Thuốc nam điều trị đau dạ dày
Đau dạ dày là một triệu chứng thường gặp của bệnh viêm dạ dày. Đông y có các bài thuốc nam điều trị đau dạ dày rất hiệu quả.
1. Chức năng của dạ dày và đau dạ dày
Dạ dày là cơ quan quan trọng trong hệ thống tiêu hóa, có chức năng chứa đựng, nghiền nát thức ăn và thủy phân tiêu hóa tinh bột của khẩu phần ăn, hấp thu một phần chất dinh dưỡng từ thức ăn. Mặt khác, dạ dày còn có chức năng tạo máu, cho nên các bệnh nhân viêm dạ dày mạn tính thường nhìn sắc mặt xanh xao, thiếu máu.
Có đến 26% dân số Việt Nam mắc bệnh viêm dạ dày. Nguyên nhân gây bệnh do lối sống, sinh hoạt gia đình, bệnh dễ mang tính chất gia đình. Bệnh cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ trong dân văn phòng, phần nhiều do cơ chế thần kinh tiết dịch, môi trường làm việc căng thẳng, lo lắng quá mức, suy nghĩ nhiều. Các stress gia tăng dẫn đến rối loạn tăng tiết và ức chế dịch vị dạ dày.
Theo Y học cổ truyền, viêm dạ dày được xếp vào các chứng vị quản thống, ẩu vị, phúc thống…
Các triệu chứng thường gặp như đau vùng thượng vị, đau nhiều khi đói hoặc sau ăn, cảm giác chướng bụng, ậm ạch sau ăn, ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, chán ăn, buồn nôn…
Các triệu chứng xuất hiện nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ của công việc và quá trình điều trị sớm hay muộn mà bệnh nhẹ hay nặng. Đến khi nặng gây nên viêm dạ dày trào ngược thực quản. Các triệu chứng của bệnh luôn ám ảnh người bệnh làm cho người bệnh ăn ngủ không yên, nóng rát thực quản mỗi khi nằm và về đêm nhiều. Một số bệnh nhân xuất hiện trầm cảm do bệnh.
Về điều trị bệnh, Đông y chia các thể bệnh mà có các bài thuốc khác nhau cho từng thể. Bệnh nhân cần đi khám bác sĩ Đông y bắt mạch và cho thuốc theo thể bệnh sẽ nhanh khỏi hơn và hiệu quả điều trị nâng cao.
2. Các bài thuốc nam điều trị đau dạ dày
Bài 1 - Nhị trần thang gia giảm: Trần bì 12g, bán hạ 12g, bạch linh 10g, cam thảo 8g, lá khôi 12g, gừng tương 3 lát. Sắc uống trong ngày, điều trị chứng đau, đầy chướng bụng do viêm dạ dày.
Bài 2 - Tuyền phúc đại giả thang: Tuyền phúc hoa 12g, đại giả thạch chế 20g, bán hạ 12g, trần bì 8g, đại táo 12g, đảng sâm 10g, sinh khương 3 lát, đương quy 8g, sài hồ bắc 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, chiều. Uống sau ăn 30 phút.
Tác dụng điều trị các chứng viêm dạ dày trào ngược thực quản.
Bài 3 - Viên nghệ: Nghệ đỏ 3 phần, nghệ đen 1 phần, tam thất 1 phần. Tán bột rồi vê viên với mật ong, làm viên nhỏ như hạt đậu đen. Ngày uống 2 lần mỗi lần 8g vào lúc đói hoặc trước bữa ăn cơm 30 phút.
Tác dụng điều trị đau dạ dày, viêm cấp.
Bài 4 - Sài hồ sơ can thang gia giảm: Sài hồ 8g, trần bì 12g, thanh bì 12g, bạch thược 12g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, cam thảo 10g, đương quy 12g, bán hạ 7g, tiểu hồi hương 3g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, sáng chiều sau ăn cơm 30 phút.
Tác dụng chữa viêm dạ dày, đau, đầy chướng bụng.
Lưu ý: Các bài thuốc trên có tính chất tham khảo. Mỗi người thể trạng khác nhau, bệnh khác nhau... nên cần có sự khám xét tỉ mỉ rồi cho đơn của thầy thuốc đông y bệnh tình sẽ nhanh khỏi hơn.
Bên cạnh việc dùng thuốc người bị đau dạ dày cần chú ý kết hợp với các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, chế độ dinh dưỡng thích hợp với tình trạng bệnh để không làm cho bệnh nặng lên.
3. Phòng ngừa đau dạ dày
Để phòng ngừa các cơn đau dạ dày có thể xuất hiện, người bị đau dạ dày nên chú ý một số điểm sau:
Ăn đúng giờ, không ăn quá nhiều trong mỗi bữa. Ăn chậm, nhai kỹ, tập trung vào bữa ăn, ăn trong không khí thoải mái, không vừa ăn vừa làm việc.
Giảm căng thẳng, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi.
Luôn giữ tinh thần lạc quan, thoải mái trong cuộc sống hằng ngày.
Tránh thức khuya, tránh ăn các thức chua, cay, các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà, thuốc lá…
Thường xuyên rèn luyện thể chất.
Ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya, ăn tối muộn…
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-nam-dieu-tri-dau-da-day-16923042419422406.htm