Thuế quan và 'gây áp lực tối đa': Ông Trump tái lập chiến lược cứng rắn

Với chiến lược 'gây áp lực tối đa', Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, đang có xu hướng sử dụng thuế quan làm công cụ ngoại giao để định hình lại các mối quan hệ quốc tế.

Ông Donald Trump phát biểu tại Maryland, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Donald Trump phát biểu tại Maryland, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Wall Street Journal ngày 27/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị khởi động một chiến lược ngoại giao gây tranh cãi, quay trở lại phương thức "gây áp lực tối đa" mà ông đã áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên. Với kế hoạch áp thuế 25% lên hàng hóa của Canada, Mexico và tăng thuế 10% đối với sản phẩm Trung Quốc, ông Trump báo hiệu một giai đoạn mới trong quan hệ quốc tế.

Một cố vấn thân cận của ông Trump tiết lộ: "Toàn bộ thế giới quan của ông ấy là gây áp lực tối đa, đơn giản vậy thôi". Mục tiêu chính của ông Trump là buộc các quốc gia ngăn chặn dòng di cư bất hợp pháp và fentanyl (thuốc giảm đau có nguy cơ gây nghiện) vào Mỹ.

Chiến lược này hoàn toàn khác biệt so với cách tiếp cận ngoại giao của chính quyền Biden, vốn chú trọng xây dựng liên minh và sự đồng thuận. Về phần mình, ông Trump muốn các đối tác phải "sợ hãi" và nhượng bộ thông qua áp lực kinh tế.

Chiến lược này không phải là mới. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp dụng các mức thuế cao đối với thép, nhôm, và hầu hết các sản phẩm từ Trung Quốc. Năm 2018, ông áp thuế 10% với nhôm Trung Quốc, 30% với tấm pin mặt trời và máy giặt, và 25% cho các sản phẩm khác.

Các nghiên cứu cho thấy những tác động phức tạp của chính sách này. Một phân tích của Viện Brookings năm 2020 chỉ ra rằng thuế quan thép "dường như đã giúp tạo ra hàng nghìn việc làm", nhưng đồng thời cảnh báo rằng những lợi ích này bị triệt tiêu bởi sự sụt giảm xuất khẩu.

Báo cáo của Hội đồng Dự trữ Liên bang Mỹ năm 2019 phát hiện mối liên hệ giữa việc tăng thuế quan và sự suy giảm việc làm trong ngành sản xuất, đồng thời ghi nhận sự gia tăng giá sản xuất.

Trước bối cảnh trên, các quốc gia bị ảnh hưởng đã có những phản ứng mạnh mẽ. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cảnh báo: "Với mỗi mức thuế quan, sẽ có phản ứng tương ứng". Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cũng nhấn mạnh rằng không bên nào "sẽ chiến thắng trong cuộc chiến thương mại".

Các đồng minh châu Âu, vốn đã lo lắng về tuyên bố áp thuế đối với hàng hóa từ ông Trump, coi động thái mới nhất của ông là dấu hiệu cho thấy họ có thể sớm rơi vào cuộc chiến thương mại với Mỹ. Liên minh châu Âu đang chuẩn bị các biện pháp đối phó, thậm chí có kế hoạch nhắm mục tiêu vào các sản phẩm từ các khu vực ủng hộ ông Trump trong bầu cử để gây xáo trộn chính trị.

Mark Dubowitz, Giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu Quỹ Bảo vệ Dân chủ nhận xét: "Thuế quan đối với đồng minh là một lựa chọn lành tính hơn so với trừng phạt, nhưng đều được thiết kế để tăng đòn bẩy đàm phán của Mỹ".

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng chiến lược "gây áp lực tối đa" của ông Trump trước đây với Iran và Triều Tiên đã mang lại những kết quả trái ngược. Iran vẫn tiếp tục hỗ trợ các lực lượng dân quân thân Tehran ở Trung Đông, còn Triều Tiên tiếp tục phát triển kho vũ khí của mình.

Tóm lại, với việc ông Trump quay trở lại Nhà Trắng, thế giới đang chứng kiến một phương thức ngoại giao mới: thay vì đối tác hợp tác, ưu tiên là sự ép buộc. Những cảnh báo và tín hiệu từ bên ngoài có thể không thuyết phục được ông Trump và nhóm cố vấn của ông lùi bước, đặc biệt là đối với một vấn đề quan trọng trong sự nghiệp chính trị của tổng thống đắc cử.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo wsj.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thue-quan-va-gay-ap-luc-toi-da-ong-trump-tai-lap-chien-luoc-cung-ran-20241127171735856.htm