Thuốc chữa COVID-19 của Hàn Quốc đạt hiệu quả cao

Theo hãng tin Yonhap, ngày 12/1, tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Hàn Quốc Celltrion Inc. cho biết thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng (CT-P59) của công ty này đã cho thấy hiệu quả điều trị cao hơn so với các loại thuốc của Mỹ.

Thuốc CT-P59 của Celltrion

Thuốc CT-P59 của Celltrion

Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đang xem xét cấp phép có điều kiện cho thuốc CT-P59 , mở đường cho việc sản xuất và sử dụng thuốc điều trị COVID-19 “made in Korea” đầu tiên.

Celltrion cho biết thêm loại thuốc này đã cho thấy hiệu quả cao hơn so với 2 thuốc điều trị COVID-19 do các công ty dược phẩm Mỹ - Eli Lilly và Regeneron Pharmaceuticals, phát triển. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ trước đó đã cấp Giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho 2 loại thuốc này.

Celltrion đã thử nghiệm thuốc trên 327 bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ đến trung bình để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của CT-P59. Công ty cũng có kế hoạch nộp đơn xin EUA và xin giấy phép tiếp thị có điều kiện lên Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho CT-P59 trong những tháng tới.

Sử dụng thuốc viêm khớp để chữa COVID-19

Nghiên cứu công bố mới đây cho thấy thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp Actemra, hay còn gọi là tocilizumab, do Đại học Osaka và công ty dược phẩm Chugai phối hợp với một số tổ chức khác của Nhật Bản bào chế, có khả năng giúp tăng tỷ lệ sống sót của các bệnh nhân COVID-19 nguy kịch.

Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng do các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London (Anh) và một số tổ chức khác phối hợp thực hiện, tỷ lệ tử vong ở khoảng 350 bệnh nhân COVID-19 sử dụng Actemra là 28% - thấp hơn 7,5 điểm phần trăm so với khoảng 400 bệnh nhân COVID-19 khác không sử dụng thuốc này. Một loại thuốc viêm khớp dạng thấp khác cũng cho kết quả tương tự.

Thuốc Actemra có tác dụng kiềm chế phản ứng quá mức của hệ miễn dịch. Hiện thuốc này đang được Nhật Bản, Anh và một số nước trên thế giới sử dụng để điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng.

Ngoài loại thuốc trên, giới chức y tế Nhật Bản vừa quyết định mở rộng việc sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir trong điều trị, theo đó có thể dùng thuốc này cho nhóm bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.

Trước đó, thuốc Remdesivir chỉ được sử dụng hạn chế trên các bệnh nhân nặng, phải sử dụng tới máy thở.

Lý giải về quyết định trên, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết Bộ đã nhận được các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng bổ sung từ nhà sản xuất và xác nhận tính hiệu quả của Remdesivir ở các bệnh nhân khác ngoài nhóm bệnh nhân nguy kịch.

Tuy nhiên, do nguồn cung có hạn nên thuốc Remdesivir chỉ được phân phối tới các cơ sở y tế dự định sẽ sử dụng thuốc này để chữa trị cho các bệnh nhân nguy kịch.

Thuốc remdesivir từng thu hút sự chú ý trên toàn thế giới như một phương pháp điều trị hiệu quả đối với COVID-19 hồi mùa Hè năm ngoái sau khi các thử nghiệm ban đầu cho thấy một số hứa hẹn.

Thuốc này hiện được cấp phép sử dụng điều trị bệnh nhân COVID-19 ở hơn 50 quốc gia. Tại Nhật Bản, thuốc được cấp phép lưu hành vào tháng 5/2020.

Trong một diễn biến liên quan khác, theo CNN, một công trình nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy hầu hết các bệnh nhân đã phải nhập viện vì nhiễm COVID-19 vẫn gặp phải nhiều triệu chứng khác nhau- bao gồm cả mệt mỏi và khó ngủ- 6 tháng sau khi họ bị nhiễm phải căn bệnh nguy hiểm này.

Nghiên cứu trên 1.700 bệnh nhân được điều trị tại thành phố Vũ Hán (thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc), tâm chấn ban đầu của đại dịch COVID-19, cho thấy 76% số bệnh nhân gặp phải ít nhất một triệu chứng vài tháng sau khi họ đã được xuất viện.

Những phát hiện này chỉ ra rằng ngay cả những người đã bình phục sau khi bị nhiễm bệnh COVID-19 cũng có thể bị ảnh hưởng sức khỏe lâu dài. Công trình nghiên cứu trên đã được công bố hôm 8/1 trên tạp chí y khoa The Lancet.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã liệt kê mệt mỏi, khó thở, ho, đau khớp và đau ngực là những triệu chứng kéo dài được báo cáo phổ biến nhất. Những triệu chứng khác, ví dụ như khó suy nghĩ và tập trung - được gọi là "sương mù não, "trầm cảm và đau đầu, cũng được báo cáo ở những người mắc bệnh COVID-19 dài ngày.

Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh hồi tháng 8 cho thấy khoảng 10% số bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài hơn 12 tuần.

H.Phương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/thuoc-chua-covid19-cua-han-quoc-dat-hieu-qua-cao/419670.vgp