Thương chiến Hàn-Nhật nóng dần, Trung Quốc sẽ hưởng lợi?
Viễn cảnh hai đồng minh Đông Bắc Á của Mỹ đối đầu nhau sẽ là một lợi thế cả về chính trị lẫn kinh tế cho Trung Quốc.
Theo tờ South China Morning Post, Ngày 9-7, Nhật Bản khẳng định vẫn tiếp tục quy định hạn chế một số mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao từ Hàn Quốc, bất chấp tuyên bố trước đó của Bộ trưởng Thương mại Hiroshige Seko rằng Tokyo "cởi mở với các cuộc trao đổi". Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đe dọa rằng Seoul đã chuẩn bị "các biện pháp đáp trả cần thiết".
Trước đó, vào ngày 1-7, Tokyo tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu ba chất sau: Fluorinated polyamide được dùng trong việc sản xuất điện thoại thông minh, photoresist và hydrogen fluoride dùng trong chất bán dẫn. Tinh đến tháng 5-2019, các công ty Hàn Quốc phải nhập khẩu hầu hết các chất này từ Nhật ở mức 92-94%.
Những diễn biến trên nhiều khả năng sẽ gây khó khăn cho các tập đoàn công nghệ của Hàn Quốc như LG hay Samsung. Lâu nay các tập đoàn này phụ thuộc khá nhiều vào các công ty cung cấp vật liệu Nhật Bản. Thị trường cung ứng Nhật Bản cũng phải chịu tác động không nhỏ khi họ giờ đây phải tìm kiếm nguồn khách hàng mới thay cho Hàn Quốc.
Về phía Hàn Quốc, các nhà phân tích dự đoán chính quyền nước này sẽ đáp trả Nhật bằng cách ngăn không xuất khẩu màn hình OLED (vốn được dùng trong các thiết bị như màn hình TV, màn hình máy tính, điện thoại di động, máy chơi điện tử cầm tay). Hành động này chắn chắn sẽ giáng một đòn nặng nề vào khả năng sản xuất TV cao cấp của công ty Nhật Bản.
Lịch sử quan hệ biến động của hai nước
South China Morning Post cho biết thực chất những bất đồng giữa hai nước không chỉ dừng lại ở căng thẳng thương mại. Gốc rễ của vấn đề được cho là bắt nguồn từ thời kỳ bán đảo Triều Tiên còn là thuộc địa của Nhật cho đến khi kết thúc Thế chiến II.
Trong khi phía Hàn Quốc khẳng định các công ty Nhật phải bồi thường đầy đủ cho các nạn nhân bị cưỡng bước lao động, thì lập trường của Nhật cho đến giờ là vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến đã được giải quyết xong khi hai nước ký hiệp ước khôi phục quan hệ ngoại giao năm 1965.
Cả hai nước cùng thiệt hại
Mặc dù vậy, theo Giáo sư Ryo Hinata-Yamaguchi thuộc Học viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế (Hàn Quốc), quan hệ Nhật-Hàn không chỉ đơn giản dừng ở việc Hàn Quốc phụ thuộc một chiều vào Nhật Bản. Căng thẳng thương mại giữa hai nước chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho đôi bên.
“Nhật Bản là nơi sản xuất các công nghệ và hóa chất quan trọng với các ngành công nghệ Hàn Quốc, trong khi đó Hàn Quốc lại là thị trường tiêu thụ những mặt hàng trên”, ông Yamaguchi cho biết.
Đồng quan điểm giảng viên kinh tế chính trị toàn cầu thuộc Đại học George Mason (Mỹ) June Park cũng đánh giá rằng nền kinh tế hai nước kết nối và bộ trợ lẫn nhau. Điển hình là việc các công ty Hàn Quốc sẽ chế tạo các chất bán dẫn sử dụng vật liệu Nhật, sau đó bán các sản phẩn này ngược lại thị trường Nhật.
“Tuy nhiên, với mức độ căng thẳng như hiện nay, sự chia tách giữa hai bên không phải là viễn cảnh không thể xảy ra. Những tranh cãi này nếu tiếp tục kéo dài có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa, tác động đến chuỗi cung ứng chip điện tử toàn cầu trong cũng như ảnh hưởng đến các nhà sản xuất điện thoại thông minh trên thế giới như Apple và Huawei”, bà Park cho biết thêm.
Trung Quốc hưởng lợi
Một khi khoảng trống trong chuỗi cung ứng Nhật-Hàn lớn dần khi căng thẳng hai bên dâng cao, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ nhanh chóng tiến vào khỏa lấp và gặp hái những thành quả to lớn. Lợi thế về cạnh tranh sẽ là món lợi trước mắt.
Chiến tranh thương mại với Mỹ khiến Trung Quốc phải tăng cường phát triển ngành công nghiệp vi mạch, cũng như giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia bên ngoài.
Điểm mấu chốt trong kế hoạch này của Trung Quốc là tập trung vào ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn của nước này.
Theo kế hoạch Made in China 2025 được công bố năm 2015, mục tiêu của Bắc Kinh trong lĩnh vực chất bán dẫn là Trung Quốc sẽ đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng trong nước, và sẽ cố đạt mức 70% vào năm 2025. Hiện nước này chỉ mới đạt được mốc 10% nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, với căng thẳng Nhật-Hàn làm đình trệ chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà phân tích cảnh báo Bắc Kinh có thể về đích sớm hơn.
Nếu Trung Quốc có thể tận dụng căng thẳng Nhật-Hàn hiện nay, nước này sẽ chỉ cần một thập kỷ để vươn lên trong cuộc cạnh tranh giữa ba quốc gia trong ngành công nghiệp chất bán dẫn. Từ cuối thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21, Nhật giữ vai trò thống trị. Từ những năm 2010 trở đi, Hàn Quốc thay thế vị trí này.
“Trung Quốc chắc chắn có nhiều động lực để thúc đẩy vai trò của họ trong ngành công nghiệp bán dẫn… Thời gian sẽ chứng minh liệu Trung Quốc có trở thành kẻ hưởng lợi duy nhất trong vấn đề này hay không. Ngành công nghiệp bán dẫn rất là phức tạp, và việc tranh giành vị trí đứng đầu ngành này đã diễn ra trong suốt 40 năm qua”, giảng viên June Park nói.
Lợi ích chính trị của Trung Quốc
Ngoài khía cạnh kinh tế, Trung Quốc còn có thể đạt được một số lợi ích về địa chính trị giữa căng thẳng Nhật-Hàn.
Giáo sư Hinata-Yamaguchi nhận định diễn biến tiêu cực giữa Nhật và Hàn Quốc sẽ có lợi cho Trung Quốc về mặt địa-chính trị. Theo ông, Bắc Kinh lâu nay luôn cảnh giác với mối quan hệ của hai nước này, lo ngại về khả năng trục Nhật-Hàn phát triển thành một liên minh ngang hàng với Trung Quốc.
Tệ hơn, nếu liên minh này nhận được sự hỗ trợ của Mỹ, nó sẽ trở thành một liên minh toàn cầu đủ sức kìm hãm các hoạt động mở rộng quân sự của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương. Điều tương tự đã xảy ra với Nga ở châu Âu khi nước này bị NATO ngán đường.
"Quan hệ ngoại giao Hàn-Nhật từng bị đình trệ trong thời gian dài. Nhưng nếu quan hệ kinh tế giữa hai nước này xấu đi, thì sẽ không chỉ gây ra những vấn đề kinh tế cho cả hai phía, mà còn khiến cho quan hệ song phương Nhật-Hàn đi xuống mức thấp hơn nữa”, ông Yamaguchi cho biết, đồng thời khuyến nghị chính quyền hai nước nên nhanh chóng nỗ lực duy trì sự ổn định trong quan hệ song phương trước những rủi ro nghiêm trọng về kinh tế.
Giáo sư cảnh báo những rủi ro này nếu không được giải quyết sẽ chỉ làm lợi cho Trung Quốc.