Thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu, vì sao?

Mức thấp nhất phải đóng thuế hay mức giảm trừ gia cảnh nên được xem xét lại cho phù hợp với tình hình thực tế. Mức 11 triệu đồng/tháng hiện nay không đủ sống ở đô thị, nên không thể coi đó là mức thu nhập cao phải đóng thuế.

Chi không đủ vẫn phải đóng thuế thu nhập

Vợ chồng anh Phạm Hữu Hiệp (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có tổng thu nhập hàng tháng hiện tại là 20 triệu đồng. Sau khi mức lương cơ bản được tăng lên từ 1/7, thu nhập của anh chị tăng lên 22 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, vợ chồng anh Hiệp thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

"Hai vợ chồng hiện chưa có con nên chi tiêu không quá lớn nhưng gánh nặng lớn nhất là phải tích lũy để mua nhà. Với thu nhập như vậy, tiền thuê nhà, ăn uống sinh hoạt, tiền gửi về quê biếu ông bà nội ngoại... hàng tháng chi tiêu dè sẻn lắm thì để ra được 5 triệu đồng tích lũy. Với mức tích lũy thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới mua được nhà. Rồi còn lên kế hoạch sinh con, cho con học hành. Vừa rồi được tăng lương thì rất mừng, nhưng bỗng dưng lại phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì tôi thấy không hợp lý, dù mức đóng của tôi không đáng kể", anh Hiệp chia sẻ.

TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, quy định về thuế thu nhập cá nhân hiện nay có nhiều lạc hậu so với thế giới. Mức giảm trừ gia cảnh là quá thấp so với thu nhập và chi tiêu hiện nay, đặc biệt là người dân ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội. Cần thiết phải nâng mức gia cảnh cho cả người nộp thuế và người phụ thuộc.

Mức đóng thuế thu nhập cá nhân hiện được cho là không phù hợp với thực tế.

Mức đóng thuế thu nhập cá nhân hiện được cho là không phù hợp với thực tế.

Theo khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,67 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. So với thu nhập bình quân đầu người công bố năm 2006 chỉ ở mức 636.000 đồng (tăng 31,3% so với năm 2004 - thời điểm soạn thảo luật thuế thu nhập cá nhân), thu nhập của người dân tăng hơn 7 lần trong vòng 16 năm.

Trong khi đó, luật thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ năm 2007, sau 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người nộp thuế (từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và 11 triệu đồng/tháng vào năm 2020) thì mức tăng chưa đến 3 lần.

Ngoài ra, bình quân mỗi người chi tiêu năm 2008 khoảng 792.000 đồng/tháng thì tới năm 2020 lên hơn 2,8 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng gần 3,6 lần. Như vậy, để đảm bảo duy trì đời sống hiện nay như trước đây, người dân phải chi tiêu nhiều hơn, đồng nghĩa mức giảm trừ gia cảnh ít nhất phải được nâng lên tương ứng. Việc giữ quy định về thuế thu nhập cá nhân sau nhiều năm khiến các gia đình thu không đủ chi nhưng vẫn phải đóng thuế. Hay việc các bậc thuế thu nhập cá nhân quá dày, sát nhau nên khi lương nhích lên vài trăm ngàn, thì người làm công ăn lương có thể phải đóng thuế nhiều hơn.

Cần tăng mức đóng thuế lên 20 triệu đồng/tháng?

Chuyên gia cho rằng lương cơ sở tăng khiến tiền lương danh nghĩa cũng tăng lên. Đối với những người thuộc đối tượng tăng lương lần này, từ chỗ không nộp thuế đến chỗ nộp thuế là không có gì khó hiểu. Hầu hết những người làm việc trên 10 năm, có mức tăng trên 1 triệu đồng thì đương nhiên số thuế phải đóng sẽ cao hơn.

Trong 10 năm tính từ khi áp dụng luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch COVID -19 nên không tăng), từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần nhưng mức chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được 1 lần vào giữa năm 2020. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị bỏ bớt 3 bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng cho tiền lương tiền công là 15 - 25% và 35%, rút số bậc thuế từ 7 xuống còn 4 là 5%, 10%, 20% và 30%. Khoảng cách giữa các bậc thuế cũng nên giãn ra, như mức thuế suất 5% nên áp dụng cho phần thu nhập chịu thuế từ 15 - 20 triệu đồng, mức 10% cho phần thu nhập chịu thuế từ 20 - 40 triệu đồng...

Theo quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trên 20% mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh. Với mức lạm phát của Việt Nam khoảng 3 - 4%/năm, phải mất 5 - 6 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ cho người lao động là không phù hợp.

Trong khi đó, mức tăng CPI hằng năm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nộp thuế rồi. Do đó, Chính phủ cũng như các cơ quan nên xem xét chỉ cần CPI tăng 10% hoặc cần thiết có thể tiến tới điều chỉnh mức này hằng năm để tốt hơn.

"Mức thấp nhất phải đóng thuế hay còn gọi là mức giảm trừ gia cảnh nên được xem xét lại cho phù hợp với tình hình thực tế. Mức 11 triệu đồng/tháng hiện nay không đủ sống ở đô thị, nên không thể coi đó là mức thu nhập cao phải đóng thuế. Theo tôi Bộ Tài chính cần tính toán nâng lên để việc đóng thuế thu nhập thực sự trở thành công cụ kiểm soát người có thu nhập cao. Mức thu nhập tối thiểu phải đóng thuế nên để ở 15-20 triệu đồng/tháng", PGS Đinh Trọng Thịnh đề xuất.

"Phải xây dựng mức sống tối thiểu khác đi, không thể để mức như hiện nay, áp dụng hàng chục năm, trong khi đời sống nâng cao, lạm phát, giá cả tăng", ông Thịnh phân tích.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế thừa nhận đời sống người lao động nói chung và người nộp thuế thu nhập cá nhân nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn, cần phải xem xét sửa Luật thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt nhằm hỗ trợ người nộp thuế cũng như nuôi dưỡng nguồn thu. Thu nhập không tăng, thậm chí giảm nhưng chi phí ăn, ở, đi lại trong gia đình, học hành của con... đều tăng. Trong khi đó, cách xác định tiền thuế chỉ căn cứ vào thu nhập, áp vào để tính thuế là không hề ổn, gây thiệt thòi cho người nộp thuế thu nhập cá nhân.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thue-thu-nhap-ca-nhan-da-qua-lac-hau-vi-sao-16923071310110156.htm