Thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Thế giới thực hiện ra sao?

Tại nhiều quốc gia đã áp dụng thuế cho thấy không đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì hay điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, trái lại còn lại mang đến các tác động tiêu cực tới nền kinh tế cũng như việc làm.

Trong Dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường, nước dinh dưỡng và một số sản phẩm khác trừ mặt hàng sữa. Theo Bộ Tài chính, áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường nhằm giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe cộng đồng, trẻ em…

Áp thuế thừa cân béo phì vẫn gia tăng

Theo nghiên cứu của Trung tâm bằng chứng béo phì Australia (Obesity Evidence Hub), hiện nay, có khoảng 45 quốc gia (chưa đến 1/4 các nước trên thế giới) áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường. Tại nhiều quốc gia đã áp dụng cho thấy, chính sách thuế TTĐB không đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì (TCBP) hay điều chỉnh hành vi người tiêu dùng do hiệu ứng hàng hóa thay thế, trong khi lại mang đến các tác động tiêu cực tới nền kinh tế cũng như việc làm.

Đáng chú ý, đầu năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cập nhật danh sách các can thiệp hiệu quả nhất về mặt chi phí, để giải quyết các bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên biện pháp áp thuế lên đồ uống có đường vẫn không nằm trong danh sách các biện pháp can thiệp hiệu quả nhất này.

Nhiều nghiên cứu cho thấy chính sách thuế TTĐB không đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.

Nhiều nghiên cứu cho thấy chính sách thuế TTĐB không đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.

Tại Cộng hòa Chile đã áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường từ năm 2014, nhưng đến năm 2016-2017, tỷ lệ TCBP tại nước này vẫn gia tăng liên tục từ 19,2% lên 30,3% đối với nam và từ 30,7% lên 38,4% đối với nữ giới. Tương tự, tại Mexico sau 2 năm áp thuế, tỷ lệ TCBP ở cả người lớn và trẻ em nước này vẫn gia tăng liên tục trong giai đoạn 2012 – 2021. Tỷ lệ này ở nam giới từ 69% đã tăng lên 70%; nữ tăng từ 73% lên 75%; trẻ em tăng nhanh nhất từ 35% lên 43%.

Tương tự tại Latvia, trước khi đánh thuế tỉ lệ TCBP ở nam giới ở độ tuổi trưởng thành là 11.5% còn nữ giới là 19%. Nhưng sau 15 năm áp thuế, tỉ lệ TCBP ở cả nam giới và nữ giới vẫn tiếp tục tăng lần lượt là 19.6% và 25.7%. Năm 2014, tỉ lệ TCBP ở nam giới của Bỉ là 13,9% còn ở nữ giới là 14,2%, nhưng đến năm 2019, tỉ lệ này ở nam giới là 17,2% và nữ giới là 15,6%.

Với thực tế nêu trên, hiện nay một số quốc gia đã bãi bỏ thuế TTĐB với nước giải khát có đường, vì không đem lại sự cải thiện rõ rệt nào về sức khỏe cộng đồng, trong khi lại có tác động tiêu cực lên kinh tế và việc làm địa phương.

Thay áp thuế bằng cách tiếp cận toàn diện

Một nghiên cứu do Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành đã chỉ ra rằng, việc đánh thuế thức ăn hay đồ uống nhiều chất béo, đường hay muối tại một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU) dẫn đến sự gia tăng về chi phí quản trị. Tình trạng thiếu việc làm tại một số quốc gia, chi phí lương thực tăng cao, đồng thời không đem lại sự cải thiện rõ rệt nào về sức khỏe cộng đồng.

Đan Mạch sau thời gian dài áp dụng thuế TTĐB với đồ uống có đường (từ năm 1930) cũng không nhận thấy tính hiệu quả, đã phải loại bỏ dần theo 2 giai đoạn, với mức giảm 50% kể từ ngày 1/7/2013 và loại bỏ hoàn toàn kể từ ngày 1/1/2014. Chính phủ Đan Mạch nhận thấy sự bất hợp lý của chính sách vì người dân sẽ mua sản phẩm từ các quốc gia lân cận, trong khi ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và việc làm.

Một số bang của Mỹ cũng đã bãi bỏ chính sách thuế TTĐB với nước giải khát có đường sau một thời gian ngắn thông qua. Chính quyền quận Cook, bang Illinois đã bãi bỏ sắc thuế này sau chưa đầy 1 năm kể từ khi thông qua. Bang California thậm chí đã thông qua dự luật ngăn chặn bất cứ thành phố trực thuộc nào thông qua việc áp thuế đối với đồ uống hay thực phẩm trong vòng 12 năm tới kể từ tháng 6/2018.

Áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường mất triển vọng cho người trồng mía và ngành mía đường, đồ uống...

Áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường mất triển vọng cho người trồng mía và ngành mía đường, đồ uống...

Hiện nay, Nhật Bản mặc dù có tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam (116kg/người/năm), nhưng tỷ lệ TCBP ở quốc gia này chỉ 3,5%, do được thúc đẩy bởi chế độ ăn lành mạnh và nỗ lực giáo dục cộng đồng. Nhật Bản đã xây dựng 2 Bộ luật Shuku Iku và Metabo, trong đó quy định quá trình xây dựng thực đơn lành mạnh trong các trường học và thực hiện các bài giảng về dinh dưỡng cho học sinh.

Tại Singapore, 11% người dân Singapore mắc bệnh béo phì, 30% trong số họ thừa cân, 10% mắc bệnh tiểu đường và tỉ lệ này đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, chính phủ Singapore không lựa chọn áp dụng biện pháp đánh thuế đối với nước giải khát có đường vì không coi đó là một biện pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Thay vào đó, Singapore sử dụng cách tiếp cận toàn diện hơn, bao gồm việc tăng cường hoạt động thể chất, cũng như các biện pháp giáo dục cộng đồng về chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.

Đức cũng đang áp dụng các chính sách hướng dẫn về chế độ ăn uống và hoạt động thể chất; trong đó các biện pháp về truyền thông và khuyến khích cải cách được ước tính là giúp phòng chống 218.000 bệnh không lây nhiễm đến năm 2050. New Zealand cũng không áp dụng chính sách thuế này.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-the-gioi-thuc-hien-ra-sao-post1035029.vov