tục giảm trong thời gian tới do Mỹ, và EU áp thuế chống bán phá giá.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp đang trong xu hướng giảm và mạnh hơn so với kỳ vọng của BSC do sản lượng giảm và xuất khẩu vào các thị trường ít lợi thế hơn.
Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 13.000 đồng/CP.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CTG
CTCK Vietcombank (VCBS)
Chúng tôi ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2025 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã CTG – sàn HOSE) đạt 36.982 tỷ đồng (tăng 16,4% so với năm trước), tương đương EPS đạt 5.484 đồng/cổ phiếu và BVPS đạt 32.963 đồng/cổ phiếu. Theo đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG và nâng mức giá mục tiêu lên 47.394 đồng/cổ phiếu.
Luận điểm đầu tư: Tăng trưởng tín dụng tương đương mức trung bình ngành: CTG đã đẩy mạnh giải ngân ngay từ đầu năm nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 16,9% cho năm 2025 với động lực tiếp tục đến từ sự phục hồi tốt của phân khúc bán lẻ.
NIM kỳ vọng cải thiện nhẹ: Chúng tôi dự báo NIM bắt đầu đà phục hồi trong H2.2025 với động lực đến từ cả chiều huy động và cho vay. Chi phí vốn duy trì mức thấp nhờ tỷ lệ CASA cải thiện và lãi suất huy động duy trì mức thấp, trong khi dư địa giảm tiếp lãi suất đầu ra không còn nhiều.
Chất lượng tài sản được kiểm soát tốt: Chất lượng tài sản được kỳ vọng tiếp tục cải thiện nhờ nền kinh tế ấm dần lên cùng với sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường bất động sản. Thêm vào đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu của CTG duy trì ổn định ở mức thấp giúp giảm bớt áp lực tăng nợ xấu vào các quý sắp tới. Với chất lượng tài sản ở mức tốt và bộ đệm dự phòng lớn, CTG có đủ dư địa để linh hoạt trong việc trích lập dự phòng để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh đề ra.
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu VPB
CTCK SSI
Với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB – sàn HOSE), NIM ổn định, kiểm soát chi phí hiệu quả. Cụ thể, NIM của VPB trong quý I/2025 đạt 5,75%, duy trì tốt hơn so với kỳ vọng, nhờ quản lý chi phí vốn hiệu quả bất chấp áp lực cạnh tranh gay gắt.
Chất lượng tài sản phân hóa: Một số khoản vay đối với doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu cải thiện về chất lượng tài sản, trong khi mảng cho vay mua nhà vẫn gặp áp lực trong quý I/2025. Ban lãnh đạo kỳ vọng xu hướng phục hồi sẽ dần xuất hiện từ nửa cuối năm 2025.
Chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2025 ở mức 23,8 nghìn tỷ đồng, với giá mục tiêu 21.000 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VPB.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu POW
CTCK Tiên Phong (TPS)
Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - CTCP (POW – sàn HOSE) là 16.079 đồng/CP.
Ngoài ra, cổ phiếu POW cũng hấp dẫn cho năm 2025 nhờ tiềm năng tăng trưởng với Nhơn Trạch 3&4 và nhu cầu điện tăng mạnh năm nay; cổ phiếu trong rổ VN30 với thanh khoản cao nên dễ hưởng lợi từ làn sóng nâng hạng thị trường; mức upside khá hấp dẫn.
Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu POW.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-225-post369744.html