Thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Nước hoa quả nguyên chất không chịu thuế
Tiêu chuẩn về hàm lượng đường trong nước giải khát sẽ do Chính phủ quy định, các sản phẩm như nước dừa, sữa, nước hoa quả nguyên chất sẽ không phải chịu thuế.
Chiều 27/11, tại Nhà Quốc hội (QH), tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn, QH tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi). Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Xem xét nghiên cứu áp thuế đối với nước giải khát có đường
Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải, trước đó QH đã thảo luận tại tổ về dự án luật, có 118 lượt ý kiến phát biểu. Cơ bản các ý kiến phát biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những bất cập của luật hiện hành. Phó Chủ tịch QH đề nghị các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách; lưu ý các nội dung về việc đáp ứng các mục tiêu của cải cách hệ thống thuế; đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, thuế suất, lộ trình tăng thuế suất, giảm thuế, điều khoản thi hành của các nội dung khác ĐBQH quan tâm.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật cần xem xét nghiên cứu áp thuế đối với nước giải khát có đường. Trên thực tế, nhiều loại nước có hàm lượng đường cao hơn nước giải khát có đường…
Theo nữ ĐB, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB là đồ uống có đường nói chung thay vì nước giải khát có đường. Ngoài ra, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cũng bày tỏ sự lo ngại về tác dụng ngược của đề xuất áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường vì có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng, chỉ có nước giải khát có đường mới không được khuyến khích sử dụng. Trong khi đó, trên thực tế, nhiều loại đồ uống có đường khác còn chứa hàm lượng đường cao hơn nước giải khát. Hơn nữa, khái niệm nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam hẹp hơn nhiều so với khái niệm đồ uống có đường.
Còn ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) cho rằng cần cân nhắc áp dụng thuế TTĐB với đồ uống có đường. Vị ĐB lấy dẫn chứng, theo Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, những năm gần đây, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường ở nước ta đã giảm mặc dù chưa cần phải áp dụng thuế…
Nữ ĐB cũng nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy, không phải quốc gia nào áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường cũng đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì: như Brunei, Ấn độ, Chile, Phần Lan, Bỉ… là những quốc gia đã áp dụng thuế thuế TTĐB đối với đồ uống có đường nhiều năm nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tăng đều. Trong khi đó, các quốc gia không áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường như Nhật Bản hay Singapore lại có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất…
Nữ ĐB đoàn Bến Tre lấy ví dụ như nước dừa đóng hộp, không cần thêm đường, nước dừa tự nhiên đã có lượng đường tương đương 6-7g/100ml. Nếu chiếu theo TCVN, thì nước dừa đóng hộp có thể được liệt vào nhóm chịu thuế TTĐB. Theo ĐB, nếu áp thuế TTĐB với nước dừa không chỉ ảnh hưởng đến hàng trăm doanh nghiệp chế biến dừa đang kiệt quệ sau COVID-19 của tỉnh Bến Tre; mà còn ảnh hưởng đến hơn 200.000 nông dân trồng dừa vì không tiêu thụ được trái dừa, nguy cơ phải đốn dừa trồng cây khác…
Vì vậy, ĐB cho rằng, việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường có thể làm giảm tiêu thụ đồ uống có đường nhưng không chắc có thể làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác. Do vậy, đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và toàn diện về tính hiệu quả của việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường theo TCVN vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo mục tiêu của chính sách là bảo vệ sức khỏe người dân.
Không nên áp thuế TTĐB đối với máy điều hòa nhiệt độ
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, không khuyến khích người tiêu dùng các hàng hóa xa xỉ phẩm hoặc hạn chế sản phẩm có hại cho sức khỏe cá nhân, có hại cho môi trường, cộng đồng xã hội. Vì vậy, khi chúng ta ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì tác động của nó là phải thay đổi hành vi, còn nếu không thay đổi hành vi thì Luật không đạt được. Với nguyên lý như vậy, ĐB Hoàng Văn Cường nhận thấy, một số đề xuất trong dự thảo Luật còn có điểm chưa hợp lý. Về áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với máy điều hòa nhiệt độ, nếu quy định tăng thuế điều hòa lên 10% thì người dân vẫn dùng điều hòa và không thay đổi hành vi, không chuyển sang tiêu dùng sản phẩm khác được. Vì vậy, đối với các sản phẩm thiết yếu, ĐB cho rằng, không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt, điển hình như mặt hàng điều hòa nhiệt độ.
Phát biểu tranh luận tại phiên họp, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, thuế TTĐB có một chức năng quan trọng là nhằm định hướng hành vi người tiêu dùng, để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Thực tế cho thấy việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, chi phí y tế của nước ta tốn nhiều vào việc điều trị các loại bệnh tật, đặc biệt là bệnh tiểu đường và bệnh phổi. Do vậy, ĐB đề nghị cần phải quyết liệt trong thực hiện áp thuế TTĐB đối với thuốc lá. Cần đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2045, Việt Nam có thể trở thành quốc gia không còn người hút thuốc lá.
Đối với việc đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, ĐB đề xuất nên có một danh mục cụ thể liệt kê các loại đồ uống có đường cần áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Danh mục này có thể do Chính phủ điều chỉnh theo từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, ĐB cũng đề nghị không áp dụng thuế TTĐB đối với máy điều hòa. Bởi đây là sản phẩm giúp người dân có được điều kiện sống tốt hơn, đặc biệt là cho sức khỏe của người già và trẻ em. Thay vì đánh thuế, ĐB cho rằng, nên hướng dẫn người dân cách sử dụng máy điều hòa hợp lý.
Đánh thuế này nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, phù hợp với thông lệ quốc tế
Giải trình ý kiến của các ĐBQH về thuế TTĐB đối với xe ô tô, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: “Thuế TTĐB là thuế gián thu, vì vậy thuế TTĐB không đánh ở khâu lưu thông mà đánh ở khâu người sản xuất bán hàng hoặc nhập khẩu sản phẩm, thuế TTĐB không hoàn thuế giá trị gia tăng. Xe không thiết kế là xe chuyên dụng thì không chịu thuế TTĐB. Trong quá trình các loại xe khác mà cải tiến hành thành xe chuyên dụng thì phải chịu thuế TTĐB”. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.
Về thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng việc đánh thuế này nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiêu chuẩn về hàm lượng đường sẽ do Chính phủ quy định, các sản phẩm như nước dừa, sữa, nước hoa quả nguyên chất sẽ không phải chịu thuế.
Về thuế TTĐB đối với thuốc lá, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thuốc lá gây ra hậu quả nghiêm trọng, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do hút thuốc lá, và Việt Nam phải tốn khoảng 1 tỷ USD để chữa trị các bệnh liên quan. Trong khi đó, giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 6.000 - 20.000 đồng/bao, ở Singapore là 200.000 đồng/bao. Ngoài thuốc lá điếu, các sản phẩm khác như xì gà, thuốc lá để hút, hít, nhai, ngửi cũng sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 75%.
Về thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng việc đánh thuế điều hòa cũng nhằm hạn chế việc sử dụng năng lượng hóa thạch, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, và các chất gây hại cho tầng ozon.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các ý kiến thống nhất sửa đổi Luật Thuế TTĐB để khắc phục những bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự chuyển dịch về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng, Nhà nước về bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng cải cách thuế trên thế giới.
Các ĐB tham gia ý kiến thảo luận về việc đáp ứng các mục tiêu của cải cách hệ thống thuế, với tinh thần đổi mới, hiệu quả và phù hợp thực tiễn thuế TTĐB đối các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát có đường, thuốc lá, phương tiện vận tải, máy điều hòa nhiệt độ và một số hàng hóa khác.
Các ĐB cũng tham gia ý kiến về các đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, thuế suất, lộ trình tăng thuế, giảm thuế; đề nghị rà soát đảm bảo thống nhất và đánh giá tác động một cách toàn diện, hài hòa để đảm bảo mối quan hệ giữa người sản xuất, người tiêu dùng và lợi ích xã hội… Đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và dưới nhiều giác độ khác nhau và còn có ý kiến băn khoăn về một số nội dung, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật.
Phó Chủ tịch QH khẳng định, Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan, các ý kiến phát biểu tại hội trường hôm nay và các ý kiến thảo luận tại Tổ để tiếp thu hoàn chỉnh dự án luật, trình QH xem xét, quyết định theo Chương trình xây dựng pháp luật.