Thuốc Đông y: Dùng đúng là thuốc, dùng sai là độc

Cho rằng thuốc Đông y nguồn gốc thảo dược nên lành tính, nhiều người chủ quan mua uống theo truyền miệng, phải nhập viện điều trị.

Bà VTNN (nữ, 82 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) trong tình trạng phù, khó thở, chẩn đoán tổn thương thận cấp do tự ý uống thuốc thảo dược.

 Bác sĩ khoa Y học cổ truyền (BV Thống Nhất) thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bác sĩ khoa Y học cổ truyền (BV Thống Nhất) thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Nhập viện vì uống thuốc khỏe truyền miệng

Khai thác bệnh sử, bà N cho biết do được hàng xóm giới thiệu nên đã đi bốc thuốc thảo dược uống cho khỏe người. Bà uống liên tục trong hơn hai tháng, mỗi ngày ba gói. Sau đó thấy xuất hiện tình trạng phù, tiểu ít, khó thở tăng dần nên đến BV khám.

Lúc nhập viện, bà N đã phù toàn thân, khó thở phải ngồi, tiểu ít, phổi giảm âm phế bào hai bên, bụng mềm to. Bác sĩ (BS) chẩn đoán bà bị tổn thương thận cấp do thuốc. Bà được điều trị bằng Corticoid, lợi tiểu, hạ áp và giảm đạm niệu. Hiện sức khỏe bà N đã ổn định, chức năng thận cải thiện gần về mức bình thường.

Dù là thuốc Đông y hay Tây y, nếu dùng đúng liều thì là thuốc, không đúng liều sẽ là độc.

Trường hợp ông NVT (nam, 61 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập BV Thống Nhất trong tình trạng lơ mơ sau khi uống thuốc sắc có chứa chế xuyên ô, chế thảo ô, chế phụ tử.

Ông T cho biết bị đau nhức xương khớp đã lâu, nghe người bà con giới thiệu có loại thuốc Đông y trị bệnh hay nên đi cắt về uống và ông mới uống thang đầu tiên. Kiểm tra thang thuốc ông T đem theo đến BV, ghi nhận có rất nhiều dạng thuốc của phụ tử (rễ con cây ô đầu, vị cay, đắng kèm ngọt, tính nhiệt và rất độc).

Cũng theo ông T, sau 1 giờ uống thuốc, ông thấy xuất hiện triệu chứng nôn, tê các đầu ngón tay, chảy nước dãi, cảm giác tê các cơ ở mặt, chân tay lạnh, vã mồ hôi, tụt huyết áp…

BS chẩn đoán bệnh nhân T bị ngộ độc phụ tử do uống quá liều. Bệnh nhân được ổn định tuần hoàn, hô hấp, xử trí thở ôxy, truyền dịch và bổ sung điện giải. Sau đó do bị nhịp nhanh thất nên bệnh nhân được sốc điện và đặt nội khí quản, hỗ trợ thở máy kiểm soát. Sau 24 giờ nhập viện, bệnh nhân được ngưng an thần, tình hình ổn định, rút nội khí quản.

Nhiều người cho rằng thuốc Đông y từ thảo dược nên lành tính, uống vào không bổ cái này cũng bổ cái kia, đây là quan niệm sai lầm. Trong thuốc ba phần là có độc, chỉ khác nhau liều lượng. Khi dùng thuốc phải có chỉ định, được thầy thuốc có chuyên môn chẩn đoán, kê toa phù hợp với từng tình trạng, thời điểm bệnh của bệnh nhân.

ThS-BS NGUYỄN TRƯƠNG MINH THẾ

Thuốc tốt khi đúng bệnh, đúng liều

ThS-BS Lê Thị Lan Hương, khoa Y học cổ truyền (BV Thống Nhất), cho biết phụ tử là một loài dược liệu quý của Đông y, được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, cần đặc biệt chú trọng đến dạng bào chế, liều lượng và cách phối ngũ trong bài thuốc để tránh nguy cơ ngộ độc và các tác dụng không mong muốn.

“Vì thành phần có độc nên phụ tử thường không được dùng để uống trực tiếp mà chỉ dùng ngoài da (ngâm rượu xoa bóp) với dạng bào chế rất kỹ. Trong thang thuốc bệnh nhân T uống, liều phụ tử và các dạng của phụ tử cao gấp 10 lần bình thường dẫn đến ngộ độc” - BS Hương chia sẻ.

Cũng theo BS Hương, đa phần người dân nghĩ thuốc Đông y an toàn, không có độc. Tuy nhiên, Đông y hay Tây y nếu dùng đúng liều thì là thuốc, dùng không đúng liều thì là chất độc.

“Người dân cần lưu ý khi có bệnh mới nên uống thuốc và cần đến cơ sở y tế chuyên khoa, đảm bảo uy tín để được tư vấn, mua thuốc. Không tự ý uống các loại thuốc theo truyền miệng không rõ nguồn gốc” - BS Hương nhấn mạnh.

Theo ThS-BS Nguyễn Trương Minh Thế, khoa Y học cổ truyền (BV Y học cổ truyền TP.HCM), BV từng tiếp nhận nhiều ca phản ứng, dị ứng thuốc Đông y với các triệu chứng như mẩn ngứa, nôn ói, tiêu chảy, xây xẩm…

“Dị ứng thuốc Đông y có liên quan đến cơ địa bệnh nhân, tương tự như sốc phản vệ, không thể biết trước. Có những thuốc người này uống không sao nhưng người kia uống lại dị ứng với một trong những thành phần của thuốc” - BS Thế chia sẻ.

Bên cạnh đó, dị ứng thuốc Đông y còn liên quan đến bệnh nền. Những người có bệnh lý chức năng thận kém hay mắc viêm gan nặng, ảnh hưởng đến quá trình thải độc sẽ dễ phản ứng với vài thành phần trong thuốc. Đôi khi do bệnh nhân uống thuốc không đúng cách, không đúng liều, uống kèm những thuốc khác không được BS kê cũng sẽ gây phản ứng, dị ứng.

BS Thế lưu ý người dân không nên tự ý mua, sử dụng các loại thuốc truyền miệng, quảng cáo trên mạng xã hội, “thuốc ba đời”… Nếu bị phản ứng, nhẹ thì mẩn ngứa, tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt… nặng sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, phải lọc máu, có những trường hợp quá nặng sẽ dẫn đến tử vong.•

Khi cần sử dụng thuốc Đông y, người dân nên đến khoa Y học cổ truyền trong các BV hoặc BV chuyên về y học cổ truyền, phòng khám của các BS có chứng chỉ hành nghề để khám và bốc thuốc. Như vậy thuốc Đông y sẽ được đảm bảo về khâu bảo quản lưu trữ, bào chế… tránh xảy ra nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Ngoài ra, người dân không nên mua thuốc ở những cơ sở không chắc người kê đơn thuốc có chứng chỉ hành nghề hay không, cũng không nên mượn toa của người khác mua thuốc chỉ vì giống triệu chứng bệnh.

Nếu uống phải thuốc Đông y kém chất lượng, kê không đúng liều lượng, không đúng thể bệnh, người uống có thể gặp các vấn đề như rối loạn tiêu hóa, tình trạng bệnh cũ nặng hơn, xuất hiện những tác dụng phụ (dị ứng), biến chứng tim mạch, nặng nhất là ngộ độc.

ThS-BS LÊ THỊ LAN HƯƠNG, khoa Y học cổ truyền BV Thống Nhất, TP.HCM

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thuoc-dong-y-dung-dung-la-thuoc-dung-sai-la-doc-post778089.html