Thượng đỉnh G7: 'Hội nhà giàu' bắt tay xuất chiêu mới đối chọi Trung Quốc

Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, G7 đang muốn chứng minh cho thế giới rằng những nền dân chủ giàu có nhất thế giới có thể tạo ra một 'đối trọng' đáp lại tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Lãnh đạo G7 đều nhất trí về mối đe dọa mà một Trung Quốc ngày càng quyết đoán gây ra. (Nguồn: AP)

Lãnh đạo G7 đều nhất trí về mối đe dọa mà một Trung Quốc ngày càng quyết đoán gây ra. (Nguồn: AP)

Trung Quốc có BRI thì G7 có B3W

Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Anh từ ngày 11-13/6, 7 nền dân chủ giàu có nhất thế giới đã tìm cách đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc khi công bố một kế hoạch toàn cầu mới xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển nhằm đối trọng với Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng này mang tên Build Back Better World (tạm dịch là “Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn”, viết tắt là B3W) sẽ tạo ra một mô hình đối tác minh bạch khi triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng trị giá 40.000 tỷ USD ở các nước đang phát triển trước năm 2035.

Giải thích về sáng kiến này, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: “Sáng kiến này không nhằm đối đầu hay thách thức Trung Quốc. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa đưa ra được một sáng kiến tích cực phản ánh giá trị, tiêu chuẩn và cách thức làm ăn kinh doanh của chúng ta”.

Theo Nhà Trắng, G7 và các đồng minh sẽ tận dụng B3W để huy động vốn tư nhân đầu tư vào những lĩnh vực như biến đổi khí hậu, an ninh y tế, công nghệ số và bình đẳng giới.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ B3W sẽ được triển khai như thế nào và kế hoạch sẽ cần mức vốn phân bổ bao nhiêu.

Được công bố hồi năm 2013, BRI của Trung Quốc bao gồm các dự án đầu tư và phát triển trải dài từ châu Á đến châu Âu và châu lục khác. Hiện đã có hơn 100 quốc gia ký thỏa thuận với Trung Quốc để hợp tác với các dự án BRI như xây dựng hải cảng, đường cao tốc và các dự án cơ sở hạ tầng khác.

Thống nhất về mục tiêu, khác biệt về cách thức

Lãnh đạo G7, bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Đức, Italy, Pháp và Nhật Bản, muốn tận dụng hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại khu nghỉ dưỡng ven biển ở Vịnh Carbis này của Anh để chứng minh cho thế giới rằng những nền dân chủ giàu có nhất thế giới có thể tạo ra một đối trọng đáp lại tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.

Việc Trung Quốc trỗi dậy trở thành một cường quốc dẫn đầu thế giới được xem là một trong những biến động địa chính trị quan trọng nhất trong thời gian gần đây.

Về chủ đề này, tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn tài liệu về B3W do Nhà Trắng công bố, trong đó lưu ý rằng phiên thảo luận toàn thể của G7 hôm 12/6 đã tập trung vào “cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc” và một cam kết “thực hiện những hành động cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng to lớn ở các nước thu nhập thấp và trung bình”.

Theo bình luận của SCMP, kế hoạch B3W sẽ bộc lộ cách thức mà lãnh đạo G7 thúc đẩy đường lối cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.

Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' (BRI) của Trung Quốc đã trở thành thách thức đối với Mỹ và các nước phương Tây. (Nguồn: Reuters))

Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' (BRI) của Trung Quốc đã trở thành thách thức đối với Mỹ và các nước phương Tây. (Nguồn: Reuters))

Trong khi đó, tạp chí Eura Asia Review ngày 12/6 nhận định rằng, lãnh đạo G7 dường như chia rẽ trước lời kêu gọi của ông Biden về việc cần có hành động quyết đoán hơn đối với Trung Quốc về các vấn đề sử dụng lao động cưỡng bức, không tuân thủ luật lệ thương mại quốc tế và cơ chế hỗ trợ tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu.

Sau phiên thảo luận toàn thể, một quan chức cấp cao giấu tên thuộc chính quyền ông Biden thừa nhận: “Đã có một số thảo luận thú vị và cũng đã có chút khác biệt về quan điểm”.

Mặc dù lãnh đạo G7 đều nhất trí về mối đe dọa mà một Trung Quốc ngày càng quyết đoán gây ra. Thế nhưng, họ lại không đồng nhất về cách thức đối phó với Bắc Kinh sẽ cứng rắn ở mức độ như thế nào.

Theo quan chức Mỹ nói trên, Italy, Đức và Liên minh châu Âu (EU) dường như dè dặt trước cách đối phó cứng rắn đối với Bắc Kinh. Thay vào đó, các nhóm nước này muốn tập trung vào “bản chất của mối quan hệ hợp tác”.

Trong khi đó, các nước gồm Mỹ, Anh, Canada và Pháp lại muốn có cách đối phó với Trung Quốc “mang tính hành động hơn” dù ở mức độ khác nhau.

Rõ ràng, nỗ lực tìm cách đối trọng Trung Quốc, được Mỹ dẫn đầu, đã tạo được khí thế mới, động lực mới cho G7. Tuy nhiên, những sáng kiến đưa ra và quá trình bàn bạc hiện vẫn tiềm ẩn những chia rẽ nhất định trong nội bộ G7, cụ thể là về cách thức đối phó với Bắc Kinh.

Vì vậy, liệu những nỗ lực của G7 nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc nói trên sẽ được triển khai ở mức độ nào sẽ vẫn là một “ẩn số”.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-dinh-g7-hoi-nha-giau-bat-tay-xuat-chieu-moi-doi-choi-trung-quoc-148273.html