Thương chiến Mỹ - Trung hứa hẹn còn kéo dài và gay gắt
Cuộc thương chiến Mỹ - Trung tưởng như đã có thể yên bình vào cuối tuần trước, đã lại chuyển sang một giai đoạn mới khốc liệt hơn khi cả hai phía đều tung ra những đòn tấn công và phòng thủ mạnh mẽ ngay đầu tuần này, hứa hẹn một cuộc xung đột kéo dài và gay gắt.
Ăn miếng trả miếng
Ngay thứ Sáu 10-5, Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị 200 tỉ đô la, và chuẩn bị tăng thuế lên 25% đối với lượng hàng Trung Quốc nhập khẩu trị giá hơn 300 tỉ đô la nữa. Cùng lúc, hy vọng về việc hai bên đạt được thỏa thuận để tránh rơi vào vòng xoáy chiến tranh thương mại cũng trở nên bất định hơn vào cuối tuần qua do hai phía không thu hẹp được những mối bất đồng quá lớn. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông chưa quyết định có triển khai đợt tăng thuế cuối cùng này hay không mà còn chờ thiện chí đàm phán của Trung Quốc.
Bắc Kinh nhanh chóng trả đũa. Hôm thứ Hai 13-5, Bộ Tài chính Trung Quốc công bố sẽ tăng thuế, từ 10% lên 20% và 25% lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu trị giá 60 tỉ đô la, bắt đầu từ ngày 1-6 tới, mức cao nhất được áp cho các sản phẩm dệt may, thịt bò, cà phê và hàng công nghệ như lò vi ba, máy in và pin mặt trời.
Nhiều học giả Trung Quốc đang thảo luận khả năng bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ và cách thức thực hiện việc đó”. Cảnh Sảng (Geng Shuang), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, “Trung Quốc không bao giờ khuất phục trước áp lực của nước ngoài... Chúng tôi quyết tâm và có khả năng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chúng tôi”. Một biện pháp mà Trung Quốc có thể sẽ làm là gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, thậm chí phát động dân chúng tẩy chay sản phẩm Mỹ.
Vụ ăn miếng trả miếng giữa hai đối tác thương mại lớn nhất thế giới kích hoạt tâm lý bất an trong giới đầu tư, kinh doanh. Trong phiên giao dịch thứ Hai 13-5, hầu hết các thị trường chứng khoán đều đỏ rực, chỉ số Nasdaq giảm tới 3,6% trong khi Dow Jones và S&P 500 đều giảm ở mức nặng nhất kể từ đầu năm đến nay. Rõ ràng thương chiến không dễ dàng và trước mắt không mang lại điều gì tích cực cho kinh tế hai nước, nhưng tại sao ông Trump vẫn kiên quyết tiến tới?
Đằng sau những dòng thuế
Những người theo dõi quan hệ thương mại Mỹ và Trung Quốc đều thấy, vụ ăn miếng trả miếng về thuế nhập khẩu hàng hóa chỉ là bề nổi che giấu sự bất đồng sâu sắc hơn về cung cách thương mại giữa hai nền kinh tế. Trung Quốc đã và đang sử dụng mọi cách để đẩy mạnh tăng trưởng, vượt qua Mỹ và chiếm lĩnh vị trí thống trị nhiều lĩnh vực công nghệ cao.
Xung đột giữa hai bên trong 11 phiên đàm phán vừa qua không phải là vấn đề thuế suất, thậm chí cũng không phải là vấn đề chênh lệch cán cân thương mại mà trong đó Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ quá nhiều, mua lại quá ít dẫn tới thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng nhanh.
Cuộc thương chiến không chỉ nhằm cân bằng quan hệ thương mại, ép Trung Quốc mua thêm nhiều hàng hóa của Mỹ, mà quan trọng hơn là buộc Trung Quốc phải thay đổi cung cách làm ăn. Bế tắc thật sự xảy ra khi phía Trung Quốc cho tới nay vẫn không muốn thay đổi luật lệ liên quan tới bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp nước ngoài, chấm dứt cưỡng bức chuyển giao công nghệ, tài trợ các doanh nghiệp nhà nước và nhiều vấn đề khác vốn là trọng tâm của cuộc thương chiến.
Một lĩnh vực xung đột chủ yếu là nạn ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Chính phủ D.Trump muốn hiệp định phải có cơ chế cưỡng bức thi hành, nếu Trung Quốc không cải thiện thành tích thì việc áp đặt thuế sẽ được tự động triển khai, nhưng Trung Quốc muốn mọi trình tự thi hành phải được thông qua các kênh thực thi pháp luật của Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc phản đối việc công bố toàn văn của thỏa thuận thương mại mà chỉ công bố bản tóm tắt trong khi phía Mỹ, theo luật, nội dung thỏa thuận thương mại phải được Quốc hội phê chuẩn, nghĩa là toàn văn hiệp định phải được công khai cho dân chúng biết, bàn luận và phát biểu ý kiến.
Nước cờ khai cuộc của người Mỹ
Ông Trump và bộ tham mưu kinh tế của mình đã chuẩn bị khá kỹ cho cuộc đối đầu với Trung Quốc. Biết rằng thương chiến sẽ tác động tiêu cực tới doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, Washington đã thông qua luật thuế mới ngay trong năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, giảm thuế khá hào phóng cho doanh nghiệp và người dân trong nước để họ có sức chống đỡ mức tăng giá hàng hóa do thuế tăng; ông Trump cũng nhiều lần yêu cầu Cục Dự trữ liên bang (Fed) hoãn việc tăng lãi suất cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát khi giá cả tăng.
Với một nền kinh tế tăng trưởng khá ổn định ở mức trên dưới 3%/năm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ, Chính phủ Mỹ tự tin khai mào cuộc đấu trí với Trung Quốc về thương mại. Nếu thành công, Mỹ sẽ buộc Trung Quốc mở cửa và tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Mỹ nói riêng.
Được sự ủng hộ của lưỡng đảng cho đối sách cứng rắn với Trung Quốc, ông Trump sẽ không nhân nhượng nhiều và nếu Trung Quốc không xuống thang thì triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại giữa hai nước Mỹ-Trung là khá u ám.
Việt Nam đứng ở đâu trong cuộc thương chiến?
Ngoài thuế suất, Chính phủ Mỹ còn có “vũ khí” là ngăn chặn các công ty Trung Quốc mua bán các doanh nghiệp công nghệ Mỹ và yêu cầu các đồng minh châu Âu và Nhật Bản làm như vậy theo nguyên tắc có đi có lại: Trung Quốc không được làm những gì mà doanh nghiệp nước ngoài không được làm ở Trung Quốc.
Nhưng trong giai đoạn đầu, ông Trump chỉ muốn sử dụng công cụ thuế và không giấu giếm ý đồ thúc đẩy các doanh nghiệp, kể cả công ty Trung Quốc, chuyển sang các nước Đông Nam Á, để tránh thuế khi xuất hàng vào Mỹ. Trong tweet mới nhất hôm thứ Hai, ông Trump còn khuyến khích dân Mỹ mua hàng của Việt Nam, vận động doanh nghiệp chuyển sang Việt Nam để được ưu đãi thuế khi xuất hàng vào Mỹ.
Một số người Việt Nam coi đây là cơ hội tốt cần nắm lấy. Tuy nhiên thực tế có nhiều bất cập: Việt Nam - cũng như nhiều nước Đông Nam Á, có nguồn nhân công rẻ, nhưng so với Trung Quốc, nhân công thiếu tay nghề và trình độ, cơ sở hạ tầng yếu kém, khó có thể thay thế Trung Quốc với tư cách nguồn cung cấp hàng hóa giá rẻ cho thị trường Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6 tới. Giới phân tích hy vọng hai nhà lãnh đạo sẽ xử lý được bất đồng và một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ sớm được ký kết, chấm dứt tình trạng bất an có nguy cơ làm đình trệ hoạt động thương mại toàn cầu hiện nay.
Huỳnh Hoa