Thuốc bảo vệ thực vật sinh học cần khung chính sách riêng

Việt Nam đang là một trong các nước dẫn đầu về số lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học đã được đăng ký sử dụng so với các nước trong khu vực. Để hiện thực hóa Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo các chuyên gia, Việt Nam phải tiếp tục đổi mới quy định quản lý thuốc BVTV. Trong đó, cần tách riêng nội dung về quản lý đăng ký, sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học.

Từ kinh nghiệm quốc tế…

Tại Hội nghị phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học do Cục Bảo vệ thực vật tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, đồng thời bảo đảm phát triển xanh, bền vững, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học là xu thế tất yếu, được sự đồng thuận cao của tất cả các quốc gia trên thế giới.

“Chính phủ nhiều nước đã tăng cường đầu tư, áp dụng nhiều sáng kiến và giải pháp nhằm khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học. Một số nước đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong việc cắt giảm thuốc hóa học thông qua chiến lược phát triển nông nghiệp sinh thái, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sử dụng rộng rãi thuốc BVTV sinh học.”, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng cho biết.

Thông tin về kinh nghiệm quản lý, phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học trên thế giới, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng cho biết, các nước đều khuyến khích, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, phát triển, đăng ký sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV sinh học nhưng cũng rất quan tâm đến vấn đề an toàn sinh học, chất lượng, hiệu quả của thuốc.

Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng drone tại Gia Lai. Ảnh: H.Lan

Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng drone tại Gia Lai. Ảnh: H.Lan

Đáng chú ý, trong quá trình đăng ký thuốc BVTV sinh học, yêu cầu về kết quả nghiên cứu, dữ liệu về độc lý học, tác động đến môi trường, thời gian cách ly, dư lượng thuốc... không đòi hỏi cao như với thuốc hóa học, nhiều chỉ tiêu được loại bớt. Thời gian thử nghiệm hiệu lực sinh học, đăng ký thuốc BVTV sinh học tại nhiều nước được rút ngắn, chỉ bằng 30 - 50% thời gian đối với thuốc hóa học. Chi phí đăng ký thuốc BVTV sinh học thấp hơn nhiều so với chi phí đăng ký thuốc hóa học từ 5 - 20 lần.

Bên cạnh đó, một số nước tách riêng quy định quản lý thuốc BVTV sinh học; Hội đồng tư vấn đối với thuốc sinh học cũng tách riêng. Để thuận tiện cho quá trình xem xét đăng ký, nhiều nước phân loại thuốc BVTV sinh học ra các nhóm khác nhau, với những yêu cầu cụ thể khác nhau; có nhóm thuốc được ưu tiên hơn do độ an toàn cao. Một số nước ban hành Danh mục các thuốc BVTV sinh học có độ an toàn cao, thuốc “Làn xanh” để đăng ký nhanh hơn, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.

Ví dụ, tại Mỹ, tất cả các loại thuốc BVTV, trong đó có thuốc sinh học, trước khi đưa ra thị trường đều phải đăng ký với Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA). EPA có quy định riêng về đăng ký thuốc BVTV sinh học. Dữ liệu và thủ tục đăng ký thuốc sinh học được đơn giản hóa, thời gian chờ xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc tối đa là 12 tháng, trong khi với thuốc hóa học là trên 3 năm. Chi phí đăng ký thuốc BVTV sinh học cũng thấp hơn nhiều so với thuốc hóa học. Ví dụ, để đăng ký 1 loại thuốc sinh hóa, doanh nghiệp tốn khoảng dưới 33.000 USD, trong khi đăng ký 1 thuốc hóa học mới tốn khoảng 700.000 - 800.000 USD tùy độ an toàn của thuốc và yêu cầu tiến hành các thử nghiệm để có số liệu báo cáo.

Trung Quốc đã đề ra Chiến lược “Quản lý dịch hại xanh” với mục tiêu đến năm 2050 chuyển sang nền nông nghiệp không sử dụng thuốc BVTV hóa học. Để thuận tiện cho việc đăng ký thuốc với các yêu cầu cụ thể tùy thuộc vào cơ chế tác động và độ an toàn của thuốc, Trung Quốc phân loại thuốc BVTV sinh học thành các nhóm chính như: thuốc sinh hóa; thuốc thảo mộc; thuốc vi sinh. Quy định về thủ tục đăng ký thuốc BVTV sinh học cũng được đơn giản hóa, thời gian chờ đăng ký tạm thời mất khoảng 3 - 4 tháng; thời gian chờ đăng ký chính thức chỉ mất dưới 12 tháng, trong khi đăng ký thuốc hóa học mất tối thiểu 3 năm. Chi phí cho đăng ký thuốc BVTV sinh học cũng thấp hơn nhiều lần so với chi phí đăng ký thuốc hóa học.

Đáng chú ý, để hỗ trợ phát triển xanh trong nông nghiệp, hoạt động bán buôn và bán lẻ thuốc BVTV sinh học tại Trung Quốc được miễn thuế giá trị gia tăng và thuế suất thuế giá trị gia tăng của các hoạt động kinh doanh liên quan đến thuốc BVTV sinh học đã giảm từ 13% xuống 9%. Ngoài ra, các công ty phát triển công nghệ mới còn nhận được khoản khấu trừ thuế 75% cho chi phí nghiên cứu - phát triểncủa họ. Cùng với đó,Trung Quốccó Quỹ trung ương để hỗ trợ phổ biến thuốc BVTV sinh học (ngân sách năm 2022 là 810 triệu nhân dân tệ).

Để thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học, Thái Lan có quy định về kênh “đăng ký nhanh”; đồng thời có sáng kiến ban hành Danh mục thuốc sinh học “độ rủi ro thấp”. Năm 2021, số lượng các hoạt chất thuốc sinh học thuộc Danh mục này đã tăng từ 5 lên 17. Đối với các sản phẩm được sản xuất từ các hoạt chất trong Danh mục thuốc sinh học độ rủi ro thấp không cần phải thử nghiệm độc lý học, vì vậy thời gian chờ đăng ký được rút ngắn xuống còn 6 - 12 tháng. Đối với các loại thuốc sinh học khác, thời gian thực hiện các thủ tục để được đăng ký là 18 - 24 tháng.

… đến đề xuất cho Việt Nam

Tại Việt Nam, tháng 12.2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng tỷ lệ sản phẩm thuốc BVTV sinh học trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng lên 30% (hiện là khoảng 19%); tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học đạt 30% so với tổng lượng thuốc BVTV sử dụng (hiện là khoảng 18,49%).

Để đạt mục tiêu này, từ những bài học kinh nghiệm của một số quốc gia, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, Việt Nam cần coi trọng cả 3 hướng đi chính bao gồm: phát triển sản xuất, sử dụng thuốc sinh học trong nước; nhập khẩu, sử dụng các loại thuốc sinh học chất lượng tốt, hiệu quả cao; và hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tự sản xuất thuốc sinh học quy mô nông hộ, trang trại, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rà soát, đổi mới quy định quản lý thuốc BVTV. Trong đó, cần tách riêng nội dung quy định về quản lý đăng ký, sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học theo hướng cụ thể hóa khái niệm về thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam hài hòa với quy định của các nước trong khu vực và trên thế giới; bổ sung quy định đối với một số loại thuốc BVTV sinh học mới; đơn giản hóa thủ tục, loại bỏ một số yêu cầu thử nghiệm đối với một số hoạt chất để rút ngắn thời gian đăng ký.

Ông cũng khuyến cáo Việt Nam ban hành Danh mục các hoạt chất thuốc BVTV sinh học an toàn được ưu tiên đăng ký nhanh. Đồng thời, bổ sung quy định về việc thành lập và thời gian họp Hội đồng tư vấn xem xét đăng ký thuốc BVTV sinh học và quyết định của Bộ trưởng bổ sung vào Danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam để rút ngắn thời gian đăng ký thuốc; quy định thủ tục đăng ký đặc cách thuốc BVTV sinh học trong điều kiện phòng chống dịch hại khẩn cấp; tăng thời gian hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV sinh học lên 10 - 15 năm, thay vì 5 năm như hiện nay.

Theo TS. Tony Alfonso, Chủ tịch Tổ công tác về Thuốc BVTV Sinh học của CropLife châu Á, một khung pháp lý có chi phí hợp lý và nhanh chóng hơn sẽ thúc đẩy việc phát triển và đăng ký thuốc BVTV sinh học. Từ đó, ông khuyến nghị Việt Nam áp dụng quy trình đăng ký riêng cho thuốc BVTV sinh học; có hướng dẫn riêng về khảo nghiệm thuốc BVTV sinh học; cân nhắc đánh giá các sản phẩm thuốc sinh học theo từng trường hợp, giai đoạn cụ thể... “Việc áp dụng cách tiếp cận linh hoạt để đăng ký thuốc BVTV sinh học dựa trên đánh giá khoa học sẽ giúp đi tắt đón đầu trong việc ứng dụng các loại thuốc sinh học mới”, TS. Tony Alfonso nhấn mạnh.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/thuoc-bao-ve-thuc-vat-sinh-hoc-can-khung-chinh-sach-rieng-i365889/