Thuế VAT với phân bón: Doanh nghiệp cần chia sẻ lợi ích cùng nông dân
Phân bón từ diện không chịu thuế đang được Quốc hội lấy ý kiến chuyển sang áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 5%. Theo các chuyên gia, nếu có thuế VAT 5%, trên thị trường sản phẩm phân bón sẽ tăng giá. Người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Doanh nghiệp sản xuất trong nước chắc chắn được lợi nhờ được khấu trừ thuế. Để cân bằng lợi ích 3 nhà “nhà nước – doanh nghiệp – nông dân”, nông dân cần được sự chia sẻ, đồng hành của doanh nghiệp.
Nông dân mong giá phân bón ổn định
Hiện nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang bước gieo cấy vụ lúa Đông Xuân 2024-2025. Đây là vụ chính, quan trọng nhất của người dân nơi đây bởi năng suất, sản lượng và cả chất lượng lúa luôn cao nhất. Hai năm gần đây, sản xuất lúa được mùa, được giá nhờ xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh, nên lợi nhuận của nông dân được trên 30%.
Ông Phạm Trường Giang – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Long Giang, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, mỗi ha thu được 5,5 - 6 tấn lúa, tương đương khoảng 17 triệu đồng. Lợi nhuận thu được khoảng từ 30 - 35%, còn lại là chi phí sản xuất; trong đó, chi phí phân bón chiếm 40%. Những năm gần đây, giá phân bón luôn trong xu hướng tăng. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, giá lúa luôn đứng ở mức cao nên lợi nhuận của nông dân được đảm bảo.
Với sản xuất cây ăn trái, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long cũng khá phấn khởi khi thị trường mở cửa, xuất khẩu tốt, giá nhiều loại trái cây như: sầu riêng, vú sữa… lên cao nên cũng tích cực chăm lo vườn cây. Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ có 45 ha vú sữa và sầu riêng. Để bảo vệ vườn cây và nâng cao chất lượng đất, ông Trần Văn Chiến – Giám đốc hợp tác xã cho biết, hợp tác xã sử dụng 60% phân nhập khẩu và 40% phân nội địa. Mỗi ha, nông dân sử dụng khoảng 4 tấn phân bón hữu cơ và 500 – 600 kg phân bón vô cơ.
Ông Trần Văn Chiến cho biết, giá phân bón nhập khẩu cao hơn giá phân bón trong nước hiện khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg. Phân bón trong nước được nông dân dùng trong giai đoạn phục hồi và làm xốp đất. Phân nhập khẩu dùng trong giai đoạn nuôi bông, nuôi trái. Hợp tác xã sử dụng phân bón nhập khẩu nhiều hơn, nhưng phân bón trong nước cũng không thể thiếu. Những người nông dân như ông Trần Văn Chiến cũng khó đánh giá loại nào chất lượng hơn nên chủ yếu sử dụng theo mục đích sử dụng.
Trước thông tin Quốc hội đang bàn đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT 5%, nhưng ông Chiến hay ông Giang không hiểu sẽ tác động lên giá phân bón như thế nào. Các ông cũng như những nông dân khác chỉ mong Nhà nước quan tâm đến nông dân, làm sao giá phân bón được ổn định để họ yên tâm đầu tư sản xuất trong bối cảnh thị trường giá cả luôn biến động.
Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cần Thơ cho biết, sản xuất nông nghiệp thường đầu vào ở mức cao, đầu ra không ổn định, rất bấp bênh. Trong quá trình sản xuất còn nhiều rủi ro bởi thiên tai, dịch hại… Khi áp dụng thuế VAT 5% với phân bón, nông dân cũng lo lắng sẽ làm giá phân bón sẽ tăng. Nông dân chỉ mong muốn giá cả ổn định và có thể giảm.
Đồng hành cùng nông dân
Theo quy định, khi phân bón áp thuế VAT 5%, doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ được khấu trừ thuế. Hoạch toán vào chi phí sản xuất thì chi phí sản xuất phân bón sẽ giảm. Các doanh nghiệp sản xuất sẽ có dự địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi.
Bà Trần Thị Thiên Thư cho rằng, khi áp thuế, doanh nghiệp sẽ có được một phần lợi nhuận từ vấn đề này. Kỳ vọng doanh nghiệp sẽ chia sẻ phần lợi nhuận này đến nông dân như giảm sản phẩm để nông dân có lợi và doanh nghiệp cũng phát triển.
Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, nếu áp dụng thuế VAT 5%, doanh nghiệp có cơ hội giảm giá sản phẩm qua khuyến mãi, hậu mãi. Nếu doanh nghiệp không tăng giá thì vẫn có lợi. Hiệp hội Phân bón Việt Nam cần khuyến khích doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với nông dân.
“Về lo ngại tăng giá phân bón, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính và Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cần quản lý để doanh nghiệp sản xuất phân bón không thể tăng giá khi giá thành sản xuất phân bón giảm”, ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy khẳng định, đã áp thuế là nông dân thiệt. Nếu áp thuế VAT 5%, tức là chuyển nỗi đau của doanh nghiệp sang nỗi đau của nông dân.
Tuy nhiên, ông Hoàng Trọng Thủy cho rằng, nông dân có tham gia vào sản phẩm trên thị trường thì phải đóng thuế. Để nông dân bớt nỗi đau thì nhà nước cần phải điều tiết trở lại cho nông dân để phát triển nông nghiệp bền vững. Đó là điều tiết qua: đầu tư cải tạo đất – khâu yếu nhất của sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ nông dân tăng sử dụng phân bón hữu cơ; đào tạo nông dân; hỗ trợ sản xuất xanh để giảm phát thải.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết, chi phí sản xuất nông nghiệp tăng do vật tư nông nghiệp đầu vào cao. Sản xuất nông nghiệp tốt, nhưng do chi phí cao nên lợi nhuận vẫn chưa tương xứng với công sức nông dân bỏ ra. Ngành nông nghiệp đang tích cực hướng dẫn nông dân làm thế nào để tiết kiệm tối đa các chi phí trong sản xuất như áp dụng: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm… để bù lại phần nào chi phí đầu tư vật tư đầu vào tăng cao.