Thung lũng Silicon thay đổi mạnh mẽ sau Black Live Matter

Sau vụ sát hại George Floyd, phong trào Black Live Matter lan rộng khắp nước Mỹ, ở nhiều khu vực và lĩnh vực, trong đó ngành công nghệ phản ứng còn mạnh mẽ hơn các khu vực khác của nền kinh tế.

Muốn hiểu đại khái tình trạng đa dạng chủng tộc trong công nghệ, hãy thử đi dạo trên Đại lộ University ở Palo Alto, một thành phố ở trung tâm Thung lũng Silicon.

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, nếu bạn tình cờ gặp một người da đen, rất có thể là họ đang làm việc trong một cửa hàng ở gần đó.

Người Mỹ gốc Phi chỉ chiếm 3% số người làm việc tại 5 công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ và con số này có thể sẽ thấp hơn tại các công ty nhỏ.

Cứ khoảng 50 đối tác tại các công ty đầu tư mạo hiểm (VC) thì chỉ có một người là người da đen. Số lượng doanh nhân là người da đen được các công ty đầu tư mạo hiểm tài trợ là 1/100.

Những con số cực kỳ đáng thất vọng này giúp lý giải tại sao phản ứng của ngành công nghệ đối với sự kiện George Floyd bị giết lại mạnh mẽ hơn so với các ngành công nghiệp khác.

Liệu phẫn nộ có dẫn đến sự thay đổi lâu dài

Được thúc đẩy bởi lực lượng lao động nghiêng về phía cánh tả, hiện nay các ông lớn ngành công nghệ thường xuyên thể hiện lập trường của các nhà hoạt động đối với những vấn đề quan trọng, từ nhập cư cho đến dịch bệnh.

Tuy nhiên, ngay cả khi đánh giá bằng các tiêu chuẩn trên, phản ứng của ngành công nghệ đối với các cuộc biểu tình Black Lives Matter rất đáng chú ý.

Các công ty đã quyên góp cho những tổ chức thiện nguyện về vấn đề chủng tộc, lập quỹ để tài trợ các công ty khởi nghiệp của người da màu, ngừng bán các công nghệ gây tranh cãi như nhận dạng khuôn mặt và tuyên bố sẽ thanh lọc những từ ngữ mang ý nghĩa phân biệt chủng tộc trong phần mềm của mình.

Tập đoàn Apple và công ty YouTube (trực thuộc Google) cam kết mỗi bên sẽ ủng hộ 100 triệu USD để chống lại nạn phân biệt chủng tộc bằng các chương trình giáo dục và cung cấp hỗ trợ cho các nghệ sĩ người da đen.

Vào ngày 17/6, Google cho biết vào năm 2025, họ sẽ tăng tỉ lệ những nhóm người thiểu số trong ban lãnh đạo lên 30%.

Tuy nhiên, Sydney Sykes - nhà đồng sáng lập của BLCK VC, một nhóm thực hiện sứ mệnh gia tăng thứ hạng của các nhà đầu tư mạo hiểm là người da đen ở Mỹ - cho biết những chiến dịch ở cấp độ tập đoàn sẽ không mấy hiệu quả khi các công ty công nghệ và nhà tài trợ không thay đổi cách vận hành công ty.

Các công ty cần phải nỗ lực hơn nữa để duy trì và thúc đẩy số lượng nhân viên thuộc nhóm người thiểu số.

Các công ty đầu tư mạo hiểm cần xem xét lại lý do tại sao họ từ chối các doanh nhân từ các nhóm thiểu số; một lời nói đơn giản như “chỉ là tôi cảm thấy không hứng thú” sẽ không còn có sức thuyết phục nữa.

Kể từ khi vấn đề đa dạng, đặc biệt là vấn đề về giới tính, trở thành một chủ đề nóng trong ngành công nghệ từ vài năm trước, tình trạng này vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể và rõ rệt nào.

Nhưng bà Sykes tin rằng với tình hình hiện tại mọi thứ sẽ tốt lên nhanh thôi. Cả khách hàng lẫn nhân viên đều mong chờ sự thay đổi đó.

Và các công ty này bắt đầu nhận ra rằng những tuyên ngôn cao cả và những việc làm từ thiện của họ là chưa đủ.

Maxine Williams, giám đốc mảng Đa dạng toàn cầu của Facebook, hiện đã được phép báo cáo công việc trực tiếp với Sheryl Sandberg, người đứng vị trí thứ 2 trong công ty (dù không được trực tiếp cho người đứng đầu công ty này như nhiều người mong muốn).

Alexis Ohanian, một người da trắng và cũng là người đồng sáng lập trang web thảo luận nổi tiếng Reddit đã rời khỏi hội đồng quản trị để nhường chỗ cho một người da đen, Michael Seibel, ông chủ của Y Combinator, “vườn ươm” khởi nghiệp nổi tiếng của Mỹ.

Apple cũng cho biết cho biết họ sẽ thay thế vị trí giám đốc mảng Đa dạng và Hòa hợp của mình.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thung-lung-silicon-thay-doi-manh-me-sau-black-live-matter-post86772.html