Thuốc lá - Mối đe dọa tới môi trường của chúng ta

Thuốc lá gây ô nhiễm trái đất và đe dọa sức khỏe con người. Chính vì vậy, ngoài việc truyền thông vận động thì cần có những chế tài để hạn chế việc hút thuốc lá, đặc biệt là hút thuốc ở những nơi công cộng, địa điểm bị cấm. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Uyên.

Thuốc lá - thủ phạm đầu độc sức khỏe con người và môi trường sống

Thuốc lá - thủ phạm đầu độc sức khỏe con người và môi trường sống

- PV: Thưa bà, tại sao chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay là “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta”?

- Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay là “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” bởi vì sử dụng thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Thuốc lá gây ra những mối nguy hại cho không khí, trái đất và nguồn nước. Chúng thải ra các chất hóa học độc hại trong bầu khí quyển và hầu hết đầu lọc thuốc lá không bị phân hủy trong nhiều thập kỷ. Chính vì vậy, thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của sử dụng thuốc lá tới môi trường, không hút thuốc lá để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỉ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000-6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000-47.000 tấn nicotine và từ 300-600 triệu kg chất thải độc hại của các mẫu thuốc lá. Các tác động môi trường của việc sử dụng thuốc lá gây thêm áp lực không cần thiết đối với các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm, đặc biệt đối với các nước đang phát triển khi có hơn 80% số người sử dụng thuốc lá là tại các nước này.

- PV: Rác thải của thuốc lá ảnh hưởng đến môi trường như thế nào, thưa bà?

- Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Việc sản xuất thuốc lá đòi hỏi phải chặt hàng tỉ cây mỗi năm. Nhiều cây trong số này đến từ rừng nhiệt đới, nơi nạn phá rừng vì nhiều mục đích khác nhau đã xóa sổ rất nhiều các loài động vật và thực vật quan trọng. Hơn nữa, quá trình sản xuất thuốc lá cũng giải phóng độc tố vào không khí và đất. Suy thoái đất do ô nhiễm công nghiệp làm cho đất trồng trọt không thích hợp để trồng trọt. Hãy thử tưởng tượng, cứ khoảng 7 người thì có 1 người phải vật lộn để có đủ ăn, những vùng đất có thể trồng bắp hoặc đậu nành đang bị phá hủy làm lãng phí tài nguyên vốn đã hạn chế và góp phần gây ra nạn đói trên thế giới.

- PV: Như vậy thì thuốc lá cũng làm ô nhiễm nguồn nước?

- Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Đúng vậy! Có thể nói bãi biển là cái gạt tàn thuốc lá khổng lồ. Bởi vì, người hút thuốc lá có thể vứt tàn thuốc ở khắp mọi nơi, khi mưa xuống, chúng bị cuốn trôi ra sông rồi ra biển. Ngay cả khi những người hút thuốc vứt thuốc lá bằng cách xả chúng trong nhà vệ sinh, cống thoát nước vẫn mang chúng ra biển. Do vậy, thuốc lá gây ra tỷ lệ ô nhiễm đại dương lớn hơn cả ống hút nhựa, giấy gói và chai nhựa. Các vật liệu trong bộ lọc thuốc lá sẽ gây nguy hiểm đối với nhiều động vật thủy sinh. Các động vật như cá và rùa thường nhầm lẫn tàn thuốc với thức ăn của chúng, dẫn đến sự tích tụ làm tắc nghẽn đường tiêu hóa dẫn đến cái chết đau đớn ngay cả khi chúng đói vì không thể tiêu thụ được thức ăn. Bởi vì, nhựa được sử dụng trong các bộ lọc thuốc lá phải mất ít nhất cả thập kỷ để phân hủy, ngay cả khi mọi người dừng hút thuốc từ hôm nay thì vẫn sẽ có nhiều cái chết thương tâm xảy ra trong những năm tới.

- PV: Và khói thuốc lá chắc chắn sẽ làm ô nhiễm bầu không khí của chúng ta, thưa bà?

- Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Thuốc lá giải phóng các phân tử trong không khí giống như ôtô thải ra khí thải. Một nghiên cứu cho thấy khói thuốc lá thải ra lượng khí độc hại cao gấp 10 lần so với các loại nhiên liệu. Thuốc lá có chứa chất gây ung thư được biết đến như formaldehyd và benzene. Ngoài ra, khói có chứa độc tố như ammonia, carbon dioxide và cyanide. Những độc tố này gây tổn hại không thể phục hồi cho sức khỏe thể chất và cả ngoại hình. Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc có thể rụng từ 1-3 chiếc răng sau 10 năm. Các nghiên cứu cũng hé lộ rằng, thuốc lá gồm nhiều các yếu tố cực tím có thể làm tăng nguy cơ người hút thuốc mắc các bệnh ung thư khác ngoài ung thư phổi. Những tia phóng xạ này có thể ảnh hưởng đến mã di truyền của động vật khi tiếp xúc với khói thuốc. Giống như những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ hút thuốc sẽ có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao hơn, những động vật mới sinh tiếp xúc với khói thuốc có thể phải đối mặt với sự tuyệt chủng do những thay đổi trong DNA của chúng. Ngay cả những người chuyển sang hút thuốc lá điện tử cũng vẫn gây hại cho bầu không khí. Mặc dù các sản phẩm này đã bị cắt giảm lượng nhựa dính khiến vàng răng người hút thuốc lá nhưng chúng vẫn thải ra các chất độc hại vào không khí.

- PV: Bà có thể chia sẻ thêm về những kết quả đạt được của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) trên địa bàn tỉnh?

- Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Với sự hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật từ Quỹ PCTHTL, công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã mở vài chục lớp tập huấn với trên 2.000 lượt người dự cho những người làm công tác quản lý, cán bộ y tế, giáo viên, ban, ngành, đoàn thể, công an,... về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, tổ chức công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, kiểm tra, giám sát,... Bên cạnh đó là hàng chục buổi nói chuyện chuyên đề về THTL, các hội thi dành cho học sinh và đoàn viên, thanh niên trong tỉnh. Hàng năm đều có 120 đơn vị được giám sát việc thực hiện PCTHTL. Đặc biệt, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 76 đơn vị là trường học, cơ sở y tế, UBND xã, sở, ngành được công nhận là đơn vị đạt tiêu chuẩn không khói thuốc lá. Có 18 đơn vị đạt đơn vị không khói thuốc lá lần 2 và 12 đơn vị đạt đơn vị không khói thuốc lá lần 1. Tuy kết quả này còn khiêm tốn so với số đơn vị, cơ quan, trường học, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh nhưng sẽ là tiền đề để những năm sau có thêm nhiều đơn vị đạt danh hiệu Đơn vị đạt tiêu chuẩn không khói thuốc lá.

- PV: Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện nên việc cai thuốc lá không hề dễ. Vậy bên cạnh việc truyền thông vận động thì chúng ta có những giải pháp nào khác để giúp họ cai nghiện thuốc lá, thưa bà?

- Bà Nguyễn Hoàng Uyên: Để giúp người đang hút thuốc lá cai nghiện thuốc, ngoài việc nâng cao nhận thức về THTL đến sức khỏe và các vấn đề khác như môi trường, kinh tế gia đình,... chúng tôi còn tập trung thêm một số giải pháp. Đó là chúng tôi sản xuất các tài liệu truyền thông để người dân dễ tiếp cận các thông tin về PCTHTL sao cho đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Chúng tôi tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế về tư vấn cai nghiện thuốc lá để họ có đủ năng lực tư vấn, giúp đỡ người muốn từ bỏ thuốc lá. Chúng tôi cũng tập huấn cho những người có trách nhiệm trong việc xử lý, xử phạt các vi phạm hành chính trong PCTHTL để bảo vệ quyền lợi của người không hút thuốc lá.

- PV: Xin cảm ơn bà!

Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỉ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000-6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000-47.000 tấn nicotine và từ 300-600 triệu kg chất thải độc hại của các mẫu thuốc lá. Việc sản xuất thuốc lá đòi hỏi phải chặt hàng tỉ cây mỗi năm. Nhiều cây trong số này đến từ rừng nhiệt đới, nơi nạn phá rừng vì nhiều mục đích khác nhau đã xóa sổ rất nhiều các loài động vật và thực vật quan trọng"

Thanh Bình(thực hiện)

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thuoc-la-moi-de-doa-toi-moi-truong-cua-chung-ta-a136301.html