Thuốc trị Covid-19 của Merck - 'Yếu tố thay đổi cuộc chơi'
Molnupiravir, một loại thuốc kháng virus do hãng dược Merck và Ridgeback phát triển, đang được kỳ vọng là yếu tố 'thay đổi cuộc chơi' trong cuộc chiến với dịch Covid-19.
Theo Bloomberg, loại dược phẩm này được cho là có tác dụng làm giảm tới một nửa nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với các bệnh nhân Covid-19, dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng mới nhất.
Những hứa hẹn về một loại thuốc trị Covid-19 mà người bệnh có thể dễ dàng mua và sử dụng tại nhà đã khiến chính phủ một số nước tìm cách đặt mua Molnupiravir, trước cả khi các cơ quan y tế ra quyết định có nên sử dụng chúng hay không.
Tên gọi và chức năng
Molnupiravir là tên hóa học của một loại dược phẩm dạng viên nang, được điều chế ban đầu để điều trị các chứng cảm cúm.
Dược phẩm này được quảng cáo có thể gây ức chế khả năng sao chép của virus corona, dựa theo cơ chế được gọi là "đột biến gây sát thương". Nói một cách dễ hiểu, Molnupiravir phá hủy quá trình tái tạo vật chất di truyền của virus corona, khiến các bản sao virus do chúng sản sinh đều gặp lỗi.
Loại thuốc viên này được điều chế lần đầu tại Đại học Emory ở thành phố Atlanta (Mỹ), sau đó được phát triển dưới sự hợp tác của hai hãng dược Merck & Co và Ridgeback Biotherapeutics LP.
Tính hiệu quả
Theo một tuyên bố của Merck vào ngày 1/10, những phân tích dữ liệu từ một thử nghiệm lâm sàng của hãng cho thấy Molnupiravir làm giảm nguy cơ nhập viện tới 50% đối với người nhiễm virus corona.
Thử nghiệm đã so sánh kết quả từ 28 bệnh nhân nhập viện bởi Covid-19 được dùng Molnupiravir với 53 bệnh nhân khác chỉ được dùng giả dược. Qua 29 ngày theo dõi, không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận ở những bệnh nhân dùng Molnupiravir, trong khi 8 trong số các bệnh nhân dùng giả dược đã tử vong.
Tất nhiên, quy mô của thử nghiệm này còn tương đối nhỏ và cần có thêm nhiều nghiên cứu mang tính thuyết phục hơn đối với Molnupiravir. Tuy nhiên, kết quả này vẫn đủ tính khích lệ để Merck và Ridgeback, với sự tham vấn của các quan sát viên độc lập và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), quyết định tạm dừng sớm các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và triển khai luôn các thủ tục để cấp phép sử dụng, phân phối loại thuốc này ra thị trường.
Tại một hội nghị hồi tháng 9, phía Merck cho hay, theo một nghiên cứu ban đầu của hãng, Molnupiravir còn có khả năng ngăn ngừa các biến thể virus corona phổ biến nhất như Delta và Gamma.
Khác biệt với các loại thuốc trị Covid-19 khác
Thuốc Remdesivir của hãng Gilead Sciences, cũng như các kháng thể đơn dòng khác dùng cho việc ngăn ngừa và điều trị Covid-19, mới chỉ được sử dụng bằng cách bơm qua đường truyền tĩnh mạch của bệnh nhân. Điều này đồng nghĩa với việc người nhiễm Covid-19 muốn được điều trị bằng những liệu pháp trên chỉ có thể đến bệnh viện hoặc phòng khám.
Ưu điểm chính của Molnupiravir là do có dạng viên nang, nên chúng có thể được dùng cho việc điều trị người nhiễm Covid-19 ngay tại nhà. Bên cạnh đó, giá thành của Molnupiravir cũng được cho là khá rẻ: Một liệu trình điều trị sẽ chỉ có giá khoảng 700 USD, bằng 1/3 chi phí điều trị bằng kháng thể đơn dòng, theo Thời báo New York.
Bloomberg cho rằng, một loại thuốc kháng virus an toàn, giá cả phải chăng và dễ sử dụng là phương pháp điều trị Covid-19 lý tưởng nhất. Thuốc không chỉ trực tiếp ngăn ngừa, mà còn hạn chế tác hại của virus corona đối với cơ thể người nhiễm, đồng thời rút ngắn thời gian ủ bệnh.
Cách thức sử dụng
Đối với những người trưởng thành nhiễm Covid-19 từ mức độ nhẹ đến trung bình, Molnupiravir thường được sử dụng với liệu trình uống 1 viên cách nhau 12 tiếng trong khoảng 5 ngày liên tục.
Nhiều nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để xác định phác đồ điều trị hiệu quả nhất đối với loại thuốc này, và liệu chúng có tác dụng đối với các bệnh nhân trở nặng hay không. Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng đang kiểm định tính hiệu quả của Molnupiravir trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona ở các gia đình có một hoặc nhiều thành viên nhiễm Covid-19.
Tác dụng phụ
Theo phân tích tạm thời từ thử nghiệm mới nhất của Merck, chỉ 1,3% bệnh nhân Covid-19 dùng Molnupiravir gặp phải tác dụng phụ, so với 3,4% ở nhóm bệnh nhân dùng giả dược. Dù vậy, loại thuốc này cần phải được đánh giá trên một nhóm bệnh nhân lớn hơn để xác định đúng mức độ an toàn.
Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cũng được khuyến cáo không nên sử dụng Molnupiravir, do chúng có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh đối với thai nhi.
Quá trình phân phối
Merck dự kiến sẽ triển khai 10 triệu liệu trình điều trị bằng Molnupiravir vào cuối năm 2021, và sản xuất một số lượng viên uống lớn hơn vào năm 2022.
Hồi tháng 6, hãng dược này đã đồng ý ký một thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ USD với chính phủ Mỹ. Theo đó, Merck sẽ tiến hành 1,7 triệu liệu trình điều trị bằng Molnupiravir sau khi loại thuốc này được FDA chấp thuận hoặc cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Trước đó 2 tháng, Merck đã công bố các thỏa thuận cấp phép tự nguyện sản phẩm cho các nhà sản xuất dược phẩm ở Ấn Độ, để đẩy nhanh quá trình phân phối Molnupiravir tới hơn 100 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ngay sau khi loại thuốc này đạt được các thủ tục phê duyệt cần thiết.
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Thái Lan, đảo Đài Loan (Trung Quốc)… cũng đang đàm phán để đặt mua trước Molnupiravir, dù loại thuốc này vẫn chưa được giới chức y tế của các nước trên đánh giá và phê chuẩn.
Khả năng thay thế vắc xin
Bloomberg cho rằng, khả năng một loại thuốc đặc trị Covid-19 có thể thay thế vắc xin là điều không thể. Tiêm phòng vẫn được coi là lá chắn hiệu quả nhất để phòng chống virus corona.
Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục xảy ra ngay cả ở những cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao, các liệu pháp điều trị vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, đặc biệt ở người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu.
Dù vậy, tuyến phòng thủ đầu tiên và tốt nhất đối với Covid-19 vẫn là việc tránh để bị nhiễm bệnh ngay từ đầu. Các biện pháp y tế công cộng, chẳng hạn như đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội, vẫn là chìa khóa để ngăn ngừa sự lây truyền của virus corona và sớm chấm dứt đại dịch.
Việt Anh