'Thương cho roi cho vọt' có phải cách giáo dục tốt?
Dạy con bằng cách đánh mông là một chủ đề nóng không ngừng gây tranh cãi, nhất là vài chục năm trở lại đây. Khoa học đã chứng minh rằng việc đánh mông có thể dẫn tới nhiều hậu quả xấu về phát triển tâm lý, sức khỏe và hành vi xã hội của trẻ sau này.
Hầu hết các bậc cha mẹ đều cho rằng " Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" là cách giáo dục con trẻ tốt nhất. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được công bố mới đây trên Tạp chí Nhi khoa, khi đánh mông trẻ, cha mẹ đang vô tình khiến con cái họ trở thành người bạo lực trong tương lai.
Tác giả chính của nghiên cứu là Jeff Temple, giáo sư khoa thần kinh học tại chi nhánh y tế Đại học Taxes, cho biết: "Chúng tôi đã hỏi 758 trẻ em ở độ tuổi từ 19 đến 20 tuổi bị thương về tần suất bị đánh mông, tát như một hình thức trừng phạt khi chúng còn nhỏ. Những đứa trẻ từng trải qua hình phạt thể xác nhiều khả năng đã có hành vi bạo lực khi hẹn hò gần đây".
Kết quả này vẫn ở tình trạng cao ngay cả khi các yếu tố như tình dục, tuổi tác, sự giáo dục của phụ huynh, sắc tộc và lạm dụng trẻ em đã được kiểm soát.
Kết quả này không có gì là ngạc nhiên đối với tiến sĩ Bob Sege, người phát ngôn của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, người chuyên về phòng chống bạo lực ở trẻ em. Học viện phản đối mạnh mẽ việc đánh đạp một đứa trẻ vì bất cứ lý do gì. Họ chỉ ra các nghiên cứu rằng sự trừng phạt thân thể có liên quan tới sự rối loạn tâm lý, phạm tội và chống đối xã hội.
"Nghiên cứu này khẳng định và mở rộng các nghiên cứu trước đây cho thấy trẻ em từng trải qua bạo hành khi ở nhà sẽ có hành vi bạo lực khi chúng trưởng thành. Đối với trẻ thì cha mẹ là người có ảnh hưởng lớn nhất đến chúng trong cuộc sống và chúng sẽ học theo những hành vi, thái độ ứng xử của cha mẹ. Hình phạt thể xác làm lẫn lộn ranh giới giữa tình yêu và bạo lực trong trẻ em khi chúng còn đang học cách đối xử với người khác".
Ủy ban Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em định nghĩa trừng phạt thân thể là "bất kỳ sự trừng phạt nào trong đó có sử dụng tác động vật lý và gây ra một số mức độ đau đớn hoặc khó chịu kể cả là nhẹ". Ngoài hình thức phổ biến như đánh đòn hay tát, Liên hợp quốc cũng xác định những hành vi như "đá, lắc, ném, cào, cắn, kéo tóc hoặc tạt tai, buộc trẻ em vào các hoàn cảnh khó chịu như làm bỏng, hoặc bắt buộc nuốt (như rửa miệng trẻ em bằng xà phòng) đều là hình thức trừng phạt thân thể.
Cơ quan Global Initiative của LHQ đã thuyết phục 53 quốc gia và bang từ năm 2001 cấm hành vi trừng phạt trẻ nhỏ dù là vấn đề riêng trong nhà.
Đòn roi không giúp trẻ nghe lời hơn
Tiến sĩ Elizabeth Gershoff, nhà nghiên cứu hàng đầu về trừng phạt thân thể tại Đại học Texas, Austin, cho biết: "Đòn roi không hiệu quả trong việc khiến trẻ nghe lời. Do đó, cha mẹ nghĩ rằng, họ tiếp tục phải nâng mức độ trừng phạt lên cao hơn nữa. Đây cũng chính là lý do vì sao biện pháp kỷ luật này lại nguy hiểm đến vậy".
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 9 vừa qua đã hỏi hơn 8000 người lớn tuổi từ 19 đến 97 về thời thơ ấu của họ khi bị đánh vào người và phát hiện ra rằng những người bị đánh đập thường uống nhiều rượu, sử dụng ma túy đường phố và hay có suy nghĩ tự sát.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ gọi những sự kiện bất lợi này là "một vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng" do mối liên hệ mạnh mẽ của chúng đối với nhiều vấn đề sức khỏe, xã hội và hành vi trong suốt cuộc đời của một người, bao gồm rối loạn sử dụng chất gây nghiện, hút thuốc; tim, phổi và bệnh gan; và hiệu suất công việc kém.
Những nghiên cứu đều khuyến nghị phụ huynh và người chăm sóc trẻ làm mọi thứ có thể để tránh sử dụng đòn roi và kêu gọi việc này phải được chấm dứt tại tất cả mọi nơi dù ở nơi công cộng hay ở nhà. Trẻ con thường muốn được cha mẹ quan tâm, vì vậy hãy chú ý đến những điều tốt con bạn làm, thưởng cho các bé những lời khen ngợi; khi chúng làm điều gì đó không nên, hãy bỏ thời gian ra, chỉ bảo nhẹ nhàng và dạy con trẻ phải biết nhận trách nhiệm với những việc làm của mình. Tiến sĩ Gershoff khuyên phụ huynh nên trò chuyện với trẻ và tạo dựng mối quan hệ tin cậy với trẻ.
Làm cha mẹ không hề dễ. Đó là cả một quá trình khó khăn không vì chỉ nuôi con về mặt thể chất mà dưỡng con về tâm hồn. Do đó, hãy luôn giữ một "trái tim nóng" và "cái đầu lạnh" trong mọi hành động và lời nói trên cương vị người làm cha làm mẹ để mang lại sự giáo dục tốt nhất cho con cái không chỉ hiện tại mà còn cho tương lai sau này của con.