Thương chiến với Mỹ, Trung Quốc dốc tiền làm chip nhớ DRAM

Trước nguy cơ có thể sụp đổ hoàn toàn ngành công nghệ điện tử trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ, các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh tự chế tạo các loại chip nhớ quan trọng bằng công nghệ của chính họ.

Trung Quốc đang đầu tư vào việc phát triển các loại chip quan trọng trong nước - Ảnh: Nikkei Asian Review

Trung Quốc đang đầu tư vào việc phát triển các loại chip quan trọng trong nước - Ảnh: Nikkei Asian Review

Vài tháng tới, một công ty Trung Quốc chỉ mới được thành lập hồi năm 2016 sẽ thành nhà sản xuất hàng loạt chip nhớ đầu tiên của quốc gia này, nhằm cạnh tranh với những người khổng lồ như Samsung Electronics và Micron Technology ở thị trường trị giá 100 tỉ USD mỗi năm trên toàn cầu.

Theo các nguồn tin của Nikkei Asian Review, Changxin Memory Technologies, trước đây được biết đến với tên Innotron Memory, đã thiết kế lại các chip nhớ truy cập ngẫu nhiên động hay DRAM của mình để giảm thiểu việc sử dụng công nghệ Mỹ, cũng như tránh vi phạm các bằng sáng chế và khả năng trở thành nạn nhân của lệnh cấm từ Mỹ.

Hành động này được thực hiện trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày một căng thẳng và chính quyền Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp địa phương tự chế tạo các loại chip quan trọng bằng công nghệ trong nước.

Dù Changxin không thể loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa này khi việc sản xuất của họ vẫn phụ thuộc vào các nhà cung cấp công cụ thiết kế và thiết bị chế tạo chip từ Mỹ, việc thiết kế lại chip sẽ bảo vệ công ty nhằm chống lại các cáo buộc tiềm năng của Mỹ về việc trộm cắp sở hữu trí tuệ.

Changxin cho hay họ đã đầu tư 8 tỉ USD vào một nhà máy sản xuất chip tại thành phố Hợp Phì, với dự định bắt đầu sản xuất các linh kiện bộ nhớ quan trọng này vào cuối năm nay. Các chip DRAM đang trở thành bộ nhớ trong hàng tỉ thiết bị, từ laptop tới smartphone, các trung tâm dữ liệu cho tới cả ô tô với thị trường lên tới gần 100 tỉ USD mỗi năm.

Thị trường DRAM toàn cầu hiện có giá trị khoảng 99,65 tỉ USD vào năm 2018 và ba công ty Samsung Electronics, SK Hynix của Hàn Quốc cùng Micron Technology của Mỹ đang kiểm soát đến 95% thị phần toàn cầu.

Vào tháng trước, CEO của Changxin, Zhu Yiming nói rằng việc thiết kế lại DRAM của Changxin Memory được dựa trên công nghệ của Qimonda, một chi nhánh của nhà sản xuất chip Infineon của Đức, nhưng đã đệ đơn xin phá sản vào năm 2009.

Dù vậy, Changxin vẫn phải phụ thuộc kha khá vào công nghệ Mỹ, như các nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới khác. Họ vẫn cần sử dụng thiết bị từ các công ty Mỹ như Applied Material, Lam Research, KLA-Tencor, cũng như vật liệu từ Dow Chemical và các nhà cung cấp công cụ tự động thiết kế điện tử khác từ Cadence và Synopsys.

Theo nguồn tin của Nikkei, công ty Trung Quốc này sẽ bắt đầu sản xuất khoảng 10.000 tấm wafer một tháng khi đưa dây chuyền chính thức hoạt động. Sản lượng này hiện vẫn còn quá ít so với tổng sản lượng 1,3 triệu tấm wafer DRAM mỗi tháng như hiện nay trên toàn cầu. Dù vậy, đây vẫn được xem là một bước đột phá quan trọng đối với Trung Quốc khi quốc gia này hiện không có nhà sản xuất DRAM nào trong nước.

"Công ty Trung Quốc… nhắm đến việc đạt mức sản lượng và công nghệ như 3 công ty hàng đầu, thay vì chỉ làm ra các DRAM chuyên dụng cho những thị trường ngách nhỏ", một nguồn tin công nghệ nói với Nikkei về tham vọng của công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu đầy tham vọng này còn phụ thuộc vào chất lượng và độ ổn định của sản xuất khi Changxin tăng công suất sản xuất chip.

Ngoài chip DRAM, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc chế tạo các loại chip quan trọng khác trong nước như bộ nhớ flash NAND, giúp lưu trữ dữ liệu khi nguồn điện bị mất. Dự án sản xuất bộ nhớ NAND flash đầu tiên của quốc gia này là công ty Yangtze Memory Technologies Co., do nhà nước hậu thuẫn, sẽ bắt đầu sản xuất vào cuối năm nay và có thể thách thức cả Samsung, Toshiba, Western Digital và Micron.

Ái Vi (theo Nikkei Asian Review)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/cong-nghe-cuoc-song-c-104/thuong-chien-voi-my-trung-quoc-doc-tien-lam-chip-nho-dram-115036.html