Thuế VAT ngành phân bón ở các nước áp dụng như thế nào?

Tại tọa đàm 'Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp' do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/6 nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đề xuất sửa thuế giá trị gia tăng đối với ngành phân bón từ không chịu thuế sang chịu thuế 5% có lợi cho doanh nghiệp và người nông dân. Bức tranh thu thuế VAT của các nước đối với ngành này cũng được đưa ra.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế cho biết tại Trung Quốc áp dụng hai thuế suất, thuế suất tối thiểu và thuế suất tối đa. Phân bón thuế suất được áp dụng thuế VAT 11%, Nga áp dụng thuế VAT phân bón 20%.

“Phân bón làm từ nguyên liệu hóa thạch như dầu mỏ, dầu thô, khí thiên nhiên qua quá trình chế biến phức tạp việc áp thuế liên quan đến cả ngành công nghiệp phía sau. Thái Lan, Malaysia, Singapore đều áp dụng thuế VAT cho phân bón, không có nước nào không áp thuế VAT phân bón như Việt Nam”, ông Phụng thông tin.

Tại tọa đàm “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/6. Ảnh Dũng Minh.

Tại tọa đàm “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/6. Ảnh Dũng Minh.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay các nước trên thế giới coi phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp và là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng. Các nước xung quanh ta như Malaysia, Indonesia, Thái Lan đều tính thuế VAT với phân bón. Ví dụ Thái Lan là 8%, Malaysia cũng xấp xỉ mức 8%. Không có quốc gia nào không tính thuế VAT với ngành phân bón như Việt Nam. Trên thế giới, theo ông Ngọc, tư duy của họ là sản xuất nông nghiệp - đối tượng cần được ưu tiên, cần được phát triển một cách bền vững để tạo nền tảng cho xã hội.

Việt Nam đã bắt đầu hình thành ngành công nghiệp sản xuất phân bón. Cho tới thời điểm này, Việt Nam có vài trăm nhà máy sản xuất phân bón các loại, tạo ra sản lượng phân bón các loại vài trăm triệu tấn. Hàng năm ngành nông nghiệp sử dụng khoảng 11-12 triệu tấn phân bón các loại. Điều này cho thấy phân bón là hàng sản xuất nông nghiệp, mà nông nghiệp trong chính sách của các quốc gia coi mặt hàng là mặt hàng cần được ưu tiên khác với các loại hàng hóa khác. Nga có chính sách thuế GTGT 20%, Trung Quốc là 11% dự kiến giảm xuống 9%.

Hàng hóa đầu vào đang chiếm đến 40-60% giá thành sản xuất của doanh nghiệp phân bón nhưng không được khấu trừ thuế sẽ ảnh hưởng đến hoạt động phát triển của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh Dũng Minh

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh Dũng Minh

“Tôi hiểu rằng sắc thuế VAT là nguồn thu thuế lớn, là một trong những trụ cột của hệ thống thuế, nhưng phải làm sao để bền vững, hiệu quả thì nó đang bị tác động bởi những đầu nọ, đầu kia. Vậy tại sao chúng ta không hiểu rõ điều đó để thấy rằng điều chỉnh thuế VAT để từ nhóm không chịu thuế sang chịu thuế với mức thuế 5% cần thiết như thế nào. Từ bài học quốc tế sang bài học của chúng ta, thực tiễn của sản xuất và nhìn vào tương lai nữa thì nó là như thế. Nó cũng rất rành mạch, rõ ràng. Có thể có những người chưa hiểu như thế nào nhưng nghe phân tích chuyên gia về lợi ích của việc áp dụng thuế với ngành phân bón hơn không dịu thuế sẽ rõ hơn rất nhiều. Đứng ở góc độ người làm nông nghiệp, chúng tôi ý thức và thấm thía. Bài học từ thế giới rõ ràng là như vậy”, ông Ngọc nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu chỉnh sửa thì tác động tới nguồn thu ngân sách. Về điều này, ông Nguyễn Văn Phụng phân tích, trong một nền kinh tế mở, giao thương với nước ngoài việc đưa không chịu thuế có tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Năm 2014 không có số liệu để minh chứng chịu thuế 5% sẽ tốt hơn không chịu thuế. Nhưng sau 10 năm qua đã có bức tranh toàn cảnh.

“Thuế VAT thấp ở mức độ vừa phải có lợi hơn rất nhiều so với đối tượng không chịu thuế VAT”, ông Nguyễn Văn Phụng khẳng định.

Ông Phụng kiến nghị Hiệp hội phân bón Việt Nam nên có buổi làm việc với doanh nghiệp nếu áp dụng thuế VAT 5% với doanh nghiệp phân bón, doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào nên giảm giá bán cho bà con, chứng minh lợi ích của việc điều chỉnh thuế và đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế nông nghiệp.

“Chúng ta phải giải thích cho nông dân áp dụng thuế VAT 5% là người dân hưởng lợi chứ không phải giá phân sẽ tăng lên 5% vì giá đầu vào đã được khấu trừ không có lý gì giá bán ra tăng.

Các nhà khoa học phải đưa đến thông tin áp dụng thuế VAT 5% có lợi hơn so với miễn thuế. 10 năm trước không có cơ hội làm thì nay có cơ hội tốt hơn”, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thue-vat-nganh-phan-bon-o-cac-nuoc-ap-dung-nhu-the-nao-post347321.html