Thượng đỉnh Đông Bắc Á: Nối lại những cây cầu

Trong hai ngày 26 và 27/5, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản gặp nhau tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên sau 5 năm, hội nghị thượng đỉnh 3 nước Đông Bắc Á được tổ chức, báo hiệu giai đoạn nồng ấm trở lại giữa 3 nước.

Bước ngoặt trở lại

Ngày 23/5, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo: các nhà lãnh đạo của nước này cùng Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 bên lần thứ 9 sau gần 5 năm gián đoạn. Theo kế hoạch được thông báo chính thức thì Tổng thống Hàn Quốc, ông Yoon Suk Yeol sẽ có những cuộc gặp riêng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vào ngày 26/5 tại Seoul. Ngày 27, lãnh đạo 3 nước sẽ cùng hội đàm.

Hội nghị cấp thứ trưởng giữa 3 bên tại Seoul, tháng 9/2023.

Hội nghị cấp thứ trưởng giữa 3 bên tại Seoul, tháng 9/2023.

Phó Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, ông Kim Tae-hyo cho biết, chương trình hội nghị sẽ bao trùm các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, phát triển bền vững, y tế, khoa học công nghệ, thiên tai, giao lưu nhân dân, đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế. Hội nghị thượng đỉnh sẽ đóng vai trò là “bước ngoặt trong việc khôi phục và bình thường hóa quan hệ hợp tác 3 bên giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc”.

Từ sau cuộc gặp tháng 12/2019, cơ chế thượng đỉnh 3 bên này bị dừng lại do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Yếu tố khách quan đáng kể nhất là đại dịch COVID-19 nổ ra khiến các cuộc gặp hằng năm sau đó bị dừng lại. Đồng thời, trong giai đoạn đó, giữa 3 nước cũng xảy ra nhiều tranh cãi. Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc liên quan đến vấn đề lịch sử khiến chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol một phen chao đảo.

Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản cũng gần như đóng băng do lập trường của Tokyo về vấn đề Đài Loan. Sách trắng đối ngoại của Nhật Bản năm 2023 còn cho rằng, hành động của Bắc Kinh đã dẫn đến tình trạng an ninh “nghiêm trọng và phức tạp” ở khu vực. Trong một phản ứng trái chiều, Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu tất cả thủy, hải sản của Nhật Bản kể từ tháng 8/2023 do lo ngại nhiễm phóng xạ.

Tuy nhiên, sự tức giận của Trung Quốc đối với việc Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần Mỹ hơn trong những năm gần đây mới là lý do chủ yếu khiến cuộc gặp không được diễn ra. Mỹ và 2 đồng minh chủ chốt ở châu Á đã nâng hợp tác an ninh lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Mỹ cũng lôi kéo Hàn Quốc và Nhật Bản vào cuộc chiến thương mại bao gồm cả việc ngăn cản Trung Quốc tiếp cận công nghệ để tạo ra những con chip tiên tiến nhất. Đầu tư của Nhật Bản và Hàn Quốc vào Trung Quốc đang giảm xuống thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ cho thấy chiều hướng đi xuống của quan hệ kinh tế. Dẫu quan hệ 3 bên đang có nhiều căng thẳng nhưng thực tế 3 nước vẫn có sự phụ thuộc lẫn nhau không thể tránh khỏi, nhất là về kinh tế, thương mại và hợp tác xử lý các thách thức an ninh chung. Vì vậy, việc “quay đầu lại” tìm mối quan hệ bình thường là không tránh khỏi.

Lóe lên tia hy vọng

Chính phủ Hàn Quốc là bên “nhiệt tình” nhất trong nỗ lực tái khởi động cuộc gặp thượng đỉnh lần này. Để có được cuộc gặp đó, giới chức ngoại giao Hàn Quốc đã có một năm hoạt động rất tích cực.

Ngày 20/5 đánh dấu lần đầu tiên trong 7 năm, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp người đồng cấp Hàn Quốc ở Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh. Tại cuộc gặp, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc khẳng định: “Không có xung đột lợi ích cơ bản nào giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Cả hai nên cùng hướng tới trạng thái hài hòa dù khác biệt”. Đây chính là thời khắc quyết định để Hàn Quốc có thể kéo hai nước láng giềng ngồi lại và cùng bàn đến những triển vọng hợp tác mới.

Nhật Bản và Hàn Quốc có lợi ích chung khi phối hợp cùng nhau trong hội nghị 3 bên với Trung Quốc. Vị thế của Trung Quốc đã lớn hơn rất nhiều so với 1 thập kỷ trước và Nhật Bản, Hàn Quốc cần duy trì mối quan hệ “hữu hảo” nhất định với “ông lớn” bên cạnh này. Cuộc gặp sẽ giúp duy trì kênh liên lạc ổn định để tránh đối đầu, xung đột. Cả Seoul lẫn Tokyo đều cần trấn an Bắc Kinh rằng họ tham gia liên minh với Mỹ không nhằm kiềm chế Trung Quốc; không muốn quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn tác động xấu đến quan hệ với Trung Quốc. Trung Quốc cũng là cánh cửa để hy vọng tháo gỡ bế tắc trong vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó, nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc vừa là động lực, vừa là thách thức lớn để duy trì sức mạnh kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngược lại, Trung Quốc lo ngại hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa Nhật - Hàn với Mỹ nhưng cũng muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại 3 bên để vô hiệu hóa, chí ít là hạn chế tác động từ chiến lược kết nối đồng minh của Mỹ ở khu vực.

Dù có mâu thuẫn, tranh chấp, nhưng cả 3 nước đều cần hợp tác với nhau vì đều là đối tác thương mại hàng đầu. Các bên đang muốn nối lại thỏa thuận thương mại 3 bên, tiến trình đã bị đình trệ từ năm 2019. Hàn Quốc và Trung Quốc cũng muốn khởi động lại quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa hai nước nhằm thúc đẩy đầu tư và thương mại. Hàn Quốc cũng mong muốn đưa thượng đỉnh 3 bên trở thành cuộc gặp thường niên.

Ông Lee Hee Sup, Tổng thư ký thuộc Ban thư ký hợp tác 3 nước có trụ sở tại Seoul, cho rằng, thể chế hóa sự phối hợp 3 bên là điều quan trọng nhất để tránh những đứt gãy trong tương lai. Từ khi được khởi xướng 25 năm trước, quan hệ hợp tác này đã góp phần thúc đẩy thương mại giữa 3 nước từ 130 tỷ USD năm 1999 lên 780 tỷ USD năm 2022, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế các nước và cả khu vực. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì việc khởi động lại chuỗi hợp tác khu vực là vô cùng cần thiết.

Theo Kang Joon-young, giáo sư chuyên ngành quốc tế thuộc Đại học Hankuk thì rất khó để ngay lập tức đạt được những kết quả thực chất, nhưng “chỉ cần tổ chức cuộc gặp cũng có ý nghĩa lớn bởi điều này vực dậy một nền tảng đối thoại thay vì đối đầu không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào”. Ít nhất, cuộc gặp cũng là tín hiệu phá băng mối quan hệ vốn đã xuống thấp nhất trong nhiều thập kỷ giữa 3 cường quốc Đông Bắc Á.

Tiểu Phong

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/thuong-dinh-dong-bac-a-noi-lai-nhung-cay-cau-i732667/