Thuốc lá điện tử: Những nguy hại khó lường

Nhiều bạn trẻ cho rằng, hút thuốc lá điện tử không có nguy hại hoặc ít nguy hại hơn so với thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn sai lầm.

Trào lưu nguy hại

Những năm gần đây, số lượng bạn trẻ hút thuốc lá điện tử gia tăng, kéo theo số bệnh nhân nhập viện vì bị ngộ độc các chất có trong thuốc lá điện tử tăng theo. Mới đây, một bệnh viện tại tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận, cấp cứu 2 học sinh cấp 3 bị ngộ độc do hút thuốc lá điện tử. 2 học sinh nhập viện với biểu hiện kích thích, thở nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn. Trước khi nhập viện khoảng 1 giờ, 2 em hút thuốc lá điện tử, sau đó thấy nôn nao, bủn rủn tay chân, hoa mắt chóng mặt và buồn nôn nên được người nhà đưa vào bệnh viện. Cách đó 1 tháng, Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận trường hợp một nữ bệnh nhân 27 tuổi nhập viện trong tình trạng mơ màng, đờ đẫn, mệt mỏi. Qua khám và khai thác thông tin từ gia đình, bệnh nhân được chẩn đoán bị rối loạn tâm thần và hành vi do dùng thuốc lá điện tử quá nhiều. Theo đó, chị này dùng thuốc lá từ thời sinh viên. Thời gian đầu, do tò mò, sau đó do áp lực cuộc sống, chị sử dụng thường xuyên hơn. Từ thuốc lá điếu, chị chuyển sang hút thuốc lá điện tử với quan niệm ít nguy hại hơn. Thời gian gần đây, chị hút nhiều hơn để tìm cảm giác thoải mái, thư giãn, tăng sự tập trung. Do lạm dụng nên chị thường xuyên rơi vào trạng thái mơ màng, đờ đẫn, mệt mỏi. Đây chỉ là 3 trong nhiều trường hợp trong năm 2023 nhập viện vì thuốc lá điện tử.

Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất gây ung thư.

Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất gây ung thư.

Kết quả nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2020 cho thấy, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp từ 8 - 12 là 8,35%; ở học sinh lớp 10 - 12 là 12,6%. Đáng lo ngại, từ năm 2015 đến 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố đã tăng lên gấp 18 lần (từ 0,2% lên 3,6%).

Nhiều tác hại

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử cũng gây nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng tương tự thuốc lá thông thường.

Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, nicotine trong thuốc lá điện tử là chất gây nghiện như thuốc lá thường. Với thuốc lá điện tử, người ta đưa vào một lượng thấp hơn (3 - 36mg/mL) so với thuốc lá truyền thống, tuy nhiên cũng có những loại có nồng độ nicotine cao tương tự thuốc lá truyền thống. Nicotine gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Nguy hiểm hơn, ở lứa tuổi này, các em thường có tâm lý tò mò nên càng dễ bị dụ dỗ, lôi kéo. Nếu hút trong thời gian dài, thuốc lá điện tử sẽ gây rối loạn nhận thức, rối loạn cảm xúc, tâm thần, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề nhất là suy giảm khả năng tư duy, sáng tạo trong học tập của trẻ.

Cùng với nicotine, dung dịch tạo khói có trong thuốc lá điện tử gồm: Nước, Propylene Glycol và Glycerin. Khi được làm nóng, nước sẽ bay hơi kết hợp với các chất còn lại tạo nên sản phẩm giống như khói để người hút cảm giác giống như đang hút thuốc. Tuy các chất Propylene Glycol và Glycerin đã được FDA cho phép sử dụng trong công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, nhưng những chất này khi bị đốt cháy có thể tạo ra những sản phẩm nguy hại cho cơ thể như: Formaldehyde, Acetaldehyde, Acrolein. Chất tạo mùi là các hóa chất hương liệu nhằm tạo ra những mùi vị khác nhau (hoa quả, chocolate, vanium, mùi khói thuốc lá…). Phần lớn các chất độc hại với cơ thể do thuốc lá điện tử sinh ra đến từ các chất tạo khói và tạo mùi, tiếp xúc trong thời gian càng dài thì ảnh hưởng tới sức khỏe càng nhiều, kể cả người hút chủ động và thụ động. Các hóa chất sinh ra từ quá trình tạo khói và đốt cháy chất tạo mùi có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cơ quan hô hấp và tim mạch; về lâu dài, có thể gây độc tế bào và nguy cơ phát triển ung thư. Chưa kể, thuốc lá điện tử có thể bị lợi dụng phối trộn ma túy.

Vì thế, theo các chuyên gia, để hạn chế việc hút thuốc lá điện tử, nhất là học sinh, sinh viên, vai trò của nhà trường và gia đình rất quan trọng. Cần sớm trang bị các kiến thức để các bạn trẻ hiểu về tác hại trực tiếp và gián tiếp của thuốc lá điện tử, từ đó biết nói không với loại thuốc lá này.

C.ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202312/thuoc-la-dien-tu-nhung-nguy-hai-kho-luong-de303c2/