'Thuốc tăng lực' cho vùng nuôi thủy sản Hải Dương

Thời gian qua, Hải Dương có nhiều chính sách hỗ trợ để đầu tư cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi thủy sản tập trung. Đây được coi như 'thuốc tăng lực' để tăng năng suất, giá trị của ngành thủy sản.

Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng thủy sản tập trung là động lực để thúc đẩy chăn nuôi thủy sản theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại

Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng thủy sản tập trung là động lực để thúc đẩy chăn nuôi thủy sản theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại

Tăng năng suất, tăng giá trị

Nhiều năm nay, vùng nuôi thủy sản ở xã Đoàn Kết (Thanh Miện, Hải Dương) rộng 84 ha là một trong những vùng nuôi thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Từ vùng đất chiêm trũng, nghèo nàn, với sự hỗ trợ của tỉnh, cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản này được đầu tư đồng bộ từ đường, trạm bơm, đường điện… và trở thành vùng nuôi thủy sản hiện đại bậc nhất của huyện Thanh Miện. Gần nhất là năm 2022, hệ thống đường điện của vùng nuôi thủy sản này được nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân. Ông Đặng Văn Tuyền, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Đoàn Kết chia sẻ: “Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ nên người dân cũng chủ động mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ nuôi thủy sản. Chăn nuôi ổn định nên năng suất thủy sản ngày càng tăng, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa”.

Thực hiện Đề án "Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, hiệu quả và bền vững giai đoạn 2021-2025", huyện Tứ Kỳ đã xây dựng liên vùng nuôi thủy sản công nghệ cao tại 3 xã Tái Sơn, Quang Phục và Tân Kỳ với tổng diện tích 296 ha. Để xây dựng liên vùng, huyện đã trích ngân sách hỗ trợ xây dựng 3 tuyến đường ra vùng nuôi thủy sản dài hơn 3 km tại xã Tái Sơn và Tân Kỳ; xây cầu Tân Lập để kết nối các vùng nuôi thủy sản. Việc đầu tư làm các tuyến đường góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, hoàn thiện xây dựng liên vùng nuôi thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao của huyện. Ngoài ra, huyện còn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc triển khai những mô hình thâm canh thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nhiều hộ ở vùng nuôi thủy sản tập trung xã Tái Sơn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, giá trị thủy sản

Nhiều hộ ở vùng nuôi thủy sản tập trung xã Tái Sơn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, giá trị thủy sản

Tại vùng nuôi thủy sản tập trung xã Tái Sơn, để đáp ứng nhu cầu của người dân, huyện đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 3 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài hơn 2,4 km. Hiện trên 60% tuyến đường trục chính của vùng sản xuất được trải bê tông, mặt đường rộng từ 3m trở lên. Việc ứng dụng công nghệ cao, đưa máy móc tự động, bán tự động vào sản xuất cũng đang được người dân thực hiện. Nhờ đó, năng suất thủy sản của xã tăng 1,2-1,5 lần so với phương thức nuôi truyền thống.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, những năm qua sản xuất thủy sản của tỉnh phát triển ổn định. Tổng diện tích nuôi thủy sản của toàn tỉnh khoảng 12.455 ha. Khoảng 75% sản lượng cá cung cấp ra thị trường được nuôi trong ao. Do đó, Hải Dương rất quan tâm đến việc phát triển các vùng nuôi tập trung và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Có tới 90% diện tích sản xuất thủy sản của địa phương được nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 105.200 tấn, tăng 7,5% so cùng kỳ năm trước; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và thủy sản đạt 198,6 triệu đồng/ha, vượt mục tiêu tỉnh đã đề ra.

Cần tiếp tục đầu tư

Tuyến đường ra vùng nuôi thủy sản tập trung của xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp gây khó khăn cho người nuôi

Tuyến đường ra vùng nuôi thủy sản tập trung của xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp gây khó khăn cho người nuôi

Khi biết vùng nuôi thủy sản tập trung của xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) sắp được tỉnh đầu tư hạ tầng, anh Nguyễn Đình Trung ở thôn Lai Hà, xã Hoàng Diệu rất phấn khởi. “Bao năm nay, con đường dẫn vào vùng nuôi thủy sản của xã vẫn nhỏ hẹp và lầy lội, đi lại khó khăn. Do đó, dù công sức đầu tư như nhau nhưng giá bán sản phẩm lúc nào cũng thấp hơn các vùng khác từ 3 – 4 giá do phải thêm chi phí vận chuyển ra ngoài đường lớn. Nếu được đầu tư đường sá, chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ tăng”.

Được biết, tới đây, vùng nuôi thủy sản rộng 38 ha của xã Hoàng Diệu sẽ được tỉnh đầu tư khoảng 14 tỷ đồng mở rộng và cứng hóa đường giao thông với tổng chiều dài gần 3 km; xây dựng tường kè chắn đất với tổng chiều dài khoảng 900 m.

Hải Dương hiện có 214 vùng nuôi thủy sản tập trung, với quy mô từ 5 ha trở lên, tổng diện tích 4.889 ha. Tuy nhiên hạ tầng các vùng sản xuất còn khó khăn, đặc biệt là giao thông, điện, thủy lợi, cản trở việc sản xuất, lưu thông hàng hóa. Để giải quyết những khó khăn này, hỗ trợ cho các vùng nuôi thủy sản, trong giai đoạn 2021 – 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã đề xuất 26 dự án nông nghiệp ở 9 huyện, thành phố và thị xã với tổng chi phí gần 609 tỷ đồng. Trong đó có 22 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi thủy sản với quy mô 1.384 ha. Các dự án này tập trung cải tạo nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội đồng, nạo vét lòng kênh dẫn nước, xây dựng cống điều tiết nước, xây mương tiêu thoát nước, tường kè chắn đất... Các dự án này nằm trong Quy hoạch tỉnh như vùng thủy sản Tái Sơn – Quang Phục – Tân Kỳ (Tứ Kỳ), Minh Hòa, Tân Dân (Kinh Môn), Tam Kỳ - Đại Đức (Kim Thành), Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) …

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ sẽ giúp các hộ dân có thêm điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu "sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao" mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

KHÁNH HÒA

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/thuoc-tang-luc-cho-vung-nuoi-thuy-san-hai-duong-382431.html