Thuốc điều trị bệnh chốc mép
Chốc mép không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày khiến việc ăn uống, nói chuyện và thậm chí là mỉm cười trở nên khó khăn và khó chịu. Vậy khi bị chốc mép thì nên dùng thuốc gì?
NỘI DUNG
1. Các thuốc điều trị chốc mép
1.1 Thuốc trị chốc mép do nấm
1.2 Thuốc trị chốc mép do virus acyclovir
1.3 Thuốc trị chốc mép do nhiễm khuẩn erythromycin
2. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị chốc mép
Chốc mép đề cập đến một tình trạng viêm xảy ra ở một hoặc cả hai khóe miệng. Biểu hiện lâm sàng chung là nổi mụn nước, phồng rộp, đóng vảy ở một hoặc cả hai bên khóe miệng, kèm theo đau.
Người bệnh thường không thể há miệng rộng, dễ chảy máu. Trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống và nói chuyện. Chốc mép có thể trầm trọng hơn khi người bệnh liếm môi. Tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản, các triệu chứng có thể kéo dài vài ngày hoặc tồn tại và trở thành mạn tính.
1. Các thuốc điều trị chốc mép
Chốc mép gây đau nhưng có thể không cần điều trị cũng tự khỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc.
Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể, các lựa chọn điều trị bằng đường uống và bôi tại chỗ bao gồm:
1.1 Thuốc trị chốc mép do nấm
Nếu nấm là tác nhân gây chốc mép thì cần sử dụng các loại thuốc bôi có tác dụng kháng nấm. Một số loại thuốc bôi trị chốc mép do nấm được kê toa phổ biến bao gồm:
Thuốc mỡ nystatin
- Tác dụng của thuốc: Thuốc có tác dụng kìm hãm hoặc diệt nấm, dung nạp tốt ngay cả khi điều trị lâu dài và hiếm gây kháng thuốc.
- Tác dụng phụ: Có thể bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa… Nếu có phản ứng quá mẫn xảy ra, nên ngừng thuốc ngay và có biện pháp xử lý thích hợp.
- Chống chỉ định: Tiền sử quá mẫn với nystatin hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc. Chưa biết rõ thuốc có ảnh hưởng đến thai nhi hay không, do đó không nên dùng nystatin cho phụ nữ có thai trừ khi thật cần thiết và dưới sự giám sát của bác sĩ.
Kem ketoconazol
- Tác dụng: Thuốc có khả năng ức chế hoạt tính của cytochrome P450 từ đó làm giảm lượng ergosterol, thành phần chính của tế bào nấm. Nhờ vậy thuốc có thể tiêu diệt tế bào nấm.
- Tác dụng phụ: Đôi khi có cảm giác nóng rát hoặc kích ứng da. Thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
- Chống chỉ định: Mẫn cảm với thành phần thuốc. Không bôi thuốc vào mắt. Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú có thể sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Kem miconazol
- Tác dụng: Thuốc có khả năng ức chế 14 alpha - demethylase và quá trình sinh tổng hợp ergosterol cùng các lipid khác của màng tế bào nấm, từ đó ức chế sự tăng trưởng của nấm.
- Tác dụng phụ: Dạng thuốc bôi được coi là dung nạp tốt, nhưng đôi khi có thể gây kích ứng, nổi mẩn, rát bỏng, giảm sắc tố da. Đã ghi nhận trường hợp phản vệ và phù mạch khi dùng kem miconazol.
- Chống chỉ định: Không sử dụng trong trường hợp quá mẫn với miconazol, các dẫn xuất của imidazol.
1.2 Thuốc trị chốc mép do virus acyclovir
Với nguyên nhân là virus, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc kháng virus dạng bôi tại chỗ như acyclovir.
- Tác dụng của thuốc: Thuốc có tác dụng cải thiện triệu chứng, giảm cường độ cũng như tiến triển của bệnh. Người bệnh cần bôi thuốc càng sớm càng tốt, trước khi mụn nước xuất hiện (ngay từ khi xuất hiện những triệu chứng như ngứa, rát). Nếu sử dụng quá muộn khi mà vết thương đã đóng vảy thì thuốc sẽ không mang lại hiệu quả tối ưu.
- Tác dụng phụ: Có thể thấy cảm giác nóng tức thời hoặc nhói ở vị trí bôi kèm theo ban đỏ nhẹ khi khô. Cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải trong khi sử dụng thuốc.
- Chống chỉ định: Những người mẫm cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
1.3 Thuốc trị chốc mép do nhiễm khuẩn erythromycin
- Tác dụng của thuốc: Trong trường hợp chốc mép do vi khuẩn gây ra hoặc các vết loét gây bội nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kem bôi chứa kháng sinh như erythromycin để thoa lên vùng da bị tổn thương. Song nếu thoa kháng sinh không khỏi hoặc nhiễm trùng có dấu hiệu lây lan, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng kháng sinh đường uống.
- Tác dụng phụ: Trong quá trình dùng thuốc có thể xuất hiện phản ứng dị ứng ngay tại chỗ da tiếp xúc với thuốc như phát ban, ngứa ngáy khó chịu, nóng rát…
- Chống chỉ định: Người bệnh quá mẫn với erythromycin hoặc với bất cứ thành phần nào trong công thức. Thuốc có thể qua hàng rào nhau thai và sữa mẹ, chính vì thế, phụ nữ có thai và phụ nữ đang có con bú cần thận trọng trước khi sử dụng loại thuốc này.
2. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị chốc mép
- Trong khi dùng thuốc không được liếm môi, cắn, bóc da, điều này không có lợi cho việc phục hồi bệnh.
- Khi sử dụng thuốc cần chú ý, nếu tại chỗ có vảy dày, trước tiên có thể chườm ướt bằng nước muối sinh lý bình thường, ví dụ như dùng bông nhúng vào nước muối rồi chườm lên môi hoặc khóe miệng hai lần một ngày. Sau đó lau khô nhẹ nhàng rồi bôi thuốc. Cần rửa sạch tay trước khi bôi thuốc.
- Sau khi các triệu chứng thuyên giảm, có thể ngừng dùng thuốc nhưng cần chú ý dưỡng ẩm để tránh chốc mép tái phát.
- Nên tránh sử dụng các loại son môi có chứa chất bảo quản gây kích ứng, thay vào đó có thể cân nhắc lựa chọn các sản phẩm dưỡng ẩm như vaseline, thoa một lớp mỏng lên môi để đạt được hiệu quả dưỡng ẩm và giữ ẩm. Đừng mím môi thường xuyên để tránh môi bị khô.
Mặc dù chốc mép là bệnh thường gặp nhưng cũng có những bệnh khác có thể gây ra các triệu chứng bất thường xung quanh môi và miệng. Do đó, khi phát hiện có vấn đề bất thường, tốt nhất nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị. Không nên mua thuốc về tự bôi để tránh làm chậm trễ thời gian điều trị.
Phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em, người già càng cần thận trọng, không dùng thuốc nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-dieu-tri-benh-choc-mep-169240319150504297.htm